TTTTTD Quốc gia Việt Nam: Giúp nâng cao năng lực vận hành hệ thống
Nhân dịp này, phóng viên Thời báo Ngân hàng đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Hoàng Phong, Tổng giám đốc CIC, Tổ trưởng Tổ triển khai gói thầu CG1.
Ông Đỗ Hoàng Phong, Tổng giám đốc CIC |
Ông có thể chia sẻ một vài nét về gói thầu “Hệ thống quản lý dữ liệu của CIC”?
Gói thầu “Hệ thống quản lý dữ liệu của CIC” (Gói thầu CG1) là một nội dung trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án Hệ thống thông tin quản lý và Hiện đại hóa Ngân hàng (FSMIMS) từ năm 2007 và Hiệp định Tín dụng chính thức được ký kết năm 2009.
Đây là một hợp phần quan trọng trong dự án FSMIMS của NHNN nhằm nâng cao năng lực hoạt động cho CIC. Hợp đồng CG1 do liên danh nhà thầu là Công ty Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS) và DP Information Network của Singapore triển khai thực hiện với lịch ban đầu trong 14 tháng, sau đó gia hạn thành 27 tháng, từ tháng 11/2013, bao gồm trang bị hệ thống các máy chủ, cơ sở dữ liệu và kho dữ liệu, hệ thống bảo mật, dự phòng và các phần mềm ứng dụng liên quan khác.
Mục tiêu của gói thầu là giúp CIC xây dựng một cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tiên tiến, bền vững, có thể mở rộng và đầu tư phát triển được trong tương lai; tạo lập một kho dữ liệu tập trung, thống nhất về khách hàng vay của các TCTD trên toàn quốc; có thể mở rộng và tích hợp được thông tin đa dạng từ nhiều nguồn khác nhau; phát triển các sản phẩm và dịch vụ để tăng cường, hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành của NHNN và hoạt động kinh doanh của các TCTD; nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của khách hàng vay.
Dự án CG1 là dự án lớn nhất của CIC được triển khai trong gần 20 năm hoạt động của CIC. Với nguồn lực rất hạn hẹp trong khi gói thầu CG1 có phạm vi rộng về nghiệp vụ và phức tạp về mặt công nghệ, nhưng đã được CIC triển khai khá tốt và đảm bảo chất lượng, vậy đâu là những khó khăn thách thức chính CIC đã gặp phải? Yếu tố nào đã mang đến thành công cho dự án?
Như đã nói ở trên, theo kế hoạch dự án “Hệ thống quản lý dữ liệu CIC” sẽ được triển khai trong vòng 14 tháng từ tháng 11/2013 đến hết tháng 12/2014. Nhưng thực tế, toàn bộ nghiệp vụ của CIC thực sự được thực hiện trên hệ thống mới từ tháng 3/2016 và từ đó đến nay là quá trình hoàn thiện, tinh chỉnh hệ thống. Theo tôi, có sự chậm trễ trên là do trong quá trình triển khai dự án đã có những khó khăn chủ yếu sau:
Một là, mô hình hoạt động của Hệ thống thông tin tín dụng (TTTD) của các nước trên thế giới cũng khá đa dạng, trong khi mô hình hoạt động TTTD ở Việt Nam cũng có những khác biệt so với nhiều nước. CIC vừa làm nhiệm vụ phục vụ hoạt động quản lý nhà nước, vừa tự chủ về hoạt động dịch vụ.
Trên thị trường không thể có một phần mềm có sẵn, một giải pháp tối ưu từ nước ngoài vào Việt Nam mà phải hoàn thiện, cải tiến cho phù hợp với điều kiện thực tế. Vì vậy, CIC và nhà thầu cũng gặp khó khăn trong thời gian đánh giá FIT/GAP, một số cán bộ nghiệp vụ có tâm lý không muốn sự thay đổi hoàn toàn về quy trình nghiệp vụ khi hệ thống đang hoạt động ổn định…
Hai là, dự án được nghiên cứu tiền khả thi từ khá lâu nên chưa dự báo chính xác được về nhu cầu và xu hướng phát triển. Trong quá trình triển khai, để đáp ứng yêu cầu sử dụng thông tin của các đơn vị NHNN và TCTD, NHNN đã ban hành Thông tư 03/2013/TT-NHNN về hoạt động TTTD của NHNN thay thế cho quy chế TTTD cũ, do vậy các chỉ tiêu thông tin đầu vào tác động đến dự án đã tăng lên khá nhiều, kéo theo là sự thay đổi về các quy trình nghiệp vụ, vì vậy đã phát sinh thêm một số công việc cho CIC và nhà thầu.
Ba là, để tiết kiệm nguồn vốn vay từ WB, CIC phải tận dụng các máy móc, thiết bị cũ đang sử dụng để lắp đặt cho hệ thống dự phòng. Đồng thời, CIC vẫn phải đảm bảo duy trì hoạt động bình thường của đơn vị để nguồn thông tin phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và hoạt động kinh doanh của các TCTD không bị gián đoạn.
Đặc biệt, trong giai đoạn này CIC phải triển khai thực hiện thêm nhiều nhiệm vụ mới như: Chấm điểm khách hàng vay cá nhân, thực hiện Thông tư 02/2013/TT-NHNN, Thông tư 09/2014/TT-NHNN về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro, hỗ trợ quá trình kiểm soát và xử lý nợ xấu, thu thập thông tin từ các tổ chức tài chính vi mô…
Từ những khó khăn đó, thời gian hoàn thành dự án có chậm hơn so với dự kiến, tuy nhiên liên danh nhà thầu FIS-DP đã phối hợp chặt chẽ với CIC khắc phục những khó khăn để triển khai theo thời hạn được WB phê duyệt.
Để vượt qua các thách thức, theo tôi các yếu tố tạo nên sự thành công của dự án CG1, đó là sự cam kết mạnh mẽ và lòng tin vào thắng lợi của Ban Lãnh đạo NHNN và của Ban Lãnh đạo CIC (Tổ triển khai của CIC); sự quyết tâm, nhiệt tình và sáng tạo trong triển khai của đội ngũ cán bộ trực tiếp tham gia; sự phối hợp chặt chẽ, có trách nhiệm giữa các đơn vị nghiệp vụ, kỹ thuật và Ban quản lý dự án FSMIMS; sự giám sát chặt chẽ và hỗ trợ tích cực của WB và cuối cùng là sự nỗ lực và cam kết cao của liên danh nhà thầu FIS-DP.
Ông có thể cho biết những thay đổi chính và hiệu quả mang lại trong hoạt động của CIC sau khi hệ thống thuộc hợp đồng CG1 đi vào hoạt động?
Thứ nhất, về quy trình nghiệp vụ, toàn bộ những quy trình được xử lý thủ công, bán thủ công và cắt khúc, thiếu sự liên hệ giữa các nghiệp vụ trước đây đã được thay thế bằng một hệ thống các quy trình xử lý tự động, xuyên suốt và kết nối liên hoàn giữa các nghiệp vụ từ khâu thu thập xử lý dữ liệu; kiểm soát và cập nhật dữ liệu; tính toán các chỉ số PD ngành, doanh nghiệp; tạo lập báo cáo tín dụng; hệ thống lưu trữ và quản lý cơ sở dữ liệu; hệ thống đăng ký tín dụng và tương tác trực tiếp với khách hàng vay; xử lý khiếu nại; điều chỉnh dữ liệu sai sót…
Các quy trình nghiệp vụ được chuyển tiếp liên thông giữa các hệ thống và kiểm soát tự động theo các quy tắc đã định sẵn, giảm thiểu yếu tố con người đã giúp cho quá trình tác nghiệp nhanh chóng, chính xác và an toàn.
Thứ hai, nền tảng kỹ thuật công nghệ của CIC cũng có bước tiến dài, sử dụng nền tảng công nghệ tiên tiến của các hãng công nghệ hàng đầu thế giới, quản trị cơ sở dữ liệu 3 lớp; hệ thống an toàn, bảo mật hiện đại ngăn chặn truy cập trái phép; hệ thống cho phép nhiều tài khoản có thể truy cập cùng một thời điểm; một tài khoản đăng nhập duy nhất dùng chung cho các ứng dụng (single sign on); các hệ thống ứng dụng được tích hợp, kết nối thông qua một trục tích hợp thay vì kết nối đan xen, trực tiếp với nhau của giai đoạn trước; các ứng dụng được cài đặt, dùng chung trên một kho tài nguyên tập trung, duy nhất của CIC, giúp dễ dàng trong quản lý, vận hành và tiết kiệm chi phí đầu tư, bảo trì.
Thứ ba, về hiệu quả hoạt động của dự án, như đánh giá của WB và của NHNN, thông qua dự án này, CIC đã nâng cao chất lượng Cơ sở dữ liệu TTTD Quốc gia cả về chiều rộng và chiều sâu; nguồn thông tin đã mở rộng tới các TCTD nhỏ như các Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô; tổng số khách hàng vay lưu trữ nâng lên trên 34 triệu khách hàng, độ sâu thông tin là 7/8, độ phủ thông tin là 51% trên số người trưởng thành, cao hơn nhiều so với khu vực Đông Á - Thái Bình Dương (4,2/8 điểm và 16%) và nhóm các nước OECD (6,6/ 8 điểm và 18,3%). Số lượng sản phẩm dịch vụ cung cấp cho NHNN và các TCTD trong 9 tháng đầu năm 2017 đã đạt trên 10 triệu báo cáo, vượt số lượng của cả năm 2016 và gấp 2 lần năm 2015 (thời điểm chưa vận hành hệ thống mới). Thời gian truy xuất thông tin của CIC cũng được giảm xuống dưới 10 giây, chất lượng báo cáo được đảm bảo…
Qua dự án này, ông có những cảm nhận gì và hướng phát triển sắp tới của CIC như thế nào?
Để đạt được sự thành công của gói thầu, chúng tôi đã nhận được sự chỉ đạo sát sao của Ban Lãnh đạo NHNN, sự điều phối linh hoạt của Ban quản lý dự án FSMIMS. Tôi rất vui mừng vì những nỗ lực của tập thể từ Ban Lãnh đạo CIC đến các cán bộ, chuyên viên tham gia dự án đã mang lại kết quả như mong đợi.
Tôi cũng hết sức tự hào về đội ngũ cán bộ của CIC, những người đã không ngại khó khăn, phối hợp chặt chẽ với nhà thầu để trực tiếp triển khai dự án. Thông qua dự án này, các cán bộ của CIC cũng đã trưởng thành lên rất nhiều, sẵn sàng đảm nhận và làm chủ công nghệ, vận hành an toàn hệ thống.
Kết quả đó đã không thể có được nếu thiếu sự quyết tâm, đồng lòng cùng vượt qua khó khăn, chấp nhận thay đổi với mục tiêu nâng tầm hoạt động để CIC xứng đáng là một trụ cột quan trọng của hệ thống cơ sở hạ tầng tài chính Việt Nam, hỗ trợ tích cực trong công tác chỉ đạo điều hành của NHNN; hỗ trợ có hiệu quả hoạt động kinh doanh của TCTD và góp phần nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của khách hàng vay.
Tôi cho rằng hệ thống CG1 nói riêng và dự án FSMIMS nói chung triển khai thành công đã thực sự làm thay đổi, đặt nền tảng công nghệ ban đầu, quan trọng cho CIC và NHNN trong công cuộc hiện đại hóa ngành Ngân hàng. Tuy nhiên, để tiếp tục theo kịp xu hướng phát triển của Ngành, trong thời gian tới CIC sẽ nghiên cứu và trình Ban Lãnh đạo NHNN để tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống CNTT bằng các nguồn tự có và sự hỗ trợ của các Tổ chức quốc tế để phục vụ tốt hơn cho hoạt động chuyên môn.
Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!