Đã đến lúc phải vượt qua rào cản
Starup Việt hấp dẫn nhà đầu tư ngoại? | |
Để cổ phiếu vốn hóa lớn hấp dẫn nhà đầu tư ngoại |
Đó là một trong những đề xuất đã đạt được đồng thuận cao tại Hội thảo Tăng cường tiếp cận thị trường vốn Việt Nam cho DN mới đây. “Nếu không hành động ngay lúc này, chúng ta phải mất tới 10 năm nữa mới có thể bàn lại chuyện này. Nhưng lúc đó thì quá trễ”, ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) phát biểu.
Ảnh minh họa |
Theo tính toán của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE), nhà đầu tư ngoại chỉ giữ khoảng 24,6% tổng giá trị các cổ phiếu của VN-Index và khoảng 27,35% tổng giá trị các cổ phiếu trong rổ VN30. Nhiều DN FDI muốn đầu tư nhưng lại không có cổ phiếu để đầu tư. Một trong những vướng mắc là do room cho nhà đầu tư ngoại. Bên cạnh đó, rất nhiều sản phẩm được giao dịch trên TTCK ở các nước, nhưng lại không được giao dịch trên TTCK Việt Nam, khiến TTCK Việt Nam thiếu công cụ, thiếu hấp dẫn, ảnh hưởng đến việc huy động vốn của các công ty niêm yết.
Theo Nghị định 60/2015/NĐ-CP, nhà đầu tư nước ngoài được quyền nới room, nâng tỷ lệ sở hữu (FOL) và mua chứng khoán không hạn chế, trừ một số trường hợp các DN kinh doanh có điều kiện. DN được quyền tự quyết việc nâng tỷ lệ sở hữu của khối ngoại mà không cần thông qua Đại hội đồng cổ đông trừ khi điều lệ quy định. Nhưng tính từ ngày Nghị định 60 có hiệu lực 1/9/2015, đến nay, trên HoSE chỉ có 25 công ty có FOL đạt 100%, có 317 công ty có FOL đạt 49% và 8 công ty có FOL là 30%.
Nguyên nhân, chưa nâng FOL lên 100% là vì nhiều thủ tục, khó khăn trong việc xác định ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đồng thời, giao dịch nhà đầu tư nước ngoài mua/bán cổ phiếu hàng ngày làm thay đổi tỷ lệ cổ phiếu do nhà đầu tư nước ngoài trong công ty thay đổi dẫn đến khó khăn trong việc xác định vị trí pháp lý của công ty là công ty trong nước hay nước ngoài.
“Với trên 120 ngành nghề kinh doanh có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài như hiện nay, họ không vướng điều kiện này thì cũng sẽ vướng điều kiện kia”, bà Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước phát biểu.
Theo Công ty quản lý quỹ Dragon Capital, room còn lại của TTCK Việt Nam còn khoảng 16 tỷ USD. Trong đó, room của nhóm cổ phiếu Vingroup đã là 7,2 tỷ USD, của VNM là 1 tỷ USD, NVL là 0,6 tỷ USD và POW là 0,5 tỷ USD và của 751 cổ phiếu khác là 8,5 tỷ USD.
Và do việc nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại đang gặp nhiều khó khăn, nên các công ty hết room chỉ được định giá P/E là 8,6, thấp hơn so với mức 9,5 của nhóm 751 cổ phiếu còn lại. Hiện thực này khiến thị trường đang có nghịch lý: những DN đầu ngành để hút vốn từ nhà đầu tư ngoại đang hết room lại có định giá P/E thấp nhất thị trường, ảnh hưởng tiêu cực đến chi phí huy động vốn của công ty, ông Lê Anh Tuấn - Phó tổng giám đốc Dragon Capital cho biết.
Với quá nhiều vướng mắc như hiện nay, ông Rehan Anwer - Giám đốc điều hành bộ phận đầu tư ngân hàng và thị trường vốn của Credit Suisse khu vực Đông Nam Á chia sẻ kinh nghiệm, một số nước trong khu vực đã tìm cách vượt FOL bằng công cụ NVDR (chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết).
NVDR phát hành tạo sản phẩm tương đương cổ phiếu, tất cả các quyền lợi tài chính nhận được sẽ được chuyển toàn bộ cho nhà đầu tư ngoại trừ quyền biểu quyết để kiểm soát quyền chi phối của nhà đầu tư nước ngoài trong công ty. Bà Bình cho rằng sử dụng công cụ NVDR là giải pháp kỹ thuật để xử lý tình thế khi quá trình rà soát ngành nghề hạn chế mất rất nhiều thời gian. NVDR chính là động lực để thúc đẩy sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, Việt Nam lại chưa có khung pháp lý quy định đối tượng sẽ phát hành NVDR. Ở Thái Lan, cơ quan phát hành NVDR chính là sở giao dịch chứng khoán. Cho biết HoSE đang nghiên cứu NVDR để áp dụng cho TTCK Việt Nam, bà Nguyễn Thị Việt Hà - Ủy viên Chuyên trách Hội đồng Quản trị HoSE đề nghị cho phép HoSE thành lập công ty con để đứng ra phát hành NVDR trong thời gian thí điểm ban đầu. NVDR sẽ do cơ quan quản lý nhà nước phát hành dưới dạng chứng chỉ lưu ký, được niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán và được phát hành/thu hồi theo cơ chế tự động khi lệnh mua/bán được giao dịch thành công.
Thực tế cho thấy NVDR còn những điểm pháp lý và kỹ thuật còn phải xử lý. Nhưng “đã đến lúc phải vượt qua những rào cản này bởi nhà đầu tư không chờ đợi thị trường trong khi DN rất khát vốn. Phải có quyết tâm chính trị để từng bước thể chế hoá vấn đề này”, ông Phan Đức Hiếu cho biết.