Tín dụng và tăng trưởng kinh tế
Tín dụng tam nông hướng đến hội nhập | |
Chính sách tiền tệ đứng trước hai gọng kìm |
Về mặt lý thuyết, hiệu quả tăng trưởng kinh tế của một quốc gia phải được chứng minh trong dài hạn. GDP thực tăng trưởng là kết quả của các yếu tố bên cung trong nền kinh tế. Ví như tiến bộ kỹ thuật, tích lũy vốn, mức độ và chất lượng của lực lượng lao động... Chính sách tiền tệ nói chung không thể tác động trực tiếp đến các yếu tố bên cung, nhưng có tác động gián tiếp ít nhiều.
Sự gia tăng tín dụng sẽ có tác động làm tăng cung tiền, qua đó tác động đến lạm phát và tăng trưởng kinh tế. Ảnh hưởng của tín dụng đến tăng trưởng kinh tế và lạm phát trong mỗi giai đoạn là không giống nhau. Nó phụ thuộc nhiều vào mức độ phát triển của thị trường tài chính và chất lượng của tăng trưởng tín dụng.
Ảnh minh họa |
Mặt khác, sự tác động của tăng trưởng kinh tế và lạm phát thường có độ trễ nhất định. Kinh nghiệm thực tế đã chứng minh rằng, trung bình mất khoảng 1 năm ở Anh. Trong các nền kinh tế công nghiệp khác, sự thay đổi của chính sách tiền tệ có tác động tối đa đến cầu và sản xuất, khoảng 2 năm tác động đầy đủ đến lạm phát.
Việt Nam là nước đang trong quá trình phát triển, vai trò của tín dụng đến tăng trưởng kinh tế là rất quan trọng, nhưng đó cũng là nhân tố chính trong cung tiền tác động đến lạm phát. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, cùng với sự phát triển của thị trường vốn thì vai trò của tín dụng đối với nền kinh tế giảm dần.
Số liệu thống kê giai đoạn 1990-1999 là 58,5% thay đổi trong sản lượng do sự thay đổi của các cú sốc tín dụng, còn trong giai đoạn 2000-2005 là 38,8% thay đổi trong sản lượng là do thay đổi của các cú sốc tín dụng với độ trễ 6 tháng. Tín dụng tăng khoảng 1,6% sẽ làm tăng sản lượng 0,24% và lạm phát là 0,35%, giả sử các điều kiện khác không thay đổi.
Tuy nhiên, tác động của tín dụng đến lạm phát có độ trễ dài hơn so với độ trễ tác động đến tăng trưởng kinh tế. Trong giai đoạn hiện nay, thị trường vốn phát triển hơn giai đoạn trước, song tỷ trọng vốn tín dụng trong các doanh nghiệp giảm không đáng kể so với giai đoạn trước và tín dụng vẫn là nhân tố tác động mạnh đến cung tiền như giai đoạn trước.
Từ lý thuyết đến thực tế tại Việt Nam cho thấy, nhìn vào tốc độ tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng tín dụng trong cùng thời điểm không thể hiện được bản chất của vấn đề hiện tại, nhưng là cảnh báo cho tương lai. Vì vậy, vấn đề cần khuyến nghị với những nhà làm chính sách đó là tăng trưởng tín dụng luôn phải gắn liền với chất lượng tín dụng. Nếu không, nguy cơ lạm phát cao và khó tạo được tăng trưởng kinh tế trong tương lai.
Tính đến thời điểm tháng 5/2016, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống so với cùng kỳ ở mức hơn 17%, sát với mục tiêu đề ra. Do đó, những tháng cuối năm việc kiểm soát tốc độ và chất lượng tăng trưởng tín dụng là vô cùng quan trọng để đảm bảo kiểm soát làm phát ổn định theo mục tiêu, hỗ trợ bền vững và tích cực cho tăng trưởng kinh tế.