Doanh nghiệp "chung tay" để đạt mục tiêu nhà ở xã hội
Phát triển nhà ở xã hội: Cần có quỹ huy động từ nhiều nguồn |
Vừa qua, hơn 30 Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đã từng tham gia thực hiện các dự án nhà ở xã hội hoặc đăng ký tham gia thực hiện Chương trình phát triển ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030 theo Quyết định 338/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó giao chỉ tiêu cho thành phố Hồ Chí Minh phát triển từ 69.700 đến 93.000 căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, từ năm 2021 cho đến nay Thành phố chỉ có 10 dự án nhà ở xã hội, trong đó 06 dự án đã hoàn thành, 04 dự án đang triển khai thi công với tổng số căn nhà gần 6.000 căn. Đây là kết quả khiêm tốn và đặt ra nhiều thách thức để Thành phố thực hiện được chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội đã đề ra.
Để thực hiện mục tiêu, trước đó Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi đã cam kết kéo giảm thời gian thực hiện quy trình, thủ tục đầu tư dựng dự án nhà ở xã hội từ hơn 01 năm xuống còn không quá 6 tháng và trực tiếp chỉ đạo các dự án nhà ở xã hội chỉ để cho thuê đáp ứng nhu cầu thuê nhà của cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ lực lượng vũ trang nhân dân và công nhân lao động.
Sở Xây dựng cũng đã công bố danh mục 07 dự án nhà ở xã hội mời gọi đầu tư với khoảng 8.000 căn hộ và đã được rất nhiều doanh nghiệp bất động sản quan tâm nên có thể phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và Sở Xây dựng cũng đã công bố 03 “thiết kế mẫu” nhà ở xã hội cao tầng, mà nếu được Bộ Xây dựng cho phép áp dụng trong thời gian tới thì sẽ giúp tiết kiệm thời gian, công sức cho cả các chủ đầu tư, cơ quan Nhà nước và giảm giá thành nhà ở xã hội.
Hiện, đã có 21 doanh nghiệp đăng ký thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại quỹ đất do doanh nghiệp tự tạo lập với khoảng 52.000 căn hộ, trong đó có 9 doanh nghiệp đăng ký tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại địa chỉ quỹ đất cụ thể thuộc quyền sử dụng của doanh nghiệp với khoảng 40.000 căn hộ và 12 doanh nghiệp đăng ký, cam kết tìm quỹ đất trên địa bàn thành phố để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội với khoảng 12.000 căn hộ.
Tính gộp với 07 khu đất Thành phố mời gọi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội với khoảng 8.000 căn hộ cùng với 10.000 căn hộ nhà ở xã hội do Thành phố dự kiến đầu tư công thì TP. Hồ Chí Minh có thể phát triển được khoảng 70.000 căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030, đáp ứng được chỉ tiêu 69.700 căn hộ và Thành phố quyết tâm phấn đấu mời gọi các nhà đầu tư để thực hiện mục tiêu phát triển 93.000 căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030.
Để thực hiện thành công mục tiêu phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, theo Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA), cần có cơ chế, giải pháp cụ thể, phù hợp với đặc điểm tình hình của Thành phố nhằm thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án nhà ở xã hội, nhất là các dự án nhà ở xã hội chỉ để cho thuê là lĩnh vực rất khó thu hút đầu tư do tỷ suất lợi nhuận thấp, thời gian thu hồi vốn rất dài, bởi lẽ dự án nhà ở xã hội chỉ để cho thuê có thời gian thu hồi vốn không dưới 20 năm.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, giải pháp thiết thực nhất hiện nay là các Sở, ngành, quận, huyện, thành phố Thủ Đức cùng chung tay phối hợp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để triển khai thực hiện ngay các dự án nhà ở xã hội mà các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đang có sẵn quỹ đất, nhất là quỹ đất 20% dành để phát triển nhà ở xã hội:
Trước đó, Sở Xây dựng đã làm việc với 14 chủ đầu tư đã có sẵn quỹ đất 20% trong dự án nhà ở thương mại dành để phát triển nhà ở xã hội, hoặc đã tạo lập quỹ đất phù hợp với quy hoạch để thực hiện dự án nhà ở xã hội và đã có 09/14 chủ đầu tư đăng ký thực hiện khoảng 40.000 căn hộ nhà ở xã hội.
Nhưng vướng mắc lớn nhất hiện nay lại là sự phối hợp thiếu đồng bộ giữa các Sở, ngành, quận, huyện nơi có dự án nhà ở xã hội. Bởi nếu không có sự phối hợp chặt chẽ thì những trường hợp như Dự án nhà ở xã hội Lê Thành - Tân Kiên đã được UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư trên cơ sở quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 đã được điều chỉnh cục bộ và đã động thổ ngày 29/08/2024, nhưng đến nay đã hơn 03 tháng vẫn chưa làm được Giấy phép xây dựng do quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án chưa được Uỷ ban nhân dân huyện Bình Chánh phê duyệt
Tương tự, trường hợp Dự án Nhà lưu trú công nhân Khu Chế xuất Linh Trung 2 (giai đoạn 2) do Công ty CP Đầu tư Xây dựng Sản xuất Dịch vụ Du lịch Thiên Phát làm chủ đầu tư đã được UBND Thành phố chỉ đạo, nhưng đến nay vẫn chưa được Ban Quản lý Khu Chế xuất Linh Trung và Ban Quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp Thành phố (Hepza) hỗ trợ để hoàn thành thủ tục để có thể sớm khởi công giai đoạn 2.
Theo các chuyên gia, để thực hiện mục tiêu phát triển từ 69.700 đến 93.000 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030 thì Thành phố ngoài việc các sở ngành quản lý chức năng phải quyết tâm vào cuộc, còn cần phải có khoảng 69 - 93 dự án nhà ở xã hội độc lập với quy mô trung bình 1.000 căn hộ/dự án với tổng diện tích đất cần phải bố trí lên đến khoảng 96 - 130 ha.
Trường hợp sử dụng quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại dành để xây dựng từ 69.700 đến 93.000 căn nhà ở xã hội thì tổng diện tích đất của các dự án nhà ở thương mại này cần phải có khoảng 480 - 650 ha.
Nếu kết hợp cả hình thức đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội độc lập với việc sử dụng quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại dành để xây dựng 69.700 - 93.000 căn nhà ở xã hội thì tổng diện tích đất cần phải bố trí cũng có thể lên đến khoảng vài trăm héc-ta.
“Do vậy, công tác bố trí đủ quỹ đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, xây dựng để phát triển nhà ở xã hội theo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của thành phố đã được phê duyệt là điều kiện có tính quyết định để thực hiện chỉ tiêu phát triển từ 69.700 đến 93.000 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030” – chuyên gia khẳng định.