Lệnh cấm nhập khẩu tôm: Việt Nam yêu cầu Úc xem xét lại
Xuất khẩu tôm lao đao vì thiếu nguyên liệu | |
DN xuất khẩu tôm kháng kiện | |
ĐBSCL phấn đấu đạt 2,55 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu tôm |
Cho rằng lệnh cấm nhập khẩu tôm của Úc đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho người nuôi tôm và các DN xuất khẩu tôm của Việt Nam, Chính phủ Việt Nam đang yêu cầu phía Úc xem xét lại lệnh cấm này.
Bộ trưởng Nông nghiệp của Úc, ông Barnaby Joyce đã tuyên bố cấm nhập khẩu tôm trong vòng 6 tháng kể từ tháng 1/2017 do dịch đốm trắng bùng phát ở Bang Queensland. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam, ông Trần Quốc Khánh, lệnh cấm này đã gây ra thiệt hại cho ngành nuôi trồng thuỷ sản Việt Nam, trong đó lượng tôm chưa nấu chín xuất khẩu sang Úc vào khoảng 55 triệu AUD. Không ít DN chuyên xuất khẩu tôm vào thị trường Úc còn đối mặt với nguy cơ phá sản.
Ảnh minh họa |
Tại Việt Nam, một số DN xuất khẩu thủy sản cho biết họ đang gặp khó khăn vì lệnh cấm này. Tiêu biểu là hai DN xuất nhập khẩu thủy sản đóng trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Có DN đã ký hợp đồng trước đó và đang trên đường vận chuyển hàng tới Úc đã bị trả về. Thiệt hại mà các DN này phải chịu có thể lên tới vài triệu USD.
Hai DN chịu ảnh hưởng này mỗi tháng xuất khẩu sang thị trường Úc khoảng 100-150 tấn hàng hóa. Việc ngừng ký kết hợp đồng cũng như các hợp đồng đã ký bị trả về đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Riêng các lô hàng bị trả về, mỗi DN thiệt hại khoảng 1,6-1,8 triệu USD.
Trong khi những người nuôi tôm nước này đổ lỗi cho tôm nhập khẩu từ các nước châu Á, các cơ quan chức năng của Úc vẫn đang tiếp tục điều tra nguyên nhân gây ra dịch bệnh đốm trắng. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, tôm Việt Nam cần được tiếp tục xuất khẩu sang Úc trừ khi có bằng chứng về việc nhập khẩu từ nước ngoài là nguồn lây bệnh. “Trong trường hợp Úc tiếp tục duy trì lệnh cấm, Việt Nam đề nghị Úc sớm đưa ra các bằng chứng khoa học đầy đủ cho thấy có mối liên hệ giữa tôm nhập khẩu từ Việt Nam và dịch bệnh đốm trắng tại Úc”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.
Phía DN Úc cũng gặp nhiều thiệt hại với lệnh cấm này khi một nhà nhập khẩu thủy sản từ Sydney cho biết, công ty của bà nhập khẩu 800 tấn tôm nguyên con, do đó lệnh cấm này sẽ gây thiệt hại 1 triệu USD doanh thu mỗi tháng và bà ta đã phải tăng giá bán trong vòng 1 tuần sau khi lệnh cấm được ban hành. Bà cũng nói thêm rằng hiện tại giá bán lẻ đang là 22 USD/kg và nó có thể lên tới hơn 30 USD/kg khi nguồn cung giảm.
Hiệp hội Các nhà nhập khẩu thủy sản của Úc cũng lên tiếng rằng, lệnh cấm này đã gây ra ảnh hưởng xấu đến uy tín thương mại quốc tế của Úc. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp nước này vẫn bảo lưu quan điểm rằng họ cần bảo vệ ngành nuôi trồng thủy sản trong nước dù cũng nhận thấy rằng việc đình chỉ này sẽ có tác động tới người tiêu dùng Úc và các nhà xuất khẩu quốc tế, trong đó có Việt Nam.
"Quyết định tạm đình chỉ thương mại không phải là quyết định được đưa ra một cách dễ dàng", ông nói và cho rằng việc đình chỉ tuân thủ các quy định của Hiệp định WTO cho phép một thành viên tạm ngừng nhập khẩu trong một số trường hợp cụ thể. "Quyết định đình chỉ nhập khẩu tôm sẽ không được thực hiện lâu hơn mức cần thiết để đảm bảo việc bảo vệ ngành công nghiệp tôm trong nước, đây vẫn là ưu tiên hàng đầu", Phát ngôn viên Bộ Nông nghiệp Úc nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Khánh, Việt Nam luôn tôn trọng các quyết định bảo đảm an ninh và an toàn sinh học của Úc nhưng vẫn đề nghị Chính phủ Úc xem xét lại sự cần thiết của lệnh cấm này. Việc xem xét lại lệnh cấm không đồng nghĩa với việc Việt Nam bỏ qua sự an toàn của ngành nuôi tôm tại Úc mà cần tìm các biện pháp khác ít tác động tiêu cực tới thương mại hơn nhưng vẫn bảo đảm an toàn cho ngành nuôi tôm của Úc và môi trường nước của Úc. Trên thực tế, hiện nay các sản phẩm tôm chưa nấu chín của Việt Nam được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới mà không bị bất kỳ quyết định đình chỉ nhập khẩu nào.