Tín dụng sẽ không tăng bằng mọi giá
Phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên | |
Điều hành CSTT nhằm kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng ở mức hợp lý | |
Sớm ban hành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng |
Năm 2016, tăng trưởng tín dụng (TTTD) đạt hơn 18%. Năm nay, NHNN cho biết, TTTD ở mức 18% nhưng sẽ bám sát tín hiệu thị trường để linh hoạt điều chỉnh. Với mức tăng trưởng trên liệu có phù hợp với chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,7%. Mục tiêu trên có khả thi trong năm 2017 hay không. Phóng viên trích dẫn một số ý kiến của các chuyên gia NH cũng như những người trong cuộc là các NH xoay quanh chủ đề trên.
TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia
Không nên lo ngại thái quá
Nhiều công trình nghiên cứu gần đây của thế giới, trong đó có công trình nghiên cứu của cựu Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ Benanky cho thấy vai trò quan trọng ngày càng tăng của TTTD như là một kênh truyền dẫn phi truyền thống của chính sách tiền tệ. Trên thực tế nhiều quốc gia như Nhật, Mỹ… mặc dù nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh và kéo dài nhưng tín dụng không tăng do dân chúng không dám tiêu dùng và DN không hấp thụ được vốn. Đồng thời các NHTM sợ rủi ro không dám cho vay.
Tinh thần lạc quan phấn khởi trong kinh doanh là tín hiệu tốt không chỉ cho NH mà cả nền kinh tế |
Do đó, phải coi trọng chỉ tiêu TTTD hợp lý và việc kiểm soát TTTD phải vừa thận trọng, vừa linh hoạt tùy thuộc vào từng khu vực kinh tế và từng chu kỳ kinh doanh, tránh máy móc cứng nhắc, có thể ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế. Tôi cho rằng, giờ kinh tế vẫn hấp thụ được vốn là tín hiệu tích cực, không nên lo ngại thái quá.
TS. Võ Trí Thành, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia
Linh hoạt trong chỉ tiêu tín dụng là cần thiết
Nhìn lại lịch sử cách đây gần mười mấy năm về trước IMF khuyên Việt Nam là phải rất quan tâm đến cung tiền và tăng tín dụng. Đây là một biến số rất quan trọng đối với một nước đang phát triển như Việt Nam. Và IMF nhấn mạnh, mức tăng cung tiền Việt Nam nói chung không nên quá 20%. Đối với nền kinh tế đang phát triển mức độ tiền tệ hóa diễn ra rất nhanh. Nếu không được kiểm soát sẽ gây bất ổn đối với nền kinh tế.
Thực tế cho thấy điều này đã xảy ra. Đó là một trong những lý do Nghị quyết 11 năm 2011 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội được ban hành. Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp giảm cung tiền, tín dụng… đã giúp kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiềm chế…
Năm 2017, chính sách tiền tệ vẫn phải cân đối giữa rất nhiều mục tiêu vừa tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, vừa đảm bảo tăng trưởng thông qua nỗ lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giữ mặt bằng lãi suất ổn định… Tôi nghĩ rằng, việc NHNN đưa ra mục tiêu TTTD 18% là trên cơ sở đã tính toán cân đối giữa mục tiêu trên. Nhưng theo quan điểm của tôi, thị trường tài chính ngày càng bất định. Trong khi độ mở về tài chính của Việt Nam ngày càng sâu hơn, rộng hơn cho nên biến động phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố bên ngoài. Chính vì vậy, sự linh hoạt của NHNN đưa ra trong chỉ tiêu tín dụng là cần thiết.
Theo tôi, NHNN cần sử dụng linh hoạt hơn các công cụ chính sách tiền tệ, nhất là truyền thông để tạo dựng thông tin chính xác và lòng tin của thị trường. Cái này rất quan trọng. Và quan điểm của tôi là có đạt con số 18% không quan trọng, mà cái quan trọng nhất ở đây là NHNN sẽ phải cân đối các mục tiêu thế nào để đảm bảo chất lượng tăng trưởng, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô mà chúng ta đã phải rất vất vả duy trì trong vài năm trở lại đây.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia NH
Nghiên cứu cách thức cấp hạn mức tín dụng mới
Việc NHNN đưa ra chỉ tiêu định hướng TTTD 18% và luôn có lưu ý bám sát tín hiệu thị trường linh hoạt điều chỉnh là hết sức hợp lý. Tình hình tài chính thế giới trong năm nay biến động khôn lường, không biết kinh tế Mỹ đi về đâu. Có thể trật tự kinh tế thế giới bị đảo ngược nếu những lời tuyên bố của ông Donald Trump thành hiện thực, ví dụ như chủ trương chế độ bảo hộ cực đoan…
Với chế độ bảo hộ cực đoan, xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ bị tác động tiêu cực, đầu tư nước ngoài về Việt Nam không thuận lợi. Nên năm tới kinh tế Việt Nam sẽ phải đương đầu với nhiều khó khăn hơn là năm 2016. Theo đó, TTTD điều chỉnh phù hợp theo tình hình thực tế.
Tôi cho rằng, trong thời gian tới, NHNN có thể tiến tới cấp hạn mức TTTD theo hệ số tài chính thay vì theo phân nhóm NH như hiện nay. Mỗi loại NH có những mức tăng trưởng khác nhau. Có NH quy mô lớn thì chỉ cần mức tăng trưởng 18% nhưng với những NH nhỏ quy mô vốn nhỏ thì cần TTTD ở mức cao vài chục %. Và những năm qua NHNN cũng đã chấp thuận điều chỉnh tăng room tín dụng cho các NH. Nếu thực hiện theo cách mới, thì NHNN sẽ không phải mất thời gian để điều chỉnh hạn mức tín dụng thêm nhiều lần trong năm.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB
Không đẩy vốn bằng mọi giá
Chính sách của NHNN đối với lĩnh vực tín dụng năm nay rất thận trọng từ việc cấp chỉ tiêu tăng trưởng đến việc hạn chế các lĩnh vực hoạt động khác nhau như lĩnh vực BĐS, dự án giao thông. Nói chung với khoản tín dụng lớn NHNN sẽ có cảnh báo và các biện pháp hạn chế.
Có ý kiến cho rằng, tín dụng tăng 18% có thể cao hơn so với nhiều nước trên thế giới và tiềm ẩn rủi ro. Song có một thực tế, Việt Nam là nước mà hệ số tăng trưởng được chính sách tiền tệ hỗ trợ rất nhiều. Nói như vậy không có nghĩa là tín dụng phải chạy con số cao. Dĩ nhiên cái gì quá nóng cũng không tốt, mà phải ở mức phù hợp.
Thực tế, NHNN đang có những giải pháp nghiêm khắc đối với hoạt động tín dụng. Bản thân các NH cũng không cố gắng đẩy vốn ra thị trường bằng mọi giá được. Bởi muốn tăng tín dụng, các NH phải tăng vốn, nếu không sẽ tác động đến chỉ tiêu về an toàn vốn, thanh khoản của các NH. Tôi nghĩ rằng, các NH sẽ tự điều chỉnh để cân đối đưa vốn vào nền kinh tế.
Nhìn góc độ lạc quan hơn, ít nhất cũng thấy thị trường có nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh mới có nhu cầu vay vốn. So sánh tỷ lệ GDP, tỷ lệ tín dụng năm nay chưa ở mức độ báo động nhưng đổi lại thể hiện tinh thần lạc quan phấn khởi trong kinh doanh là tín hiệu tốt không chỉ cho NH mà cả nền kinh tế.
NHNN đang có những giải pháp nghiêm khắc đối với hoạt động tín dụng. Bản thân các NH cũng không cố gắng đẩy vốn ra thị trường bằng mọi giá được. Bởi muốn tăng tín dụng, các NH phải tăng vốn, nếu không sẽ tác động đến chỉ tiêu về an toàn vốn, thanh khoản của các NH. |