Tín dụng chính sách ở huyện thuần nông
Hoạt động ở huyện Lý Nhân (Hà Nam) vốn “đất chật, người đông” (diện tích tự nhiên chỉ có 167km2, nhưng dân số tới 200 nghìn người), nhân dân sống chủ yếu bằng nghề làm ruộng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, vậy mà NHCSXH nơi đây đã huy động, tạo lập nguồn vốn, đồng thời tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi của Nhà nước.
Người nghèo ở xã Hợp Lý nhận vốn vay ưu đãi tại Điểm giao dịch |
Nếu như vào thời điểm mới thành lập, nguồn vốn NHCSXH huyện Lý Nhân chỉ có 30 tỷ đồng thì đến nay con số đó đã tăng lên 378 tỷ đồng, tăng hơn 12 lần sau 14 năm xây dựng và phát triển; tỷ lệ nợ quá hạn cũng giảm khá nhanh từ 11,8% xuống còn 0,11% cuối năm 2016; đặc biệt có tới 13/23 xã, thị trấn trong toàn huyện xây dựng thành công mô hình xã không có nợ xấu, lãi tồn.
Để có được thành tích trên, những cán bộ tín dụng chính sách từ NHCSXH huyện Lý Nhân luôn bám sát các văn bản chỉ đạo của ngành, tranh thủ sự quan tâm giúp đỡ của cấp uỷ, chính quyền địa phương, chú trọng phối hợp với các ban ngành, đoàn thể triển khai nhiều giải pháp phù hợp để huy động nguồn vốn với nhiều hình thức. Cán bộ NHCSXH huyện còn tích cực tuyên truyền, vận động giải thích cho mọi người hiểu rõ và tham gia gửi tiền tiết kiệm tại Điểm giao dịch.
NHCSXH huyện Lý Nhân đã tổ chức chuyển tải kịp thời vốn ưu đãi về đúng địa chỉ, đúng đối tượng thụ hưởng. Cũng từ nguồn vốn vay, nhiều hộ gia đình có điều kiện đầu tư phát triển SXKD, chủ động lựa chọn xây dựng mô hình kinh tế phù hợp hiệu quả, tạo việc làm, cải thiện cuộc sống.
Đó là chị Vũ Thị Nhị ở xóm 8 xã Hợp Lý trước đây gặp hoàn cảnh rất khó khăn, chồng bệnh tật đau yếu, một mình chị phải bươn chải nuôi 3 con nhỏ ăn học. Từ năm 2013, thông qua Hội Phụ nữ, chị vay được vốn của NHCSXH đầu tư nuôi lợn. Nhờ chăm chỉ và biết tính toán sử dụng đồng vốn vay hợp lý nên cuối năm vừa rồi, chị đã tạo được cơ ngơi khá, với 3 gian chuồng nuôi mỗi lứa từ 15 - 20 con lợn, mỗi năm xuất chuồng từ 3 lứa, bình quân mỗi lứa trên 10 tấn thịt lợn.
Ở xã Hợp Lý còn có gia đình anh Nguyễn Mạnh Cường vay 46 triệu đồng vốn hộ cận nghèo về mở rộng chuồng trại nuôi lợn nái, cuộc sống nay đã khá |
Cùng với chị Nhị, xã Hợp Lý có đến 38 hộ thoát nghèo trong 2 năm qua từ việc sử dụng vốn ưu đãi đầu tư thâm canh trồng trọt, chăn nuôi; một số gia đình nông dân như bà Trần Thị Phấn, anh Nguyễn Văn Điệp, Nguyễn Mạnh Cường... còn được đồng vốn ưu đãi tiếp sức xây dựng mô hình kinh tế trang trại, phát triển ngành nghề thêu ren, cơ khí, chăn nuôi cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Cùng với huy động nguồn vốn để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách, NHCSXH huyện Lý Nhân đã quan tâm củng cố kiện toàn chất lượng hoạt động mạng lưới 413 Tổ tiết kiệm và vay vốn và xây dựng hệ thống Điểm giao dịch trải khắp toàn địa bàn xuống tận các xã. Chính vì vậy, nguồn vốn ưu đãi vừa đến với người dân nhanh chóng, vừa đảm bảo nâng cao chất lượng tín dụng đặc biệt là hỗ trợ đúng lúc đến các làng xóm, những hộ dân nghèo khó và các xã điểm thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới.
Đã thành thông lệ, các Điểm giao dịch xã của NHCSXH huyện Lý Nhân duy trì hoạt động định kỳ bất kể ngày mưa, nắng hay ngày nghỉ thứ 7, chủ nhật. Tất thẩy công việc cụ thể trong phiên giao dịch như sổ sách, máy in, máy đếm tiền, camera giám sát, các thiết bị bảo vệ an toàn, thuận tiện cho giao dịch chu đáo. Các chủ trương, chính sách mới về tín dụng ưu đãi cũng như các khoản vay, số tiền dư nợ của khách hàng,... đều được thông tin chính xác, thông báo công khai để mọi người dân cùng biết, cùng làm, cùng kiểm tra.
Tuy đạt được thành tích trong quá trình hoạt động, nhưng trong quá trình tổ chức thực hiện vẫn còn một số khó khăn bất cập như nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm còn ít, thiếu cơ chế lồng ghép phối hợp giữa hoạt động tín dụng ưu đãi với các hoạt động khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư, chuyển giao KHKT.
Trong thời gian tới, NHCSXH huyện sẽ tập trung tăng trưởng nguồn vốn, duy trì nâng cao chất lượng hoạt động tại các Điểm giao dịch, các Tổ tiết kiệm và vay vốn chủ động tham mưu với cấp uỷ chính quyền, kết hợp chặt chẽ với các ban ngành, MTTQ và các đoàn thể tiếp tục đưa Chỉ thị 40 đi vào cuộc sống, thiết thực hơn nhằm tạo đà giúp đỡ người nghèo và các đối tượng chính sách vượt khó, dựng xây cuộc sống ấm no, bình yên.