Đấu giá đất: Cơn sốt ảo và những hệ lụy
Đấu giá đất Hà Nội: Cơn sốt chưa nguội Bộ Xây dựng: Nhiều nhà đầu tư đấu giá đất cao rồi "bỏ cọc" Cần quản lý chặt công tác đấu giá đất |
Nguy cơ mất ổn định kinh tế
Công an Hà Nội vừa ra quyết định tạm giữ 5 đối tượng về hành vi vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản, liên quan tới cuộc đấu giá 58 thửa đất tại Sóc Sơn. Bằng cách thông đồng nâng giá lên mức phi lý, lên tới 30 tỷ đồng/m2, các đối tượng đã khiến 36 lô đất không tìm được chủ sở hữu. Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội đang củng cố tài liệu, chứng cứ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can, xử lý nghiêm các đối tượng liên quan theo quy định.
Trước đó, khoảng giữa tháng 8/2024, huyện Thanh Oai tổ chức đấu giá 68 thửa đất tại khu ngõ Ba, thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao, kết quả, giá trúng đấu giá chênh với giá khởi điểm 88 triệu đồng/m2. Nhưng điều đáng nói là sau khi hết thời hạn nộp tiền, thì đã có tới 55/68 bị người trúng đấu giá bỏ cọc.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Khiển - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai (Hà Nội) cho biết, các phiên đấu giá đất gần đây tại huyện chủ yếu thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp và nhóm môi giới bất động sản. Điều này làm dấy lên lo ngại về việc các bên liên kết, thông đồng để đẩy giá hoặc “phá bĩnh” đấu giá.
Theo chuyên gia pháp lý bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh, việc người tham gia đấu giá đất sẵn sàng trả giá cao bất chấp, chấp nhận mất tiền đặt trước đang là vấn đề nóng. Theo quy định tại Điều 159 Luật Đất đai 2024, giá khởi điểm được xác định dựa trên bảng giá đất. Tuy nhiên, sự chênh lệch lớn giữa bảng giá đất và giá thị trường thực tế, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội, đang tạo ra một lỗ hổng trong cơ chế đấu giá. Giá khởi điểm thấp dẫn đến tiền đặt trước cũng thấp, khiến việc tham gia đấu giá trở nên dễ dàng hơn, thu hút nhiều người tham gia và đẩy giá đất lên cao một cách phi lý. Điều này không chỉ gây mất cân đối thị trường mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người mua.
Nhóm người bị tạm giữ |
Cần giải pháp bền vững trước cơn sốt ảo
Phát biểu tại Diễn đàn Phát triển bền vững thị trường bất động sản diễn ra mới đây, ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết: “Tại một số địa phương, khu vực có hiện tượng đấu giá quyền sử dụng đất với kết quả trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm. Việc quản lý, thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất tại một số khu vực, địa phương chưa tốt; có hiện tượng nhiều nhà đầu tư thành lập hội, nhóm tham gia đấu giá; trả giá đất cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, rồi có thể “bỏ cọc” sau khi trúng đấu giá đất nhằm mục đích thiết lập mặt bằng giá ảo tại khu vực để kiếm lời”.
TS. Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định: “Sự việc ở phiên đấu giá đất tại Thanh Oai một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của yếu tố pháp lý và minh bạch trong các giao dịch bất động sản. Khi các quy định pháp luật chưa rõ ràng, thông tin thị trường thiếu minh bạch, nhà đầu tư sẽ rất dễ rơi vào tình trạng “ngán ngẩm” và không dám xuống tiền. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho ngân sách địa phương mà còn làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường”.
Nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng, các địa phương cần nhanh chóng triển khai bảng giá đất mới theo Luật Đất đai 2024 để phù hợp với thị trường. Việc này không chỉ giúp công tác đấu giá đất diễn ra minh bạch, hiệu quả mà còn hạn chế tình trạng đầu cơ, bình ổn thị trường bất động sản.
Ngày 5/12, UBND thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 4085/UBND-TNMT, chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã và đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn. Theo đó, các địa phương cần đánh giá hiệu quả của việc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá, đặc biệt tránh tổ chức đấu giá tại khu vực có giá khởi điểm thấp, không đủ bù đắp chi phí giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng. Những khu đất này có thể được chuyển đổi mục đích sử dụng để phục vụ tái định cư hoặc công trình công cộng, góp phần hỗ trợ các dự án trên địa bàn. UBND thành phố yêu cầu các địa phương thực hiện đúng quy định pháp luật, rà soát, chấn chỉnh công tác đấu giá theo các văn bản chỉ đạo trước đó của Chính phủ và thành phố. Các quận, huyện, thị xã cần chủ động đề xuất giải pháp cụ thể để tổ chức đấu giá chặt chẽ, công khai, minh bạch, bảo đảm hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, Ban Thường vụ quận ủy, huyện ủy, thị ủy được giao nhiệm vụ phối hợp, hỗ trợ các cơ quan nhà nước trong thực hiện biện pháp ổn định thị trường bất động sản, tránh phát sinh các vấn đề phức tạp. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo UBND thành phố trong tháng 2/2025. |