VBSP Diên Khánh - điểm tựa của người nghèo
Vốn mồi ưu đãi giúp dân giảm nghèo | |
Cho vay hiệu quả với người nghèo đô thị | |
4,5 triệu hộ vượt ngưỡng nghèo nhờ tín dụng chính sách |
Kể từ khi thành lập đến nay, Ngân hàng chính sách xã hội (VBSP) huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) luôn nỗ lực thực hiện nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ cho hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách.
Từ nguồn vốn này, VBSP đã giúp cho nhiều hộ trên địa bàn có vốn phát triển sản xuất, đáp ứng hiệu quả cho mục tiêu giảm nghèo, an sinh xã hội. Đồng thời, góp phần mang lại diện mạo kinh tế, xã hội của địa phương phát triển. Đây cũng chính là điểm tựa đáng tin cậy cho người dân.
Gia đình anh Nguyễn Luận vượt qua khó khăn nhờ nguồn vốn của VBSP Diên Khánh |
Qua thống kê năm 2017, VBSP Diên Khánh hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch, trong tổng số 11 chương trình tín dụng chính sách đều thực hiện đạt 100% so với kế hoạch. Trong đó, dư nợ cho vay hộ nghèo đạt 18 tỷ đồng, bình quân dư nợ đạt 27 triệu đồng/hộ, tăng 3 triệu đồng/hộ so với năm 2016. Dư nợ cho vay hộ cận nghèo đạt 31 tỷ đồng, hộ mới thoát nghèo đạt 37 tỷ đồng, nước sạch và vệ sinh môi trường đạt 109 tỷ đồng, học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đạt 30 tỷ đồng và giải quyết việc làm đạt 19,5 tỷ đồng. Riêng chỉ tiêu gửi tiền tiết kiệm đã hoàn thành 117% kế hoạch, trong đó huy động tại điểm giao dịch xã đạt trên 3,2 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Huyền, Giám đốc VBSP Diên Khánh cho biết, ngân hàng luôn đóng vai trò là chiếc cầu nối quan trọng cho các hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách có điều kiện tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo, với mức vay từ 30 triệu đồng nay đã nâng lên thành 50 triệu đồng mà không phải thế chấp tài sản. Chương trình cho vay đa dạng và phong phú, với 11 chương trình.
Bà Huyền chia sẻ, để chuyển tải nguồn vốn ưu đãi có hiệu quả, VBSP Diên Khánh tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, trong đó có Chủ tịch UBND cấp xã là thành viên Hội đồng quản trị VBSP huyện, cùng với sự phối hợp chặt chẽ các tổ chức Hội, đoàn thể các cấp như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên. Từ đó, Phòng giao dịch VBSP huyện Diên Khánh hình thành mạng lưới Tổ Tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn từng thôn, tổ dân phố đưa nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng. Tính đến nay, tổng dư nợ qua các tổ chức hội đạt trên 269 tỷ đồng, tăng trên 27 tỷ đồng so với đầu năm và 15.738 hộ đang còn dư nợ. Đến nay, mạng lưới hoạt động đã hình thành 348 Tổ Tiết kiệm và vay vốn tại 19 xã, thị trấn.
Đơn cử như trường hợp anh Nguyễn Luận, xã Diên An, huyện Diên Khánh. Từ một hộ khó khăn, anh Luận nay đã có cuộc sống khá ổn định, kinh tế vững vàng. Anh Luận tâm sự, là nông dân, nguồn vốn là một trong những yếu tố hết sức quan trọng trong sản xuất. Khoảng 5 năm trước, gia đình anh hết sức khó khăn, chuyện thiếu ăn thường xuyên xảy ra. Được sự quan tâm của VBSP Diên Khánh, gia đình anh vay vốn 30 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi gà trên đệm lót sinh học. Nhờ vay vốn với lãi suất thấp, gia đình anh đã mở rộng sản xuất, số lượng chăn nuôi ngày càng nhiều hơn.
Anh Luận phấn khởi cho biết, lứa đầu tiên chỉ nuôi 500 con, sau hơn 3,5 tháng nuôi đã xuất chuồng, bán với giá gần 50.000 đồng/kg. Do thời điểm đó chi phí thấp nên có lãi và có khoản tiền để trả cho ngân hàng.
Hiện nay, bình quân mỗi đợt gia đình nuôi 3.000 con, nuôi theo hình thức cuốn chiếu, mỗi năm nuôi từ 4-5 đợt, sau 3,5 tháng nuôi gà đạt trọng lượng từ 2-2,2kg/con gà cồ và 1,6-1,8kg/con gà mái với giá bán bình quân 100.000 đồng/con, mỗi năm gia đình anh lãi từ 100 – 150 triệu đồng. Đến nay, gia đình đã xây dựng được cơ ngơi bài bản, nuôi 4 người con ăn học và có công ăn việc làm ổn định. Gia đình anh đã trở thành hộ có kinh tế khá giả và đã thoát nghèo.
Trường hợp của anh Luận là một trong hàng trăm hộ có điều kiện khó khăn, nhờ đồng vốn vay từ VBSP đã phát triển sản xuất vươn lên thoát nghèo bền vững. Có thế nói, các chương trình cho vay tín dụng chính sách triển khai tại Diên Khánh đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương.