Trung Quốc cảnh báo Mỹ sẽ bảo vệ lợi ích thương mại của mình
Cuộc điện đàm giữa Mnuchin và Liu là mối liên hệ cao nhất giữa hai chính phủ kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố kế hoạch áp thuế lên tới 60 tỷ USD vào hàng hóa Trung Quốc vào thứ Năm.
Sự bất đồng sâu sắc đã làm cho thị trường tài chính và cả thế giới kinh doanh lo ngại khi các nhà đầu tư dự đoán những hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế toàn cầu nếu các rào cản thương mại bắt đầu tăng lên.
Một số giám đốc điều hành các tập đoàn lớn của Mỹ tham dự một diễn đàn cao cấp tại Bắc Kinh vào thứ Bảy, bao gồm Larry Fink của BlackRock Inc và Tim Cook của Apple, đã kêu gọi hai bên kiềm chế.
Phó Thủ tướng Liu, một nhà kinh tế học được đào tạo tại Harvard, cho biết Trung Quốc vẫn hy vọng cả hai bên sẽ “(hành xử) hợp lý” và hợp tác để duy trì quan hệ thương mại ổn định, hãng tin Tân Hoa Xã cho biết.
Trong khi các quan chức Mỹ cho biết, một cuộc điều tra kéo dài 8 tháng theo Đạo luật Thương mại Hoa Kỳ năm 1974 đã phát hiện Trung Quốc tham gia vào các hoạt động thương mại không lành mạnh bằng cách buộc các nhà đầu tư Mỹ chuyển giao các công nghệ chủ chốt sang các công ty của Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Liu nói báo cáo điều tra “vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế và ảnh hưởng tới lợi ích của Trung Quốc, lợi ích của Mỹ lẫn lợi ích toàn cầu”, Tân Hoa Xã dẫn lời Phó thủ tướng Liu.
Trong một tuyên bố trên trang web của mình, văn phòng của Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết họ đã đệ trình một yêu cầu tham vấn - theo chỉ đạo của ông Trump - đối với Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại Thế giới để giải quyết “các thỏa thuận cấp phép công nghệ phân biệt đối xử”.
Trong khi Bộ Thương mại Trung Quốc bày tỏ hối tiếc về việc nộp đơn vào ngày thứ Bảy và cho biết Trung Quốc đã có những biện pháp mạnh mẽ trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu trí tuệ cả trong và ngoài nước.
Trong chuyến thăm Washington hồi đầu tháng Ba, ông Liu đã yêu cầu Washington thiết lập một cơ chế đối thoại kinh tế mới, xác định một điểm về vấn đề Trung Quốc và đưa ra một danh sách các yêu cầu.
Thế nhưng chính quyền của Trump trả lời bằng cách nói Trung Quốc ngay lập tức cắt giảm 100 tỷ USD từ mức thặng dư thương mại 375 tỷ USD với Mỹ. Song Bắc Kinh nói với Washington rằng những hạn chế xuất khẩu của Mỹ đối với một số sản phẩm công nghệ cao là sai lầm.
“Trung Quốc đã chuẩn bị và có sức mạnh để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình”, ông Liu nói.
Theo một bài xã luận đang trên tờ Global Times của nhà nước Trung Quốc, chính Mnuchin đã gọi cho ông Liu.
Như một lời cảnh báo, Trung Quốc hôm thứ Sáu đã công bố kế hoạch áp thuế bổ sung lên tới 3 tỷ USD đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ để phản ứng với các mức thuế của Mỹ đối với thép và nhôm, được áp đặt sau một cuộc điều tra riêng của Mỹ.
Zhang Zhaoxiang - Phó chủ tịch của China Minmetals Corp cho biết, mặc dù xuất khẩu thép của nhóm khai thác mỏ thuộc sở hữu nhà nước vào Mỹ rất nhỏ, nhưng tác động có thể xảy ra gián tiếp. “Xuất khẩu trực tiếp của Trung Quốc vào Mỹ không lớn. Nhưng sẽ có một số tác động do xuất khẩu của chúng tôi thông qua Mỹ hoặc xuất khẩu gián tiếp”, ông Zhang nói với các phóng viên bên lề Diễn đàn Phát triển Trung Quốc ở Bắc Kinh vào thứ Bảy.
Trong khi Global Times nói rằng, Bắc Kinh mới chỉ bắt đầu xem xét các biện pháp để trả đũa. “Chúng tôi tin rằng nó chỉ là một phần của các biện pháp đối phó của Trung Quốc, và đậu nành và các sản phẩm nông nghiệp khác của Mỹ sẽ là các mục tiêu”, tờ Global Times cho biết trong một bài xã luận vào thứ Bảy.
Wei Jianguo - Phó chủ tịch Trung tâm Trung tâm Giao lưu kinh tế quốc tế của Trung Quốc, cho biết Trung Quốc có thể áp thuế cho nhiều sản phẩm của Mỹ hơn. Các mặt hàng có thể bao gồm máy bay và khoai tây chiên, Wei, cựu thứ trưởng thương mại, nói với tờ báo và thêm rằng, du lịch cũng có thể là một mục tiêu có thể.
Phản ứng của Bộ Thương mại cho đến nay “tương đối yếu”, cựu bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lou Jiwei cho biết tại diễn đàn. “Nếu tôi ở trong chính phủ, tôi có thể sẽ đánh (thuế) đậu nành đầu tiên, sau đó là ôtô và máy bay”, ông Lou, hiện là Chủ tịch Hội đồng quốc gia về quỹ phúc lợi xã hội.
Các nhóm nông dân Mỹ từ lâu đã lo ngại rằng Trung Quốc, nước nhập khẩu hơn 1/3 lượng đậu nành của Mỹ, có thể hạn chế việc mua nông sản, từ đó gây tổn thương cho khu vực nông trại vốn cũng đang gặp nhiều khó khăn ở Mỹ.
Kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp của Mỹ sang Trung Quốc lên tới 9,6 tỷ USD vào năm ngoái, trong đó riêng xuất khẩu đậu nành đạt 12,4 tỷ USD. Hình phạt của Trung Quốc đối với đậu nành của Mỹ đặc biệt sẽ ảnh hưởng đến Iowa, một bang ủng hộ ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016.
Máy bay Boeing cũng thường được Trung Quốc nhắc tới như là một mục tiêu tiềm năng.
Diễn biến này không khỏi khiến nhiều tập đoàn lớn của Mỹ lo ngại. Trung Quốc và Mỹ đã được hưởng lợi từ toàn cầu hóa, Larry Fink của Blackrock phát biểu tại diễn đàn. “Tôi tin rằng một cuộc đối thoại - và có lẽ một số điều chỉnh trong thương mại và chính sách thương mại - có thể là cần thiết. Nó không cần phải được thực hiện công khai; nó có thể được thực hiện riêng”, ông nói.
CEO của Apple, Tim Cook, cũng kêu gọi “bình tĩnh” giữa lúc tranh chấp.
Căng thẳng giữa đôi bên có thể gây thiệt hại cho các nhà sản xuất phần cứng như Apple, vốn đang lắp ráp phần lớn các sản phẩm của họ ở Trung Quốc để xuất khẩu sang các nước khác. Hàng điện tử và công nghệ là mặt hàng nhập khẩu lớn nhất của Mỹ từ Trung Quốc.
Một số nhà kinh tế học cũng nói rằng mức thuế cao của Mỹ sẽ dẫn đến chi phí cao hơn và cuối cùng gây tổn hại cho người tiêu dùng Mỹ, trong khi những hạn chế đối với đầu tư của Trung Quốc có thể lấy đi việc làm ở Mỹ.
“Tôi không nghĩ các chính quyền địa phương ở Mỹ và Tổng thống Trump hy vọng nhìn thấy những người lao động Mỹ mất việc”, Sun Yongcai - Tổng giám đốc của công ty đường sắt Trung Quốc CRRS Corp, công ty có hai nhà máy sản xuất tại Mỹ, cho biết tại hội nghị này.