Tín dụng chính sách tác động rõ nét đến công tác giảm nghèo
Nhờ đồng vốn chính sách hàng ngàn hộ dân của quận Ngũ Hành Sơn vươn lên thoát nghèo |
Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội yêu cầu phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị, xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội.
Cơ quan nhà nước các cấp cần phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội tham gia thực hiện tín dụng chính sách xã hội.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt Ánh, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) cho hay, sau 5 năm thực hiện, Quận ủy Ngũ Hành Sơn đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng của quận Ngũ Hành Sơn thực hiện giám sát cộng đồng đối với việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội cũng như đối với hoạt động tín dụng chính sách được triển khai trên địa bàn.
Đồng thời, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội thực hiện các công việc được NHCSXH ủy thác; lồng ghép các nội dung được ủy thác với các chương trình, dự án và hoạt động thường xuyên của tổ chức chính trị, xã hội; làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Đơn cử, tại phường Hòa Quý, quận Ngũ Hàng Sơn (Đà Nẵng), một trong những phường khó khăn của Đà Nẵng. Trước khi Chỉ thị số 40 ra đời, phường Hòa Quý có tỷ lệ hộ nghèo khá cao. Sau khi có chủ trương của Đảng và sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương tạo điều kiện cho hộ nghèo tiếp cận vốn vay NHCSXH, từ đó nhiều hộ nghèo có vốn làm ăn, có việc làm, thu nhập ổn định, vươn lên thoát.
Chỉ thị số 40 có sự tác động rõ nét đến sự phát triển, kinh tế xã hội của phường. Bộ mặt đời sống xã hội của người dân được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Ông Nguyễn Thông, khối phố Khái Tây 1, phường Hòa Quý, một trong hàng trăm hộ nghèo trên địa bàn, nhờ tiếp cận được nguồn vốn từ NHCSXH Ngũ Hành Sơn để chăn nuôi, trồng nấm. Từ việc có vốn làm ăn và có thu nhập, hộ ông Thông nuôi ba đứa con ăn học đến nơi đến chốn, không những vậy gia đình còn vươn lên thoát nghèo bền vững. Hiện ông Thông là Tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn và Giám đốc Hợp tác xã Nấm Tây An - điển hình về thoát nghèo và vươn lên làm giàu từ vốn chính sách.
Ông Thông cho hay, để có được kết quả đó, chính nhờ sự phát huy được hiệu quả đầu tư tín dụng chính sách xã hội, nguồn vốn góp phần giúp hộ nghèo và đối tượng chính sách có vốn sản xuất kinh doanh, vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Có thể khẳng định, nguồn vốn thật sự có ý nghĩa sâu sắc đối với hộ nghèo, các đối tượng chính sách; đồng thời góp phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Theo lời ông Thông, trong số 31 hộ vay vốn trong tổ, có rất nhiều hộ nghèo vươn lên làm ăn có hiệu và thoát nghèo chính từ tín dụng chính sách như hộ bà Võ Thị Nhàn Lạc, hộ ông Lữu Văn Nhân, hô bà Trần Thị Tuyết, Nguyễn Thị Lợi… Hầu hết các hộ vay vốn đều sử dụng vốn và làm ăn hiệu quả. Đặc biệt, các hộ vay vốn chính sách là xã viên Hợp tác xã Nấm Tây An đều đầu tư trồng nấm mang lại hiệu quả từ nguồn vốn vay. Hiện tổ tiết kiệm và vay vốn của ông Thông không có nợ quá hạn; tại địa phương không có hộ nào phải sử dụng nguồn vốn của tín dụng đen.
"Sau 5 năm, Chỉ thị số 40 đã góp phần quan trọng giảm tỷ lệ hộ nghèo, tạo việc làm cho người dân địa phương. Nếu năm 2014, tổng dư nợ phòng giao dịch NHCSXH Ngũ Hành Sơn 124 tỷ đồng, tỷ lệ nợ quá hạn 0,4%, đến 31/7/2019, tổng dư nợ 223 tỷ đồng tăng 80%, và chất lượng tín dụng được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ nợ quá hạn giảm chỉ còn dưới 0,16%.", bà Ánh nói.
Với các mô hình cho vay ủy thác qua 4 hội đoàn thể Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu Chiến binh, Đoàn Thanh niên đã phát huy hiệu quả cung cấp tín dụng cho sản xuất và đời sống. Đồng thời, ngăn chặn hiệu quả tình trạng tín dụng đen trên địa bàn.
Sau khi có Chị thị số 40, Cấp ủy, chính quyền địa phương có sự quan tâm đúng mức đến hoạt động tín dụng chính sách. Điển hình, nguồn vốn ủy thác địa phương chuyển sang NHCSXH để thực hiện cho vay đối với các đối tượng chính sách xã hội thuộc quận Ngũ Hành Sơn tăng lên đáng kể (từ 6,5 tỷ đồng vào năm 2014, tăng lên 88 tỷ đồng vào thời điểm 31/7/2019). Nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH là nguồn lực đáng kể để phục vụ nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Để có được kết quả đó, Phòng giao dịch NHCSXH Ngũ Hành Sơn không ngừng phối hợp chặc chẽ với các tổ chức chính trị, xã hội đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân có thể tiếp cận các chương trình tín dụng chính sách. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách để phát triển sản xuất kinh doanh, vươn lên thoát nghèo bền vững.