Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC): Người tạo lập “chợ tín dụng”
Còn “người mua”, đương nhiên là những khách hàng vay cá nhân và khách hàng doanh nghiệp. Thay vì phải đến ngân hàng, họ có thể ngồi nhà và đi “chợ tín dụng” đặc biệt này ngay trên máy tính hoặc smartphone. Đặc biệt hơn, họ có thể đưa ra các yêu cầu vay, so sánh các gói vay cùng loại để chọn ra những gói vay tối ưu nhất.
Để đi “chợ tín dụng” khách hàng phải đăng ký tài khoản cá nhân/doanh nghiệp tại Cổng thông tin hỗ trợ khách hàng vay CIC |
Chị Phương Liên (Kim Liên – Hà Nội) chia sẻ, đây là một sự sáng tạo, một ý tưởng độc đáo của CIC nói riêng và NHNN nói chung. Trước kia, khi muốn vay vốn của ngân hàng, khách hàng phải mất cả buổi lên mạng tìm kiếm thông tin về các gói vay. Rồi lại “dò” xem mình thuộc đối tượng vay nào? Vay được gói vay nào?... Sau đó cũng lại mất cả buổi đi đến các ngân hàng mình đã chọn để hỏi trực tiếp xem có được vay không?
“Nhưng nay, chỉ cần điền vào những thông tin cần thiết, Cổng thông tin sẽ kết nối các điều kiện của tôi đến trực tiếp với cán bộ tín dụng, đến ngân hàng phù hợp nhất. Việc này quá tiện lợi đối với những người ít hiểu biết về nghiệp vụ ngân hàng, Mặt khác các khoản vay cũng có thể được xét duyệt nhanh hơn qua đó đáp ứng được nhu cầu của người vay…”, chị Liên vui vẻ kể.
Ở góc độ khác, anh Thanh Tùng – cán bộ tín dụng Agribank hồ hởi: “Cảm ơn CIC đã cho chúng tôi một nguồn khách hàng “vô tận”. Thay vì phải đi phát tờ rơi, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm tín dụng mới, rồi xuống xin gặp doanh nghiệp để quảng bá, giới thiệu sản phẩm mới của ngân hàng để tìm kiếm khách hàng tiềm năng… thì giờ đây, chúng tôi chỉ cần đưa thông tin lên “chợ tín dụng”. Khách hàng nào phù hợp với nhóm yêu cầu của sản phẩm, của ngân hàng sẽ được hệ thống ưu tiên hiển thị. Và như vậy, cán bộ tín dụng chúng tôi có thêm nhiều thời gian để chăm sóc khách hàng tốt hơn, để quản lý, tư vấn cho khách hàng sử dụng khoản vay một cách phù hợp, hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, việc công khai các thông tin về sản phẩm cũng sẽ tạo ra một “chợ tín dụng” sạch hơn. Chúng tôi sẽ được cạnh tranh với nhau bằng chất lượng sản phẩm, bằng những lợi thế của ngân hàng, bằng sự phục vụ chu đáo với khách hàng".
Với Cổng thông tin khách hàng vay, khách hàng có thể đăng ký các gói vay tín dụng của các TCTD |
Theo lãnh đạo CIC, điểm khác biệt của Cổng thông tin kết nối khách hàng là các TCTD có thể cập nhật trực tiếp nhu cầu vay vốn của khách hàng thông qua Sàn giao dịch của Cổng thông tin kết nối khách hàng. Khi kết nối với Cổng thông tin, cán bộ tín dụng của các TCTD có thể liên hệ để tư vấn, hỗ trợ khách hàng có nhu cầu.
Các cán bộ tín dụng của TCTD cũng có thể xem nhanh các nhu cầu vay vốn của khách hàng, từ đó chấp nhận kết nối với khách hàng nếu thấy đáp ứng được nhu cầu (chỉ khi chấp nhận kết nối với khách hàng, các thông tin như số điện thoại, địa chỉ… mới hiển thị với cán bộ tín dụng), hoặc từ chối kết nối nếu thấy khách hàng không đáp ứng được yêu cầu của TCTD. Ngoài ra, điểm đặc biệt nữa là các TCTD có thể dễ dàng tạo mới sản phẩm vay/thẻ ngay trên cổng Cổng thông tin. Các TCTC cũng có thể chỉnh sửa lại các gói vay, xóa các gói vay đã hết hạn khỏi hệ thống Cổng thông tin kết nối.
Khách hàng cũng có thể so sánh các gói vay của các tổ chức tín dụng để chọn ra gói vay tốt nhất |
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng, việc CIC tạo lập “chợ tín dụng” đạt được nhiều cái lợi. Đầu tiên là tạo ra một cơ chế thông thoáng để mọi người dân có thể tiếp cận được với ngân hàng, tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng một cách nhanh chóng, đơn giản nhất (các khoản vay có thể được duyệt ngay trên cổng thông tin kết nối khách hàng nếu đáp ứng đủ điều kiện), qua đó góp phần không nhỏ đẩy lùi nạn tín dụng đen. Cái lợi tiếp theo là việc tạo ra những khách hàng “sạch” ngay trên chợ. Khách hàng “sạch” được hiểu là những người có thông tin tín dụng tốt, không có nợ xấu, không bị CIC chấm điểm tín dụng thấp…
Và với việc đi “chợ tín dụng”, người dân sẽ có ý thức hơn giữ gìn “điểm” tín dụng của cá nhân, qua đó góp phần nâng cao tính chính xác và minh bạch hoá của thông tin tín dụng, thúc đẩy hoạt động cấp tín dụng cho các khách hàng vay, đặc biệt là khách hàng cá nhân. Ngoài ra, Cổng thông tin kết nối khách hàng là công cụ cực kỳ hữu hiệu giúp các cơ quan quản lý Nhà nước nắm bắt được nhu cầu vốn của nền kinh tế, xu hướng đầu tư của khách hàng thể nhân/doanh nghiệp. Từ đó, cơ quan Nhà nước sẽ có sự điều tiết phù hợp, nắn dòng kinh tế, các ngành hàng theo định hướng phát triển chung.
Ngoài ra, cả người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý đều tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc… bởi mọi thao tác đều có thể diễn ra trên chiếc điện thoại cầm tay hay trên chiếc máy tính xách tay nhỏ gọn. Việc kết nối các nhu cầu cũng sẽ tạo ra sự thúc đẩy, luân chuyển nguồn vốn mạnh mẽ, nhanh chóng hơn xuống các thành phần kinh tế từ vùng sâu, vùng xa hay đến các thành phố lớn…