Tìm mô hình mới cho xúc tiến đầu tư
Đã đến lúc phải vượt qua rào cản | |
Thiết kế lại chính sách ưu đãi đầu tư |
Nguồn vốn FDI trên thế giới còn dồi dào, song không dễ để cạnh tranh thu hút vốn |
Nhu cầu của NĐT chưa được coi trọng
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, những năm vừa qua Việt Nam đã khá thành công trong việc thu hút các đối tác chiến lược. Hiện nay, chúng ta đã có 16 đối tác chiến lược và một đối tác quan trọng là Hoa Kỳ. 17 đối tác này đang đầu tư gần 230 tỷ USD vào Việt Nam, chiếm 70% tổng giá trị đầu tư và 50% kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước. Đây đều là những nền kinh tế lớn, nguồn tài chính và trung tâm công nghệ lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, những kết quả đạt được trong hơn 30 năm thu hút FDI vẫn còn cách xa so với kỳ vọng. Đó là phải thu hút mạnh hơn nguồn vốn chất lượng cao từ các quốc gia phát triển như Mỹ, châu Âu… Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lý do khiến hoạt động xúc tiến đầu tư còn kém hiệu quả và chưa thu hút được nhiều nguồn vốn chất lượng cao là vì danh mục dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài từ cấp quốc gia cho tới cấp ngành, địa phương mới xuất phát từ nhu cầu của địa phương hay của ngành, mà chưa coi trọng nhu cầu của nhà đầu tư (NĐT). Các thông tin mà NĐT cần như cấp điện, cấp nước, tình hình giao thông, công nghệ thông tin, logistics… chưa được cập nhật kịp thời và đầy đủ.
Chia sẻ về những hạn chế trong hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, bà Virginia B. Foote - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cho biết, các DN Hoa Kỳ đặc biệt coi trọng tính liêm chính và tinh thần không phân biệt đối xử giữa DN trong và ngoài nước khi đặt vấn đề hợp tác kinh doanh.
Ông Bjorn Koslowski - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức tại Việt Nam cũng khẳng định, cơ quan này đang tích cực tìm kiếm các nhà cung cấp phù hợp cho DN Đức. Đây chủ yếu là kế hoạch di chuyển, đa dạng hoá nguồn cung ứng của các DN Đức từ Trung Quốc sang Việt Nam. Tuy nhiên, số lượng, chất lượng các DN Việt Nam có thể đáp ứng tiêu chuẩn để gia nhập chuỗi cung ứng của DN Đức lại chưa cao. Bởi vậy để thu hút nguồn vốn từ nước Đức, Việt Nam cần “chào hàng” bằng chính các DN trong nước có đủ năng lực hợp tác để tham gia vào chuỗi giá trị của DN Đức.
Tìm kiếm mô hình mới
Những ý kiến từ chính cộng đồng DN nước ngoài cho thấy, NĐT ngày càng đưa ra những đòi hỏi sát thực tế thay vì quan tâm quá nhiều tới các chính sách vĩ mô chung. Cùng với đó, NĐT cũng đang dịch chuyển qua các kênh là tổ chức tư nhân thay vì tìm tới cơ quan xúc tiến của địa phương hay của ngành như trước đây. Một vị lãnh đạo của UBND Hà Nội cho biết, ngày càng nhiều NĐT xúc tiến đầu tư thông qua các quỹ đầu tư, ngân hàng, công ty tài chính, công ty luật, công ty tư vấn nước ngoài… Thực tế cho thấy, đây mới là những đối tác có vai trò quan trọng trong việc ra quyết định của NĐT.
Vị này cho rằng, sự dịch chuyển đó là tất yếu. Bởi lẽ công tác xúc tiến đầu tư thời gian qua dù đã bước đầu chuyển sang giai đoạn chủ động, nhưng vẫn còn thiếu tính liên kết và phối hợp ở cả cấp trung ương và địa phương, nên còn chồng chéo và trùng lặp, làm lãng phí nguồn lực. Sau khi phân cấp đầu tư xuống từng địa phương từ năm 2006, các tỉnh, thành phố đã tự do và chủ động hơn trong việc kêu gọi đầu tư. Song đây cũng là nguyên nhân gây ra “cuộc đua xuống đáy” khi tỉnh nào cũng chạy đua xúc tiến và đưa ra ưu đãi mà không cân nhắc tới khả năng của mình cũng như bức tranh chung của nền kinh tế cả nước.
TS. Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, cần đánh giá và xây dựng lại mô hình cơ quan xúc tiến đầu tư. Việc cơ quan tập trung cả chức năng xúc tiến đầu tư và quản lý đầu tư thường có xung đột lợi ích khi kết quả hoạt động của cơ quan này được đánh giá dựa trên cả số lượng NĐT và hiệu quả của việc ngăn chặn các khoản đầu tư không phù hợp. Vì vậy NĐT nước ngoài thường có xu hướng nghi ngờ động cơ của một tổ chức vừa đóng vai trò cơ quan xúc tiến đầu tư vừa làm chức năng quản lý.
Bên cạnh đó, việc tập trung vai trò cũng không phát huy được tính sáng tạo, chủ động của các cơ quan xúc tiến đầu tư do bị phụ thuộc quản lý quá chặt vào cấp trên. Ví dụ chương trình hoạt động của các cơ quan xúc tiến tại các địa phương bị phụ thuộc vào chương trình của Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND cấp tỉnh. Như vậy, mọi hoạt động, công việc phải báo cáo cấp trên mới được tiến hành.
“Tôi cho rằng cần tách hoạt động xúc tiến đầu tư ra khỏi chức năng quản lý nhà nước, chuyển sang cho khu vực tư nhân thực hiện đúng theo quy định của Luật Doanh nghiệp”, ông Thắng đề xuất.
Ông Kyle F. Kelhofer - Giám đốc quốc gia cấp cao Việt Nam, Campuchia và Lào của Công ty Tài quốc tế (IFC) cũng chỉ ra thực tế là mô hình quản lý đầu tư nước ngoài của Việt Nam hiện nay đang kết hợp giữa chức năng quản lý và xúc tiến đầu tư, là những chức năng có sự mâu thuẫn với nhau và cũng là mô hình hoạt động của những cơ quan xúc tiến đầu tư có hiệu quả kém trên thế giới.
Bên cạnh đó, ông cũng lưu ý, Việt Nam chưa có một tổ chức nào có đủ năng lực, trình độ nhân lực và thẩm quyền để thực hiện vận động chính sách hiệu quả và xúc tiến đầu tư phù hợp với Chiến lược thu hút FDI thế hệ mới. Vì vậy, trước mắt cần thành lập một cơ quan quản lý đầu tư nước ngoài thế hệ mới có đầy đủ chức năng để chỉ đạo việc thực hiện chiến lược này, nhằm phân công nhiệm vụ cụ thể giữa trung ương và địa phương để tránh chồng chéo.