“Tín dụng chính sách đồng hành với bà con vùng lũ”
Sau thiên tai, lũ lụt, những hộ nghèo, gia đình chính sách lại là những đối tượng chịu hậu quả nặng nề hơn. Những trường hợp này sẽ được hỗ trợ như thế nào? Nội dung cuộc tọa đàm “Tín dụng chính sách đồng hành với bà con vùng lũ” do Báo Thanh niên phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội (VBSP) tổ chức chiều ngày 24/11 phần nào giải đáp thắc mắc của bạn đọc xung quanh vấn đề này.
Các khách mời tham gia tọa đàm gồm có: Bà Nguyễn Thị Liễu – Giám đốc Ban Quản lý nợ và Xử lý rủi ro; Ông Nguyễn Việt Hải – Phó Giám đốc Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông; Bà Hồ Lan Hương - Phó Giám đốc Ban Tín dụng người nghèo; Ông Đinh Xuân Hùng – Phó Giám đốc Ban Kế hoạch nghiệp vụ.
Nhiều câu hỏi tại tọa đàm đã được đại diện VBSP trả lời thấu đáo, cụ thể, giúp các đối tượng chính sách nắm bắt các quy định, điều kiện thụ hưởng chính sách như: điều kiện được khoanh nợ, được xóa nợ? Cấp nào xóa và số tiền được xóa nợ?…Từ đó người dân có cơ hội tiếp cận chính sách hỗ trợ của ngân hàng.
Một trong những nội dung đáng chú ý tại buổi tọa đàm này là tín dụng chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên, hộ gia đình, còn doanh nghiệp thiệt hại do lũ có trong diện được ngân hàng hỗ trợ vốn để khôi phục kinh doanh sản xuất hay không?
Cụ thể, câu hỏi đến từ chủ một doanh nghiệp: “Sau đợt lũ vừa qua, công ty tôi mất trắng hơn 4 triệu viên gạch. Toàn bộ máy móc, nhà xưởng bị đình đốn, công nhân thiếu việc làm. Chúng tôi rất cần sự chia sẻ và hỗ trợ từ phía ngân hàng. Ngoài hỗ trợ cho nông dân, doanh nghiệp thiệt hại do lũ có trong diện được ngân hàng hỗ trợ vốn để khôi phục kinh doanh sản xuất hay không?”.
Ông Nguyễn Việt Hải – Phó Giám đốc Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông cho biết: Theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 Chính phủ về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm, quy định: Về đối tượng vay vốn gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh (gọi chung là cơ sở sản xuất kinh doanh).
Về điều kiện vay vốn đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh gồm: (i) Được thành lập và hoạt động hợp pháp; (ii) Có dự án vay vốn khả thi tại địa phương, phù hợp với ngành, nghề sản xuất kinh doanh, thu hút thêm lao động vào làm việc ổn định; (iii) Dự án vay vốn có xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nơi thực hiện dự án; (iv) Có bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật.
Do đó, nếu doanh nghiệp thuộc các đối tượng và đáp được các điều kiện vay vốn theo quy định nêu trên có thể được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ…