Tương lai thuộc về bancassurance
Loại hình phân phối bảo hiểm kết hợp giữa công ty bảo hiểm và ngân hàng (bancassurance), nhằm mang đến cho khách hàng đang tham gia các dịch vụ tài chính tại ngân hàng sự bảo vệ tài chính trước những rủi ro ngoài ý muốn. Trước đây, giai đoạn tăng trưởng kinh tế ở mức cao (trước năm 2009) đã có một số DN bảo hiểm hợp tác với ngân hàng nhưng không nhiều. Đến những năm gần đây, khi mức thu nhập của người dân tăng, kéo nhu cầu bảo hiểm tăng theo, đã thúc đẩy mối quan hệ đôi bên cùng có lợi giữa ngân hàng và các công ty bảo hiểm.
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, theo đánh giá chung, hoạt động bancassurance ở Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng, cũng như kỳ vọng của các công ty bảo hiểm. Phó Tổng giám đốc một NHTMCP cho biết, bancassurance được xem là một hướng đi mới, thu hút ngày càng nhiều sự quan tâm của các ngân hàng, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm. Thậm chí đã có một NHTMCP thuộc hàng “sinh sau đẻ muộn” với cổ đông sáng lập là tập đoàn tài chính lớn khi ra đời đã công bố tham vọng thống lĩnh thị trường bancassurance.
Gần đây bancansurance đã “nóng” trở lại bằng hàng loạt sự hợp tác để bán chéo sản phẩm như BACABANK với Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Generali Việt Nam, TPBank với Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Bảo Long. Theo lãnh đạo TPBank: việc hợp tác với Công ty Bảo hiểm Bảo Long sẽ giúp ngân hàng hoàn thiện vòng quay nhu cầu của khách hàng bằng việc đáp ứng đầy đủ 4 nền tảng dịch vụ chủ chốt như: cho vay, giao dịch, đầu tư và bảo hiểm, giúp mang lại các giải pháp, sản phẩm tài chính - ngân hàng hiệu quả và đa dạng nhất cho khách hàng.
Với mô hình hợp tác kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng giữa BACABANK và Generali Việt Nam, khách hàng sẽ được cung cấp các sản phẩm bảo hiểm ngay tại chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng. Sự hợp tác này cũng giúp Generali Việt Nam có cơ hội phục vụ số lượng lớn khách hàng mới và đem lại nhiều lựa chọn linh hoạt hơn cho khách hàng của BACABANK.
Hay như Tổng công ty bảo hiểm BIDV (BIC) đã hợp tác với Tập đoàn bảo hiểm nhân thọ Metlife của Mỹ để thành lập liên doanh bảo hiểm nhân thọ BIDV – Metlife. Ông Trần Bắc Hà Chủ tịch HĐQT BIDV cho biết, trong định hướng kinh doanh của ngân hàng này 5 năm tới (2016 - 2020) thì bảo hiểm là trụ cột thứ hai, sau hoạt động kinh doanh ngân hàng. BIDV tham vọng đưa liên doanh BIDV- Metlife đứng đầu thị trường Việt Nam về doanh thu qua kênh bancansurance.
Theo các chuyên gia ngân hàng, về xu hướng lâu dài, bancassurance được đánh giá có triển vọng phát triển tốt, bởi các dịch vụ của hệ thống ngân hàng Việt Nam đang ngày càng hoàn thiện, tỷ lệ người giao dịch qua ngân hàng và sử dụng thẻ ATM, thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng… ngày càng tăng cao. Điều quan trọng hơn cả là các ngân hàng ngày càng chú trọng đến lợi ích từ việc hợp tác với các công ty bảo hiểm để cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
Qua các sản phẩm, dịch vụ bancansurance, cả ngân hàng và bảo hiểm mong muốn tìm kiếm thêm lợi nhuận trong kinh doanh. Việc ký kết hợp tác chỉ là động thái khởi đầu cho một mối quan hệ mới. Còn kết quả của mối quan hệ này có tốt đẹp như các bên mong đợi hay không thì phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.
Bà Nguyễn Thùy Dương – Phó tổng giám đốc Phụ trách dịch vụ tài chính ngân hàng, Công ty Ernst & Young (EY) Việt Nam cho rằng, ở Việt Nam nhiều người mới chỉ biết tới bảo hiểm y tế, trong khi ở nước ngoài, một số lĩnh vực bảo hiểm mang tính bắt buộc. Thậm chí tất cả các hợp đồng đi vay ngân hàng đều phải tham gia bảo hiểm.
“Thị trường bảo hiểm vẫn còn nhiều tiềm năng và thời gian tới sẽ tiếp tục phát triển mạnh khi nền kinh tế hồi phục và duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Trung bình các nước trên thế giới phí bảo hiểm phải chiếm 10% GDP nhưng hiện tại ở Việt Nam chỉ chiếm 1-2% GDP” – bà Dương phân tích và khẳng định, bancansurance vẫn là mảng tiềm năng nên các ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm sẽ tiếp tục khai thác mạnh trong thời gian tới.