Phát triển nhà ở xã hội phải được coi là mục tiêu quan trọng
TP.HCM: Đã cho người thu nhập thấp vay 120 tỷ đồng xây nhà | |
Bộ Xây dựng đã nhiều lần báo cáo Chính phủ và các bộ ngành đề nghị cấp vốn nhà ở xã hội | |
Cho vay xây dựng nhà ở xã hội ở Quảng Bình |
Nhà ở xã hội: Từ chính sách đến thực tiễn
Theo HoREA, nhằm thực hiện chính sách nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội; các chính sách về mức lãi suất cho vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định, của Ngân hàng Chính sách xã hội...
Nhu cầu về nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp vẫn còn rất lớn |
Đồng thời, theo phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đối với phần vốn còn lại, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý bổ sung 2.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội, trong đó dành một phần bổ sung để thực hiện chính sách nhà ở xã hội.
Tại địa bàn TP.HCM, thành phố đã thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho cán bộ, công nhân viên chức khi mua căn nhà đầu tiên. Giai đoạn đầu, thành phố hỗ trợ mỗi suất vay mua nhà là 300 triệu đồng. Sau đó, tăng lên 400 triệu đồng và trong vài năm gần đây là 500 triệu đồng.
Hiện nay, Quỹ Phát triển nhà ở và Sở Tài chính TP.HCM đang đề nghị UBND thành phố nâng suất cho vay lên 600 triệu đồng.
Sau 12 năm thực hiện chủ trương phát triển nhà ở xã hội, đã có 4.010 cán bộ, công nhân viên (80% người vay thuộc ngành giáo dục, y tế) được vay với tổng số tiền 1.565 tỷ đồng, được thành phố hỗ trợ lãi suất vay và chỉ phải trả lãi vay 4,7%/năm để mua căn nhà đầu tiên.
Phân khúc bất động sản nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp cũng được nhiều doanh nghiệp hưởng ứng tham gia, góp phần tạo ra sản phẩm nhà ở vừa túi tiền, giải quyết bài toán nhà ở cho người thu nhập thấp.
Đơn cử như, Công ty Lê Thành chuyên đầu tư căn hộ nhà ở thương mại vừa túi tiền để cho thuê, hoặc bán cho công nhân, lao động, người thu nhập thấp đô thị với hơn 4.500 căn hộ, và cũng là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên đã đầu tư các dự án nhà ở thương mại có diện tích 29m2/căn cho thuê dài hạn 49 năm.
Hay như Công ty Thiên Phát đã đầu tư dự án chung cư nhà ở xã hội (giai đoạn 1) gồm 2.500 chỗ ở cho công nhân thuê tại khu công nghiệp Linh Trung 2 và đang thực hiện giai đoạn 2.
Ngoài ra, còn có Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn (Resco) đầu tư khu nhà lưu trú công nhân đầu tiên của thành phố tại Khu chế xuất Linh Trung, quận Thủ Đức. Công ty Nam Long thực hiện 8 dự án nhà ở thương mại vừa túi tiền EHome và đang triển khai đầu tư các dự án nhà ở xã hội EHomeS tại quận 9 và huyện Bình Chánh. Trong điều kiện chưa có nguồn vốn tín dụng ưu đãi, Công ty Nam Long đã hỗ trợ 2%/năm lãi suất vay cho người mua dự án nhà ở xã hội EHomeS Phú Hữu, quận 9...
Nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc
Tuy nhiên theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, hiện vẫn còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong vấn đề phát triển, xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp. Trong đó, quan trọng nhất chính là thiếu hụt nguồn vốn .
Sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng của Chính phủ đã giải ngân hết vào cuối tháng 12/2016, hiện tại không có nguồn vốn ưu đãi như vậy để tiếp tục cho vay. Điều này đã khiến cho 206 dự án nhà ở xã hội với khoảng 168.700 căn hộ đang bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công.
Phía nguồn vốn cấp bù lãi suất cho các ngân hàng để cho vay mua nhà ở xã hội cũng rất hạn chế. Theo báo cáo gần đây của Bộ Xây dựng, lượng vốn ngân sách bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn 2018-2020 là 1.262 tỷ đồng trong tổng số 9.000 tỷ đồng, mới chỉ đáp ứng khoảng 13% so với yêu cầu.
Riêng năm 2018, Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ được giao 500 tỷ đồng và đã phân bổ cho các chi nhánh địa phương. Trong đó, Hà Nội và TP.HCM được nhận mức phân bổ cao nhất là 50 tỷ đồng, các địa phương khác chỉ được phân bổ khoảng 10-15 tỷ đồng nên không đáp ứng được yêu cầu của người được thụ hưởng nhà ở xã hội.
HoREA thông tin thêm, hiện quy mô dân số TP.HCM đã lên đến gần 13 triệu người, trong đó có gần 3 triệu người nhập cư, chiếm khoảng 23% dân số. Qua khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển thì có khoảng 500.000 hộ chưa có nhà, khoảng 81.000 hộ cần nhà ở xã hội trong giai đoạn 2016 - 2020...
“Do vậy, giải quyết nhu cầu nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp, trước hết là phải có nhiều căn hộ cho thuê giá thấp, có đủ các tiện ích cơ bản và an toàn hơn”, ông Châu nhấn mạnh. “Thành phố cần phải coi đây là mục tiêu quan trọng, có tính nhân văn và có ý nghĩa xã hội sâu sắc, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh chính trị..."