TP.HCM: Nông dân hào hứng ứng dụng công nghệ cao
Nhà nông chơi công nghệ cao... | |
Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp: Cơ chế nào cho các hợp tác xã? |
“Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng lan cho thu nhập cao hơn nhiều lần so với cách trồng thông thường” nhiều nông dân của huyện Củ Chi có chung nhận định. Do áp dụng hệ thống tự động, vừa tiết kiệm được nhân công, vừa tưới nước theo chu kỳ phát triển của cây lan, cho nên chất lượng ra hoa của lan Mokara rất tốt.
Ảnh minh họa |
Thay vì phải nhập cây giống từ Thái Lan giá cao như trước đây, hiện nay, vườn lan của bà Nguyễn Thị Bé (xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi) mỗi tuần cung ứng cho thị trường từ bốn đến sáu nghìn cành lan, thu nhập mỗi tháng khoảng 70 triệu đồng.
Cũng vậy, áp dụng công nghệ tưới Israel cho vườn dưa lưới, anh Nguyễn Lê Cẩm Tú với diện tích gần 1 ha, mỗi năm thu về hơn 1,5 tỷ đồng. Mặc dù chi phí đầu tư công nghệ cao ban đầu khá cao nhưng năng suất tăng lên gấp 1,5 lần và chất lượng vượt trội so với các vườn trồng dưa lưới chưa áp dụng công nghệ cao. Ưu điểm của giải pháp công nghệ cao công nghệ Israel là có thể kiểm soát dịch bệnh, môi trường và cây được tưới tự động hoàn toàn.
Theo ông Phạm Lâm Chính Văn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP.HCM, trong năm 2018 trung tâm tập trung đầu tư xây dựng mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn công nghệ cao, đặc biệt áp dụng cơ giới hóa trong xây dựng ao ương tôm (250m2 - 500m2, chi phí khoảng 80 triệu đồng/ao), ương tôm đến khi đạt 600 - 900 con/kg sau 25-30 ngày thì đem ra ao nuôi, với tỷ lệ sống đạt trên 90%, đây chính là mấu chốt đem lại thành công cho người nuôi tôm”.
Ông Phạm Văn Đứng, Phó chủ nhiệm Hợp tác xã Hiệp Thành (Nhà Bè) và là nông dân trực tiếp sản xuất tôm, cho biết sắp tới Hợp tác xã và bản thân ông sẽ áp dụng mô hình nuôi tôm công nghệ cao của Công ty Long Mạnh vì lợi nhuận đạt gần 40% so với chi phí đầu tư. Vị đại diện Hợp tác xã cho biết sẽ tổ chức cho hơn 11 xã viên với diện tích gần 30ha, sản lượng bình quân đạt khoảng 15 tấn/ha từ nuôi tôm công nghệ cao để mang lại lợi nhuận cao hơn.
Theo đánh giá của Hội Nông dân TP.HCM, hiện nay nhiều nông dân đã nhận thấy lợi ích trong việc đầu tư công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, với DN, hợp tác xã, việc đầu tư công nghệ cao khá bài bản do có vốn; riêng nông hộ nhỏ, lẻ thì thực hiện còn hạn chế, không đồng bộ.
Điều này sẽ dẫn đến khó khăn trong tiêu thụ, vì với sự đầu tư “nửa vời” thì chất lượng sản phẩm chưa thật sự tốt và giá thành vẫn còn khá cao. Để khuyến khích nông dân phát triển công nghệ cao trong sản xuất, TP.HCM cần có chính sách hỗ trợ tiếp cận vốn vay ưu đãi, tập trung quy mô sản xuất…
Theo Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) TP.HCM, năm 2018, TP.HCM sẽ thực hiện Chương trình hỗ trợ triển khai ứng dụng KH-CN, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp trên địa bàn. Theo đó, đối với những hoạt động lĩnh vực trong nông nghiệp, nếu mô hình có tính khả thi và triển khai thực tế sẽ được xem xét, đánh giá để được hỗ trợ.
Đối tượng là các nhóm khởi nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp và người nông dân; hoạt động tại các huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Hóc Môn, Bình Chánh và Củ Chi, cùng các quận 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức và Gò Vấp. Mức hỗ trợ tối đa là 70% kinh phí cho mỗi mô hình, nhưng không quá 300 triệu đồng/mô hình. Gói hỗ trợ này được sử dụng cho các hoạt động như thiết kế, chế tạo, tư vấn, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo…
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM cũng đã triển khai đề án hệ thống thông tin thị trường nông sản với phần mềm công nghệ thông tin để thu thập, xử lý và cung cấp thông tin cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý các thông tin về diện tích, quy mô của nông hộ, trang trại… trên địa bàn, về chủng loại cây trồng, vật nuôi; thông tin về tình hình sản xuất và dự báo cung cầu, xuất khẩu nông sản; thông tin về thời tiết, dịch bệnh, nguồn gốc sản phẩm và tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp…
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp phối hợp với các cơ quan hữu quan để triển khai truy xuất nguồn gốc rau củ quả tại các điểm của siêu thị và các đơn vị sản xuất…
Tháng 2/2018, UBND TP.HCM đã có quyết định khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố có hiệu lực đến cuối năm 2020. Trong đó, đối với các khoản vay về sản xuất giống; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được cấp chứng nhận, ngân sách thành phố hỗ trợ toàn bộ lãi suất.
Đồng thời, UBND thành phố cũng hỗ trợ lãi vay đối với các trường hợp vay từ 10 tỷ đồng trở lên đầu tư sản xuất giống, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được cấp giấy chứng nhận. UBND quận, huyện quyết định hỗ trợ lãi vay đối với các trường hợp vay dưới 10 tỷ đồng đầu tư sản xuất giống, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được cấp giấy chứng nhận.
Lãnh đạo TP.HCM khẳng định, sẽ ưu tiên phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó tập trung phát triển giống cây trồng, vật nuôi để trở thành ngành kinh tế đặc thù. Thực hiện mục tiêu này, thành phố đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, tập trung xây dựng ngành nông nghiệp phát triển bền vững.