VAMC cần “găng tay” để xử lý nợ xấu
VAMC giữ nguyên lãi suất nợ xấu bằng VND | |
Năm 2015: VAMC đã duyệt mua hơn 111 nghìn tỷ đồng nợ xấu | |
Đến 30/11/2015, nợ xấu toàn hệ thống đã được đưa về mức 2,72% |
Một trong những thành công nổi bật của ngành Ngân hàng trong năm 2015 là đã đưa tỷ lệ nợ xấu (NX) về mức dưới 3 % và hơn thế, vượt trước thời gian dự kiến. Tuy nhiên, để công tác xử lý NX (XLNX) tại VAMC đạt kết quả tốt hơn trong năm 2016, đặc biệt là hình thành được thị trường mua bán NX đang đặt ra không ít rào cản.
Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC đã có những trao đổi rõ hơn với PV Thời báo Ngân hàng nhân dịp năm mới.
Ông Nguyễn Quốc Hùng trả lời phỏng vấn PV Thời báo Ngân hàng |
Tính đến tháng 10/2015, NX VAMC mua của các TCTD chiếm 48% NX toàn Ngành, góp phần đưa tỷ lệ NX toàn hệ thống đến 30/11/2015 xuống chỉ còn 2,72%. Đây rõ ràng là nỗ lực rất lớn của VAMC. Ông có thể cho biết rõ hơn về những thành công này?
Xác định 2015 là năm hết sức then chốt trong vấn đề XLNX nên VAMC cùng với các TCTD đã xây dựng kế hoạch phát hành trái phiếu đặc biệt (TPĐB) khoảng 80 nghìn tỷ đồng, tương đương số dư nợ gốc 100 nghìn tỷ đồng.
Ngay từ đầu năm, các TCTD đã tập trung đánh giá, phân tích, xác định trên cơ sở rút kinh nghiệm của năm 2013 và 2014. Cùng với đó, là sự nỗ lực rất lớn của cán bộ VAMC, với cách làm việc ngày một chuyên nghiệp, hiệu quả, nhờ vậy, kết quả và tốc độ mua NX bằng TPĐB đã có sự chuyển động tích cực, không tạo ra sự dồn ép vào cuối năm như các năm 2013, 2014.
Đến cuối năm 2015, VAMC đã xử lý được 99,3 nghìn tỷ đồng NX bằng TPĐB, với 109,8 nghìn tỷ đồng dư nợ gốc.
Như vậy có thể thấy, hơn 2 năm qua (từ tháng 10/2013 đến nay), VAMC đã mua NX đạt trên 243 nghìn tỷ đồng dư nợ gốc và trên 208 nghìn tỷ đồng phát hành TPĐB. NX VAMC mua của các TCTD đến tháng 10/2015 chiếm 48% NX toàn Ngành, góp phần đưa tỷ lệ NX toàn hệ thống đến 30/11/2015 xuống chỉ còn 2,72%. Đây là kết quả hết sức phấn khởi mà bên cạnh nỗ lực của VAMC phải ghi nhận nỗ lực của các TCTD.
Điều đáng chú ý là không chỉ tốc độ bán NX cho VAMC từ tháng 9 đến nay giảm, mà tỷ lệ NX vẫn tiếp tục giảm. Ước tính đến hết năm 2015 thì tỷ lệ NX có thể xoay quanh mức 2,6%.
Kết quả nói trên, theo ông đã được như kỳ vọng?
Năm 2015, chúng tôi xây dựng kế hoạch bán nợ, bán tài sản đảm bảo (TSĐB) và thu hồi nợ tính chung được 10 nghìn tỷ đồng, tức gấp đôi so với giai đoạn 2013-2014. Nếu so với kỳ vọng thì chưa phải là lớn vì vẫn dưới 10% tổng dư nợ gốc của các khoản NX VAMC mua.
Tuy nhiên, nếu nhìn trong bối cảnh thực tế còn rất nhiều khó khăn, từ việc triển khai thu hồi nợ đến những vướng mắc cơ chế, xử lý TSĐB… thì những kết quả đạt được nói trên đã được xem là nằm ngoài tưởng tượng của chính chúng tôi. Phải nói thực sự là khi đưa ra mục tiêu này chỉ là thể hiện sự quyết tâm thôi, còn kết quả đạt được thì nghĩ là rất khó.
Tuy vậy, đến hết 2015, chúng tôi đã thu nợ được khoảng 17,875 nghìn tỷ đồng, cộng với 5 nghìn tỷ đồng của 2 năm trước là 22,875 nghìn tỷ đồng, tức là đã xử lý được khoảng 9,3% tính trên nợ gốc, còn tính trên TPĐB thì đạt trên 10%.
Bên cạnh đó, chúng tôi còn tiến hành phân loại nợ. Trong 243 nghìn tỷ đồng nợ gốc, thì TSĐB tương ứng khoảng trên 330 nghìn tỷ đồng, trong đó khoảng 70% là BĐS.
Cũng phải ghi nhận một phần là nhờ Thông tư 02/2013/TT-NHNN đã thực sự đi vào cuộc sống và các TCTD đều đã hiểu và quen được với nó. Đây là một thành công rất lớn, góp phần đưa tỷ lệ NX về dưới 3%. Điều quan trọng hơn là, không phải như có người nói, NX đưa về rồi “nhốt” vào cái kho gây nguy cơ bùng phát mà nó đã mang tính ổn định.
Vậy những vướng mắc chính trong xử lý, thu hồi nợ hiện nay là gì, thưa ông?
Vướng mắc trước hết là trong vấn đề xử lý TSĐB. Bản thân VAMC không thể chủ động tự thu hồi TSĐB để phát mại được mà muốn phát mại được thì phải được sự đồng thuận của TCTD và khách hàng. Mà một khi nếu khách hàng không đồng thuận thì sẽ xảy ra nhiều khâu rất phức tạp, mất nhiều thời gian. Có khi phải mất đến vài ba năm cho một vụ tính từ lúc khởi kiện ra tòa cho đến khi kết thúc, giải quyết tranh chấp.
Một trong những khó khăn mà tôi cho là vướng mắc nhất là chúng ta chưa có thị trường mua bán nợ. Chúng ta cũng chưa có tiêu thức định giá giá trị khoản nợ. Khi chưa có tiêu thức định giá giá trị khoản nợ thì VAMC sẽ định giá trên cơ sở nào? Và khi định giá được khoản nợ rồi thì bán nợ cho ai? Do đó muốn xử lý được nhanh thì phải có thị trường mua bán nợ và chỉ khi có thị trường này thì lúc đó mới có thể XLNX quyết liệt được.
Vấn đề nữa là việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài tham gia vào quá trình này. Muốn kêu gọi được đầu tư nước ngoài thì các vấn đề liên quan đến luật pháp, đặc biệt là liên quan đến cấp đăng ký kinh doanh mua bán NX, quyền sở hữu, chuyển nhượng tài sản cần tiếp tục được hoàn thiện sớm.
Để tháo gỡ được những khó khăn này, chúng tôi đã kiến nghị cần có một bộ luật về XLNX. Theo đó, tất cả mọi vấn đề liên quan đến NX đều dựa vào luật đó mà xử. Tránh tình trạng, 3 năm, 5 năm sau lại bảo cơ sở nào để VAMC đưa ra mức định giá như thế này, hoặc như thế kia. Rồi khách hàng người ta kiện trở lại, đặc biệt là trong những trường hợp người ta không đồng thuận thì rất nguy hiểm.
Ý ông là VAMC đang gặp rủi ro về mặt luật pháp trong quá trình thực hiện quyết liệt hơn vấn đề xử lý nợ?
Đúng vậy, chúng tôi thường nói vui, cán bộ công nhân viên VAMC là những bác sĩ nhưng là những bác sĩ chưa được phòng hộ lao động, không được đeo găng tay, như vậy thì khả năng lây nhiễm, truyền bệnh sẽ rất cao. Bởi đã gọi là NX tức có nghĩa không phải là nợ tốt nữa rồi, tức là đã bị nhiễm khuẩn. Vì vậy chúng tôi đặt vấn đề phải có một kênh “bảo hộ lao động” cho chúng tôi, phải có các thiết bị phòng hộ thì mới có thể làm được. Tóm lại là cần có luật rõ ràng để giúp chúng tôi tránh được những hiện tượng phơi nhiễm.
Vâng, đúng là cần phải có luật, có cơ chế rõ ràng thì mới có thể đẩy nhanh và bền vững vấn đề XLNX. Nhưng trong khi chờ những đề xuất kiến nghị được ban hành thì kế hoạch năm 2016 của VAMC đặt ra là gì?
Chúng tôi xác định năm 2016 bên cạnh việc tiếp tục mua NX bằng TPĐB, thì VAMC sẽ tập trung cho công tác XLNX đã mua về. Một trong những nhiệm vụ lớn là trong số NX đã mua về, chúng tôi sẽ rà soát, đánh giá, phân loại nợ để có biện pháp xử lý thích hợp. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thi hành án để đẩy nhanh tốc độ thi hành án với những bản án đã có hiệu lực, qua đó đưa tỷ lệ NX thu hồi đạt mức tốt nhất.
Vấn đề quan trọng nữa là triển khai mua NX theo giá trị thị trường. Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã có những kiến nghị để có thể mua và bán những khoản nợ theo giá trị thị trường, tham mưu cho Chính phủ xây dựng các tiêu chí để cho phép thành lập các doanh nghiệp mua bán nợ.
Ngoài ra, chúng tôi sẽ tiến hành đấu giá, phát mại TSĐB căn cứ theo Thông tư 18/2014/TT-BTP của Bộ Tư pháp. Đặc biệt, tôi kỳ vọng là Luật Đấu giá sắp được ban hành, sẽ có một chương riêng, hoặc ít nhất là có một Nghị quyết của Quốc hội giao cho Chính phủ để hướng dẫn VAMC triển khai đấu giá khoản nợ, phát mại tài sản. Thực tế, thu hồi NX năm 2015 là 17,875 nghìn tỷ đồng thì sang năm 2016 cũng phải phấn đấu đạt khoảng 25 - 30 nghìn tỷ đồng.
Đó là một số nhiệm vụ lớn mà chúng tôi chủ động xây dựng để triển khai trong năm nay. Tất nhiên nhiệm vụ và trách nhiệm đó có làm được hay không còn phụ thuộc vào nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Nguyên nhân chủ quan thì chúng tôi phải chịu, nhưng nguyên nhân khách quan thì cần các bên tập trung tháo gỡ.
Đơn cử, nếu không có thị trường mua bán nợ thì rất khó xử lý trên quy mô lớn và mang tính triệt để. Hay như việc chúng tôi phải được trang bị đầy đủ “bảo hộ lao động” để có cơ sở làm đúng theo các quy định của pháp luật, không vì "chữa bệnh" mà thành ra "nhiễm bệnh".
Bên cạnh đó, hệ thống các quy định pháp luật liên quan cũng cần làm sao đừng để cho người ta thấy rằng, khách hàng "càng chây ì càng có lợi". Bởi tôi chỉ đặt ngược lại một câu hỏi thế này: Một người vay khi đi gửi tiền ở một NH, khi đến hạn, mà NH thiếu một đồng lãi liệu họ có để yên cho không? Thế tại sao khi họ vay họ không chịu trả lãi, chỉ trả gốc thôi mà NH vẫn phải chịu, không ai làm gì được? Nên để xảy ra NX có trách nhiệm của NH, từ NH xuất phát ra, nhưng nguyên nhân NX không phải chỉ do NH là chính mà từ nhiều yếu tố khác.
Trước thềm năm mới, ông đặt ra kỳ vọng gì?
Kỳ vọng lớn nhất của tôi là thị trường mua bán nợ sớm được hình thành, để giúp công tác XLNX được bài bản hơn. Và sẽ có một cơ chế tương đối rõ để VAMC có cơ sở hoạt động. Song hành với đó là nhận được sự ủng hộ cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành trong cả nước.
Xin trân trọng cảm ơn ông!