TTTTTD Quốc gia Việt Nam: Trọng tâm là quản trị rủi ro tín dụng
TTTTTD Quốc gia Việt Nam: Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 | |
CIC chính thức vận hành hệ thống quản lý dữ liệu mới |
Mục tiêu của CIC trong thời gian tới là tiếp tục hoàn thiện và mở rộng hơn nữa thông tin tín dụng quốc gia |
Tham dự hội thảo có Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Ngô Đông Hải; Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh. Năm 2017 là năm thứ 3 liên tiếp Chính phủ ban hành Nghị quyết về những giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh. Bằng các chính sách thiết thực và nhất quán, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã từng bước được cải thiện rõ rệt.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho rằng, cải thiện môi trường kinh doanh là một tiến trình liên tục, lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng và những bước đi đột phá. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, chúng ta vẫn còn đang đối mặt với nhiều thách thức lớn cần vượt qua. Trong đó, sự hoàn thiện cũng như chất lượng của hệ thống thông tin – dữ liệu là một tâm điểm được nhiều nhà đầu tư quan tâm trong môi trường kinh doanh Việt Nam.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cũng cho rằng, thông tin tài chính DN còn có vai trò rất quan trọng trong quản trị rủi ro của hệ thống ngân hàng. Hay nói cách khác, quản trị rủi ro tín dụng là yếu tố sống còn của mỗi TCTD và với sự phát triển lành mạnh, an toàn của hệ thống ngân hàng.
Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường kinh doanh của Việt Nam là thiếu minh bạch thông tin, thiếu dữ liệu tài chính DN. Ông Nguyễn Quang Thuân - Tổng giám đốc StoxPlus cho rằng: Độ tin cậy của cơ sở dữ liệu đầu vào các DN tại Việt Nam rất thấp, do cơ sở hạ tầng nguồn dữ liệu quốc gia còn phân tán, chưa minh bạch và thiếu thông tin chiều sâu về các bên liên quan, đặc biệt là khách hàng và nhà cung cấp.
Bên cạnh đó, hệ thống báo cáo tài chính chưa hoàn thiện, đa số các báo cáo thường được DN tự lập ra trong quá trình hoạt động. Đây là một thách thức lớn cho các ngân hàng và đối tác tìm kiếm thông tin về DN.
Theo khảo sát của Công ty Grant Thornton, vào năm 2017, việc khó tiếp cận thông tin hoạt động về DN là 1 trong 5 vấn đề nổi cộm trong quá trình tìm hiểu và đánh giá cơ hội đầu tư vào Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài. Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là nhà đầu tư châu Âu rất ngại vấn đề minh bạch thông tin tại Việt Nam, và đó chính là lý do thu hút FDI từ châu Âu vào Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế.
CIC là kho dữ liệu thông tin tín dụng với quy mô lớn, được xây dựng trên nền tảng công nghệ hiện đại |
Cùng quan điểm này, ông Lê Anh Tuấn - Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển thuộc CIC cũng cho biết: Có những DN có tới 4 báo cáo tài chính khác nhau; cùng đó, chất lượng báo cáo tài chính cũng ảnh hưởng đến việc đánh giá rủi ro DN và của các TCTD. Do đó, cần có những phương pháp quản lý chặt chẽ hơn hoạt động này.
Ông Lê Anh Tuấn cho biết, đến nay CIC là kho dữ liệu thông tin tín dụng với quy mô lớn, được xây dựng trên nền tảng công nghệ hiện đại. Với sự tham gia kết nối của tất cả các TCTD hoạt động tại Việt Nam và các tổ chức ngoài hệ thống gồm 122 TCTD; 1.108 quỹ tín dụng nhân dân; 30 tổ chức tự nguyện và 3 tổ chức tài chính vi mô chính thức, hiện CIC có hơn 34 triệu hồ sơ khách hàng vay, trong đó 33,5 triệu hồ sơ pháp nhân và 787.000 hồ sơ thể nhân.
Mục tiêu của CIC trong thời gian tới là tiếp tục hoàn thiện và mở rộng hơn nữa thông tin tín dụng quốc gia. Đặc biệt, ông Tuấn cho biết, phương pháp xếp hạng tín dụng của CIC là theo tiêu chuẩn quốc tế, có thể sử dụng làm chuẩn tham chiếu đối với kết quả xếp hạng tín dụng của các TCTD nhằm phòng ngừa rủi ro trong quá trình cấp tín dụng.
Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh bày tỏ kỳ vọng vào các nội dung thảo luận tại hội thảo như cải thiện tính minh bạch và chất lượng thông tin tài chính doanh nghiệp để quản lý, xúc tiến và thu hút đầu tư nước ngoài cũng như gia tăng kết nối thương mại Việt Nam; Giải pháp phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng Quốc gia đảm bảo tính tin cậy, chính xác, hỗ trợ kịp thời cho các TCTD.
Qua đó, sẽ tạo nên nền tảng quan trọng nhất trong tăng cường quản trị rủi ro tín dụng theo Basell II tại Việt Nam, phù hợp với Thông tư 41/2016/TT-NHNN về quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Có thể thấy, môi trường kinh doanh của Việt Nam thời gian gần đây đã được cải thiện đáng kể, “sự thuận lợi trong kinh doanh tại Việt Nam” được xếp thứ 68/190 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đây được coi là một trong những bước đột phá quan trọng làm tiền đề cho những cải cách mạnh mẽ hơn trong môi trường đầu tư, kinh doanh.