Về một đơn vị Anh hùng thời kỳ đổi mới
Vốn ngân hàng “nở hoa” trên biển | |
Agribank chi nhánh Nam Định: Cùng tổ vay vốn làm giàu | |
Agribank Sơn La: Ngân hàng trong ô tô... |
Với những ai được may mắn làm việc dưới mái nhà chung Agribank vào thời điểm cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI hẳn không thể quên sự kiện rất đỗi tự hào của Agribank khi được Chính phủ tuyên dương 3 đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Đó là ba chi nhánh nằm trên ba vùng sản xuất nông nghiệp lớn của đất nước: đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), khu vực Đông Nam bộ và đồng bằng Bắc bộ. Một trong ba điểm sáng đó có Agribank chi nhánh Đồng Nai.
Hành trình vượt khó cùng nông dân
Là tỉnh có nền kinh tế công nghiệp phát triển mạnh, vì thế trong 10 năm đầu đi vào hoạt động, Agribank Đồng Nai gặp nhiều khó khăn trong việc cho vay nông nghiệp. Trong những năm tháng gian khó đó, các thế hệ lãnh đạo và cán bộ nhân viên Agribank Đồng Nai đã vượt lên mọi khó khăn, thách thức, đặt trọn tâm huyết và trí lực vào công việc phát triển thương hiệu Agribank trên địa bàn Đồng Nai.
Trên cương vị là người đứng đầu chi nhánh, ông Nguyễn Tá Thưởng - Giám đốc chi nhánh giai đoạn 1990 - 1997 đã cùng 400 cán bộ, nhân viên chi nhánh vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh đầu tư tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn.
Thời kỳ làm giám đốc chi nhánh huyện Long Thành, ông Nguyễn Tá Thưởng đã lội đồng khắp 5 xã vùng chua phèn chỉ̉ làm một vụ lúa bấp bênh, mỗi năm có hàng nghìn hộ đói mà không cách gì cứu giải. Ông viết Đề án chuyển cây trồng, vật nuôi cho vùng lúa một vụ, nhưng không được duyệt. Cuối cùng ông phải liều làm “chui” với danh nghĩa cho vay tập đoàn nhưng thực tế cho hộ sản xuất ký nợ vay. Bà con sử dụng vốn bao khô, ngăn mặn gần 1.000 ha.
Năm 1988, nông dân được mùa 3 vụ lúa, đồng thời kết hợp nuôi cá chân ruộng. Nông dân no đủ, trả nợ ngân hàng kịp thời. Sự liều lĩnh có tính toán đó đã giúp chi nhánh Đồng Nai đạt tốc độ tăng trưởng rất cao, với nguồn vốn huy động gấp 10 lần, dư nợ tăng 30 lần khi kết thúc năm 1997. Vốn ngân hàng giải quyết việc làm cho hơn 100 nghìn lao động nông nghiệp.
Kế thừa và phát huy những kết quả tích cực của thế hệ đi trước, giám đốc chi nhánh Đồng Nai từ năm 1997, bà Huỳnh Thị Nhân lại ghi dấu ấn với con số tăng trưởng ấn tượng của chi nhánh khi nguồn vốn huy động tăng hơn 20 lần. Từ 60 nghìn hộ vay vốn tăng lên 100 nghìn hộ. Toàn tỉnh có 85% hộ nghèo được vay vốn ưu đãi, có 31 nghìn hộ thoát nghèo. Chỉ số lợi nhuận tăng gấp 500 lần.
Trở lại Đồng Nai vào những ngày giáp Tết Mậu Tuất 2018, sức hút và hấp dẫn lạ kỳ của thành phố công nghiệp này không chỉ bởi sự sôi động mà còn đến từ những câu chuyện chân tình của các chủ DN đã đi lên từ chính sự trợ giúp của “bà đỡ” Agribank.
Đến bây giờ chị Nguyễn Thị Thu Hà - Giám đốc Công ty sản xuất bao bì xuất khẩu Newstar vẫn không thể nào quên được hình ảnh chị Huỳnh Thị Nhân, lúc đó là Giám đốc Agribank chi nhánh khu công nghiệp Tam Phước (sau này là Giám đốc Agribank Đồng Nai) đội mưa, vượt đường lầy lội xuống với DN để thẩm định cho vay vốn. Những khoản vay đầu tiên đã qua mưa, gió để đến với DN, giúp DN đi vào sản xuất và có một hướng đi vững chắc hơn. Trời không phụ lòng người khi chỉ vài năm sau Newstar trả được hết nợ, khẳng định được vị thế trên thương trường, sản phẩm được nhiều DN FDI lựa chọn.
Chị Hà cho biết: “Bên cạnh đó, nhân viên ngân hàng chuyên nghiệp, nhiệt tình với khách hàng, nhanh chóng phê duyệt hồ sơ, dự án vay vốn của DN nắm bớt thời cơ kinh doanh. Chính nhờ có ngân hàng mà công ty và cá nhân tôi phát triển được đến hôm nay. Đây cũng chính là lý do để chúng tôi gắn bó với ngân hàng. Họ đã làm tốt, tại sao cần “thay đổi”, phải thủy chung chứ?!”. Thủy chung, đó có lẽ là món quà lớn nhất dành cho ngân hàng từ chính những khách hàng của mình.
Kênh dẫn vốn chủ lực trên địa bàn Đồng Nai
Đến thăm trại nuôi cá giống của ông Nguyễn Hoàng Vĩnh tại Tân Thạch (Biên Hòa, Đồng Nai), được biết, trong suốt thời gian qua ông luôn lựa chọn Agribank để vay vốn làm ăn, phát triển kinh tế hộ gia đình theo mô hình vườn - ao - chuồng. Thời điểm hiện tại, gia đình ông đang vay vốn Agribank Long Khánh khoảng 1,6 tỷ đồng để nhập khẩu cá giống và thức ăn chăn nuôi.
Kể từ khi chuyển sang nuôi cá giống cung ứng cho các hộ nuôi trong vùng và các tỉnh lân cận, gia đình ông Vĩnh luôn tin tưởng vay vốn của Agribank để đầu tư với quy mô đầu tư khoảng 3,2 tỷ đồng/ha. Do được Agribank tạo điều kiện thẩm định và hướng dẫn thủ tục vay vốn - hoàn vốn nhanh gọn, đầy đủ, trong 5 năm qua, nguồn vốn Agribank luôn là điểm tựa giúp ông Vĩnh đảm bảo hài hòa, cân đối nguồn vốn đầu tư phát triển với quy mô cung ứng cho thị trường lên đến khoảng 500 triệu con cá bột/năm.
“Trong bối cảnh thị trường chăn nuôi nói chung và thị phần cá giống tại Đồng Nai có nhiều biến động tiêu cực, bấp bênh như trong thời gian qua, nếu không có nguồn vốn vay ổn định của Agribank thì chúng tôi không thể mạnh dạn lên kế hoạch đầu tư, định hình, định hướng lại thị trường và nắm bắt những cơ hội phát triển”, ông Vĩnh chia sẻ.
Đánh giá về những đóng góp của Agribank Đồng Nai, bà Hoàng Thị Bích Hằng - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai cho biết, cùng với Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn tín dụng của Agribank đã và đang là một trong những nguồn vốn vay quan trọng cho các hộ nông dân tiếp cận, triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế hộ, đóng góp vào công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Lũy kế từ trước đến nay, Agribank Đồng Nai đã cho vay vốn khoảng 176 tỷ đồng cho khoảng 3.941 hộ nông dân. Chất lượng tín dụng nhìn chung đảm bảo, từng ấp, từng khu phố có chi hội trưởng nên việc hỗ trợ cán bộ ngân hàng thẩm định hồ sơ vay vốn rất nhanh chóng, thuận lợi. Nhất là với sự sát sao của các chi hội trưởng này, tỷ lệ nợ xấu, nợ quá hạn không nhiều.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều bà con nông dân mặc dù có đất sản xuất nhưng chưa làm sổ đỏ nên không có để thế chấp ngân hàng vay vốn với quy mô lớn. Theo bà Hằng, hiện nay nông dân vẫn chủ yếu là vay tín chấp, thủ tục đơn giản với quy mô 30 - 50 triệu đồng. Do đó, mong muốn của Hội Nông dân là tới đây, Agribank có thể nới rộng quy chế để tạo điều kiện cho hộ nông dân vay vốn tối đa theo nhu cầu làm ăn và phát triển kinh tế.
Chia sẻ về hoạt động của Agribank Đồng Nai trong thời gian tới, ông Nguyễn Huy Trinh - Giám đốc chi nhánh cho biết: do mức độ cạnh tranh của các TCTD trên địa bàn ngày càng lớn, trong khi đó Agribank vẫn xác định mục tiêu định hướng năm 2018 và các năm tiếp theo công tác tín dụng vẫn hướng trọng tâm vào thị trường nông nghiệp, nhưng cần hướng đến đầu tư mạnh cho nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao. Do đó, cần tiếp tục đẩy mạnh vốn cho vay trong lĩnh vực này, thực hiện tốt công tác cho vay theo Nghị định 55, mở rộng tìm kiếm khách hàng DNNVV, chủ trang trại và các hộ kinh doanh thương mại, dịch vụ quy mô lớn nhằm tăng trưởng tín dụng một cách chủ động, có hiệu quả.
Ông Nguyễn Huy Trinh nhấn mạnh, mặc dù tình hình còn khó khăn nhưng Agribank Đồng Nai luôn sẵn sàng hỗ trợ, đồng hành cùng bà con nông dân nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống cho người nông dân; cũng như Agribank dù ở đâu và vào bất kỳ thời điểm nào, luôn là TCTD gắn bó bền chặt và thủy chung cùng người nông dân và khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Nhìn lại hành trình 30 năm xây dựng và phát triển Agribank Đồng Nai đã có nhiều thế hệ lãnh đạo, cán bộ, đồng nghiệp luôn bền bỉ lao động sáng tạo, cống hiến, góp phần làm nên sự nghiệp của Agribank ngày nay - một ngân hàng được sinh ra với sứ mệnh phát triển nông nghiệp - nông dân - nông thôn. Sứ mệnh đáng tự hào đó sẽ còn tiếp nối trong mỗi cán bộ viên chức Agribank các thế hệ mai sau.