Văn hóa chung cư
Ảnh minh họa |
Cô gái áo xanh đi xe Vespa màu trắng chật vật lùi xe lại, để khoảng trống cho camera chụp ảnh biển số xe Wave đen mà anh thanh niên vừa tạt đầu xe cô giành chỗ qua soát vé vào hầm để xe chung cư. Dòng người xếp sau ngán ngẩm cho sự lấn lướt vô ý tứ của người thanh niên nọ, ném những cái nhìn vào khoảng lưng rộng của cậu chàng.
Cảnh đó không thường nhưng chẳng hiếm ở nhiều chung cư giá rẻ gần đây, khi những cao tầng mọc lên như nấm, nhưng bất chấp lượng dân đông đến hàng nghìn căn mỗi tòa, hầm để xe chỉ có một tầng. Thế nên chuyện giành giật chỗ để xe mỗi khi chiều về chẳng hiếm nữa. Thanh niên lấn phụ nữ, trẻ chẳng nhường già, nhiều cư dân không còn coi trọng chuyện xếp hàng như một cách thể hiện văn hóa nữa.
Không chỉ là giành chỗ để xe, với nhiều tòa chung cư cao tầng mà ít thang máy, cư dân cũng sẵn sàng giành nhau đi trước. Vào mỗi độ chiều về, hình ảnh dễ thấy là ở các sảnh thang máy rất nhiều người bồn chồn chờ đợi thang xuống, luồn lách giữa dòng người đổ ra để chen lên, vào trước, bất chấp việc làm của mình đang làm nhốn nháo dòng người hai chiều vào và ra thang máy.
Nếu đông người chờ thang, đừng có kể là phụ nữ có thai hay bà già, cháu nhỏ mà được ưu tiên, không ít thanh niên “sức dài vai rộng” vẫn cố tình chiếm chỗ trước.
Rồi đến chuyện đổ rác cũng lắm bực mình. Nhiều khu chung cư có nơi đổ cho từng tầng, chạy thẳng xuống khu tập trung dưới mặt đất. Nếu mỗi hộ đựng rác trong túi nilon thì không sao, nhưng nhiều hộ cứ thế đổ thẳng từ sọt vào khoang rác, nhiều đồ vẩn vấy lên xung quanh, để lâu thành ra mùi khó chịu, ảnh hưởng đến các hộ gần khu vực này. Lúc đầu từ còn ý tứ nhắc nhở, sau có hộ theo dõi và phản ánh đến tổ dân phố, rồi sinh cãi cọ nhau, mất đoàn kết.
Dường như, cứ nơi không gian chung của các tòa cao tầng đều có những việc mà giữa người dân không bằng lòng với nhau. Nào chuyện người giúp việc cho trẻ em vào thang máy bấm xuống rồi lại bấm lên dỗ bé khi khóc; nào là các bà mẹ trẻ đưa con đi ăn rong, bé nôn trớ chả buồn dọn dẹp khiến ảnh hưởng vệ sinh chung. Có nhiều chị cho con xuống khu vui chơi chung, bé mót tè liền vạch quần cho cháu tè thẳng vào góc tường, rất mất mĩ quan.
Sự “vô tâm, vô tư” nhiều khi còn là chuyện sử dụng thiết bị công cộng không chú trọng bảo quản, như để đồ sắc nhọn cào xước thang máy, người lớn sử dụng đu quay hay xích đu của trẻ em… Không rõ họ có biết khi đồ dùng chung hỏng thì chính họ cũng phải chi phí để sửa chữa? Có lẽ, đã đến lúc có “hương ước khu tập thể”, hay “văn hóa chung cư” làm nền tảng cho ứng xử của người dân ở nhà ở cao tầng!