Tỷ giá 2018: Quan trọng vẫn là linh hoạt
Chỉ còn hơn một tuần nữa là kết thúc năm 2017, tới thời điểm này, theo đánh giá của giới chuyên gia, NHNN đã khá thành công trong việc điều hành chính sách tiền tệ trên cơ sở đồng bộ với chính sách tài khoá và các chính sách kinh tế vĩ mô khác. Trong đó, tỷ giá hối đoái được ổn định và điều hành linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường, thanh khoản trong hệ thống ngân hàng được đảm bảo, dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục 46 tỷ USD. Vậy sang năm 2018, sẽ có những thách thức nào đối với vấn đề điều hành tỷ giá?
Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đưa ra hai yếu tố cơ bản có thể ảnh hưởng lên tỷ giá trong năm 2018 là nguồn cung ngoại tệ và giá trị của đồng USD.
Ảnh minh họa |
Đồng tình với nhận định này, một chuyên gia kinh tế cho rằng đây sẽ là hai yếu tố tương đối lớn tác động tới tỷ giá năm 2018. Sức mạnh của đồng tiền này căn cứ vào chỉ số USD-Index và việc tăng, giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), cũng như tình hình kinh tế của Mỹ.
Việc tăng lãi suất vừa qua của Fed theo giới chuyên gia nhìn nhận là họ đã căn cứ vào sự khả quan của nền kinh tế Mỹ, kỳ vọng về thị trường lao động tiếp tục khoẻ mạnh với tốc độ tạo việc làm mới giữ ở mức ổn định, tăng cơ hội cho người lao động, thúc đẩy tiền lương tăng lên. Đặc biệt, Dự luật cải cách thuế của phe Cộng hoà vừa được Thượng viện Mỹ thông qua với tỷ lệ 51 - 48 cũng sẽ tạo thuận lợi cho nền kinh tế của quốc gia này, gây áp lực lên tỷ giá USD/VND năm 2018. Áp lực lên tỷ giá USD/VND cũng chịu tác động từ việc Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất USD từ 2-3 lần trong năm 2018.
Tới thời điểm này, giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam đã tăng gấp đôi đạt 400 tỷ USD sau 6 năm, trong đó xuất siêu hơn 3 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối 46 tỷ USD, kiều hối đang trên đà tăng, FDI 11 tháng thặng dư gần 24 tỷ USD… đều là những yếu tố tạo ra nguồn cung ngoại tệ tương đối dồi dào, tạo điều kiện hỗ trợ thanh khoản.
Theo đánh giá của LS-TS. Bùi Quang Tín, “nguồn cung ngoại tệ dồi dào, hiếm có năm nào mà về gần tới thời điểm cuối năm, thanh khoản của hệ thống ngân hàng tương đối thoải mái như năm nay. Chính điều này sẽ tạo đà hỗ trợ cho thanh khoản những tháng đầu năm 2018”.
Song nếu xét về tỷ giá, chuyên gia cũng cho rằng sẽ còn có những biến số độc lập khác nữa, đến từ những tác động cả bên trong và bên ngoài. TS. Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ: Trên thế giới, ngoài vấn đề tăng lãi suất của Fed; thì việc mậu dịch toàn cầu sẽ có những biến động, chủ yếu tới từ phía Mỹ khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố có thể trừng phạt quốc gia lợi dụng mậu dịch để trục lợi; hay biến động của giá dầu, giá vàng… chắc chắn sẽ có ít nhiều tác động tới tình hình tỷ giá.
Về trong nước, năm 2018, những yếu tố như tình hình xuất nhập khẩu, dự trữ quốc gia, tình hình kinh tế vĩ mô… sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chính sách tỷ giá. Nếu tăng trưởng tốt trong sự ổn định, thì đồng tiền vững giá và ngược lại, tăng trưởng nhanh nhưng có thể sẽ không bền vững. Hay câu chuyện nợ xấu, tín dụng đẩy vào những lĩnh vực rủi ro sẽ tác động lên lạm phát, từ đó gây bất lợi cho tỷ giá USD/VND.
Theo ông Hiếu, năm 2018 có thể đồng tiền vững giá, chỉ tăng khoảng 1-2%. Đồng quan điểm, LS-TS. Bùi Quang Tín cũng dự báo năm 2018 VND tăng không quá 2%. Với cơ chế tỷ giá trung tâm được NHNN áp dụng từ đầu năm 2016, cộng với mức dự trữ ngoại hối ngày một tăng cao, sự điều hành linh hoạt của NHNN theo chuyên gia chắc chắn sẽ tiếp tục tác động tích cực lên tình hình tỷ giá của năm 2018. Tính đến ngày 14/12/2017, tỷ giá trung tâm mới tăng 1,29% so với đầu năm, điều này có thể sẽ tạo thêm room cho năm sau, giúp năm 2018 điều hành có phần chủ động hơn với biến động của tỷ giá.
Cũng cần phải nói thêm rằng, trên mặt bằng thương mại quốc tế, tỷ giá giữ ổn định so với các nước chưa hẳn đã là kịch bản tốt nhất. Chuyên gia chia sẻ: Khi tỷ giá tăng lên sẽ khuyến khích xuất khẩu hàng hoá dịch vụ, tạo lợi thế cho Việt Nam trên thị trường quốc tế. Việc duy trì tỷ giá ổn định là tốt, nhưng chỉ nên trong thời gian ngắn. Còn nếu xét về cán cân thương mại lâu dài thì chưa chắc. Nên điều quan trọng ở đây là sự điều hành một cách linh hoạt, theo tín hiệu của thị trường từ phía nhà điều hành chứ không phải cứng nhắc theo quan điểm là cố giữ ở mức ổn định...