Trung Quốc chịu tác động toàn diện trước căng thẳng thương mại
Quan sát khu vực kinh tế thực cho thấy lĩnh vực sản xuất đang ghi nhận sự chững lại rõ nét nhất, chỉ số PMI khu vực sản xuất đã giảm liên tục qua 3 tháng của quý III, kết thúc tháng 9 đang ở mức 50 điểm – sát với ngưỡng thu hẹp. Diễn biến thiếu tích cực của khu vực sản xuất bắt nguồn từ tăng trưởng chậm của sản lượng đầu ra và số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu giảm sút, một phần trước sức ép do cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ gây ra.
Sàn chứng khoán Thượng Hải sụt giảm trầm trọng |
Trong khi đó, tiêu dùng cũng không giữ được đà tăng tốt khi doanh số bán lẻ hàng hóa qua các tháng của quý III chỉ duy trì ở mức tăng trưởng khoảng 9% so với cùng kỳ, thấp hơn khá nhiều so với mức tăng trưởng của một số tháng trước.
Diễn biến căng thẳng thương mại cũng làm gia tăng áp lực lạm phát. Lạm phát có chiều hướng gia tăng liên tục qua các tháng của quý III, kết thúc tháng 9 đang ở mức 2,5% - mức lạm phát cao nhất trong vòng 7 tháng qua. Sự gia tăng lạm phát có sự đóng góp từ nhiều mặt hàng sản xuất và tiêu dùng đang chịu mức thuế nhập khẩu cao như ô tô, hóa chất, giấy, đậu nành, thiết bị vi mạch để phục vụ sản xuất lắp ráp điện thoại thông minh…
Nhiều công ty hoạt động trong các lĩnh vực này đã phải tăng giá sản phẩm từ 3% cho đến 16% kể từ đầu năm đến nay khi giá vật tư, nhân công tăng cao và đồng Nhân dân tệ (CNY) mất giá.
Tranh chấp thương mại gia tăng với Mỹ đã bắt đầu tạo ra những hiệu ứng tiêu cực đối với xuất khẩu. Cụ thể, xuất khẩu sau khi đạt mức tăng khá 12,2% so với cùng kỳ trong tháng 7 đã chững lại, chỉ đạt mức tăng 9,8% trong tháng 8 – mức tăng trưởng thấp nhất kể từ tháng 3 và có thể tiếp tục giảm trong tháng 9 khi Mỹ mới áp thêm mức thuế 10% trên 200 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc.
Xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ chốt như thép, nhôm đã có sự sụt giảm. Cụ thể, trong 2 tháng đầu quý III, sản lượng thép xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm lần lượt 15% và 10% so với cùng kỳ do tác động của việc áp thuế 25% đối với mặt hàng thép từ phía Mỹ.
Với những diễn biến như vậy, Trung Quốc cho biết tăng trưởng kinh tế giảm mạnh hơn dự báo xuống mức 6,5% trong quý III/2018. Con số tăng trưởng GDP trên không đạt kỳ vọng tăng trưởng 6,6% của các chuyên viên phân tích tham gia cuộc thăm dò của Reuters, đồng thời đây là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ quý I/2009.
Bên cạnh sự giảm tốc về kinh tế, thị trường chứng khoán cũng đang chao đảo mạnh. Ngày 18/10, chỉ số Shanghai Composite trên sàn chứng khoán Thượng Hải đã rơi xuống đáy 4 năm vì bị bán tháo. Như vậy, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã mất 3 nghìn tỷ USD trong 6 tháng qua và là thị trường diễn biến tệ nhất thế giới năm nay, khi mức vốn hóa đã mất gần bằng Brazil, Ấn Độ và Nga cộng lại. Đà giảm tháng này tăng tốc do làn sóng bán tháo của nhà đầu tư trước áp lực giải chấp.
Giá đồng Nhân dân tệ cũng xuống đáy 2 năm, sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) hạ giá đồng Nhân dân tệ tham chiếu thêm 0,25% so với USD. Giới phân tích nhận định ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy đồng tiền này có thể phá vỡ ngưỡng 7 CNY/USD - mốc chưa từng đạt từ trước khủng hoảng tài chính 2008.
Khủng hoảng tài chính cũng kích thích làn sóng vỡ nợ của các DN Trung Quốc. Theo cảnh báo của JP Morgan, căng thẳng thương mại leo thang có thể sẽ khiến hệ thống tài chính Trung Quốc - vốn đang chịu áp lực rất lớn từ chiến dịch giảm đòn bẩy (deleveraging) - ngày càng lún sâu vào tình trạng vỡ nợ. Nguyên nhân là do nền kinh tế suy yếu khiến việc làm và thu nhập của người dân bị ảnh hưởng, tác động xấu đến khả năng vay ngân hàng.
Bên cạnh đó, các DN hoạt động không đủ công suất (do năng lực sản xuất dư thừa tăng) sẽ khó có khả năng trả lãi và vốn ngân hàng, làm tăng tỷ lệ nợ xấu, tác động xấu đến hệ thống tài chính tiền tệ Trung Quốc.
Trước bài toán nan giải đó, trong thời gian qua, một nhóm chuyên trách về xử lý khủng hoảng tài chính do cố vấn kinh tế của Chủ tịch nước Tập Cận Bình dẫn đầu đã thực hiện 10 cuộc họp chỉ trong 2 tháng - một tần suất cao bất thường để bàn về phương thức đối phó với những căng thẳng đang xảy ra.
Gần đây nhất, ngày 7/10, PBoC đã thông báo cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc nhằm tăng tính thanh khoản cho hệ thống tài chính, trong bối cảnh lo ngại về tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế từ cuộc chiến thương mại leo thang với Mỹ. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc được điều chỉnh giảm một điểm phần trăm, có hiệu lực từ ngày 15/10.
Ước tính khoảng 1.200 tỷ CNY (175 tỷ USD) sẽ được giải phóng thông qua quyết định này, trong đó các ngân hàng thương mại sẽ sử dụng 450 tỷ CNY (khoảng 65 tỷ USD) để thanh toán các khoản nợ trung hạn, phần còn lại có thể được đẩy vào nền kinh tế. Đây là lần thứ tư trong năm 2018 PBoC cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Song song với đó, Chính phủ Trung Quốc đã có những kế hoạch đầu tư nhiều tỷ USD vào các dự án hạ tầng nhằm kích cầu nền kinh tế.
Để ổn định thị trường tài chính, tránh sự đổ dốc của các chỉ số chứng khoán, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cuối tuần trước cũng đã đưa ra cam kết hỗ trợ các công ty tư nhân trong nước và kế hoạch giảm thuế thu nhập cá nhân. Các quan chức thuộc Ủy ban chứng khoán cũng cam kết giúp quản lý rủi ro liên quan cổ phiếu thế chấp.