Áp lực trả nợ công
Tinh giản bộ máy hành chính, giảm số người hưởng lương ngân sách; Ban hành cơ chế đặc biệt giải quyết các vướng mắc pháp lý và tài chính trong việc bán nợ xấu nhằm xử lý nhanh nợ xấu để ngân hàng đủ điều kiện mở rộng tín dụng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao là những điều kiện cốt lõi để đảm bảo an toàn nợ công.
“Rủi ro nhất về vĩ mô hiện nay là thâm hụt ngân sách ngày càng lớn, nợ công tăng lên, bội chi gia tăng. Tốc độ tăng chi nhanh hơn so với tăng thu. Đã vậy, mức tăng chi cho đầu tư lại thấp hơn tăng chi thường xuyên, tức là chi dài hạn để tạo ra tăng trưởng lại thấp hơn so với chi tiêu dùng hàng ngày. Xu hướng này vẫn tiếp tục, và áp lực ngày càng lớn…”. Đó là điều đáng lo lắng nhất trong các vấn đề của nền kinh tế hiện nay, theo quan điểm của TS.Nguyễn Đình Cung.
Mức tăng chi cho đầu tư đang thấp hơn tăng chi thường xuyên |
Nhiều chuyên gia kinh tế và đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, nợ công cao và áp lực trả nợ tuy chưa đáng sợ nhưng rất đáng lo mặc dù Bộ Tài chính cho biết: nợ công tính đến cuối năm 2014 ở mức 2.347.000 tỷ đồng, 59,6% GDP năm 2014 và dự kiến cuối năm 2015 khoảng 62,3% GDP. Dự kiến cuối năm 2015 khoảng 62,3% GDP - nợ công vẫn nằm trong giới hạn được Quốc hội cho phép.
Tuy nhiên, lâu nay vẫn có nhiều ý kiến cho rằng, số nợ công tính theo Luật Quản lý nợ công Bộ Tài chính công bố lâu nay là chưa đầy đủ.
Trong Nghiên cứu “Xác định phạm vi nợ công và trần nợ công an toàn của Việt Nam giai đoạn 2015-2020” của Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đưa ra quan điểm về phạm vi nợ công rộng hơn đầy đủ hơn so với Luật Quản lý nợ công hiện nay. Theo nghiên cứu, nợ công năm 2013 là 61,28% nhiều hơn 7,08% so với mức 54,2% tính theo Luật Quản lý nợ công mà Bộ Tài chính công bố, và nợ năm 2014 là 66,4% cao hơn mức 59,6% đã công bố tới 6,8%.
Nghiên cứu cũng chỉ ra sự thiếu an toàn của nợ công: tỷ lệ trả nợ/tổng thu NSNN đang ở mức cao và có xu hướng ngày càng tăng và vay để trả nợ gốc ngày càng tăng. Tỷ lệ trả nợ năm 2013 là 22,6%, năm 2014 là 25,92% và 2015 là 31,87%. Vay trả nợ gốc năm 2014 gần 80.000 tỷ đồng; năm 2015 dự kiến là 130.000 tỷ đồng.
TS.Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng những con số nói trên là “rất nguy hiểm vì tỷ lệ trả nợ/tổng thu ngân sách đã vượt ranh giới đỏ - ngưỡng an toàn mà Quốc hội cho phép là 25%”.
TS.Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phân tích căn nguyên của nợ công là nhu cầu đầu tư công lớn nhưng ngân sách không cân đối được thu chi. “Thế nhưng bức tranh ngân sách và nợ công nhiều năm nay đã không còn như trước nữa. Thay vì chi nhiều cho đầu tư công thì chi tiêu thường xuyên đang bành trướng rất nhanh với bộ máy quá cồng kềnh”, ông Thành nói. Với bộ máy cồng kềnh hiện nay thì việc Bộ Tài chính hô hào tiết kiệm chi 10% cũng không ăn nhằm gì bởi vì số tiền trả lương cho bộ máy đó quá lớn.
TS.Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng CIEM có ý kiến rằng “Gánh nặng nợ công đang đè lên mỗi người dân, mỗi DN. Cần phải tái cơ cấu ngân sách nhà nước, cắt giảm bộ máy hành chính quá cồng kềnh, kém hiệu quả, cắt giảm chi tiêu lãng phí quá đà”.
Nguồn: Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài Chính) |
Giải pháp tinh giản biên chế, giảm số người hưởng lương ngân sách được rất nhiều chuyên gia kinh tế khác nêu lên. TS.Trần Đình Thiên và TS.Nguyễn Đình Cung Viện trưởng CIEM bổ sung vấn đề này gắn với trách nhiệm cá nhân.
Nghiên cứu của Học viện Chính sách và Phát triển lại đề xuất 12 nhóm vấn đề để kiểm soát an toàn nợ công và giảm áp lực nợ công. Trong đó có giải pháp thoái vốn từ DNNN để giảm áp lực tăng nợ công và nâng cao hiệu quả đầu tư từ nguồn vốn NSNN, nâng cao trách nhiệm cá nhân trong việc phân bổ, quản lý nợ công nếu dự án đầu tư kém hiệu quả do nguyên nhân chủ quan.
Và quan trọng là cần ban hành cơ chế đặc biệt giải quyết các vướng mắc pháp lý và tài chính trong việc bán nợ xấu nhằm xử lý nhanh nợ xấu để ngân hàng đủ điều kiện mở rộng tín dụng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao là điều kiện cốt lõi để đảm bảo an toàn nợ công.
Học viện cũng đề xuất thành lập các cơ quan chuyên trách quản lý nợ công ở cấp Chính phủ và Bộ Tài chính để tập trung các chức năng quản lý, giám sát và thống kê nợ công vào một tổ chức độc lập để nâng cao trách nhiệm giải trình và hiệu quả quản lý giám sát nợ công và thành lập Hội đồng chính sách nợ công cấp quốc gia.
Báo cáo thẩm tra Đoàn thư ký kỳ họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra rằng, nợ công đang có xu hướng tăng cả về quy mô và tốc độ. Tốc độ tăng nợ công nhanh hơn tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước trong khi tốc độ tăng GDP thấp ảnh hưởng tới tính bền vững của ngân sách nhà nước. |