Vị đắng hạt gạo
Gia hạn thỏa thuận xuất khẩu gạo với Philippines đến 2018 | |
Cầu thị để phát triển | |
Tiếp tục "cởi trói" cho hạt gạo |
1. Quê ngoại tôi ở Bưởi Nồi (xã Đại Bái, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh), nơi có nghề gò, đúc đồng nổi tiếng. Sống giữa làng nghề, bà ngoại quen với đe búa chứ không rành làm nông, như kiểu nhúm hạt gạo rơi vào lòng bàn tay nhìn biết qua bao kỳ nắng hạn, hay mưa tràn.
Ngoại mất lúc mới gần 40 tuổi. Như nhiều phụ nữ Kinh Bắc vốn nổi tiếng là tần tảo, sinh thời bà là một thợ gò đồng giỏi có tiếng “trong làng ngoài xã”. Chân quặp miếng đồng cắt ra từ cát-tút đạn pháo, hai tay giã búa mà bà có thể gò lên thành chiếc chậu thau viền tròn vành, hay nồi đồng khum miệng…
Ảnh minh họa |
Những quãng ngắt-nối thời sống ở làng nghề, tuổi thơ tôi những ngày sơ tán, hay mỗi mùa hè về quê chỉ quanh quẩn bờ ao, góc vườn. Sợi nhớ về quê hương còn in đậm tiếng chát, chịch từ đầu làng đến cuối ngõ. Ký ức về cây lúa chỉ là những buổi trưa đội nắng cháy ra đồng thăm mộ bà, ngắt cây lúa trổ đòng nhấm nháp vị ngọt sữa hạt gạo, lội nước góc ruộng nóng như hun và té nước đuổi lũ cá rô lao vun vút khi thoáng thấy bóng người...
Chỉ cách Hà Nội hơn 3 chục cây số, nhưng mỗi lần về quê mất rất nhiều thời gian. Đường về phải qua cầu Long Biên, thời xưa chỉ chạy ô tô từng chiều một và dừng hai chiều mỗi lần hỏa xa phun khói qua các phiến thép mặt cầu, nên nhiều lần đứng đợi hàng tiếng đồng hồ chỉ để đi hết đoạn đường chừng hai cây số. Những buổi chiều về chờ tàu bên kia sông Hồng, thỉnh thoảng lũ trẻ được người lớn mua cho cái bánh đa Kế, chao ơi là giòn và thơm mùi gạo nướng, vừng bùi...
Lũ con nít giờ không thể hình dung được những giây phút tuổi thơ như thế nữa. Những cây cầu, nhiều con đường mới đã kéo các miền quê lại gần thành thị, nhưng cá rô đồng chẳng còn lao ruộng và sữa hạt gạo ít ai dám nhấm…
2. Mấy thập kỷ mở cửa kích hoạt một nền sản xuất lúa gạo quy mô lớn, đưa Việt Nam từ nước thiếu gạo ăn đến xuất khẩu hàng đầu trên thế giới. Tuy thế, những “gót chân Achilles” của gạo Việt bắt đầu hé lộ. Khi sự thúc ép của năng suất được đẩy lên dần đến đỉnh điểm thì cũng là lúc phân bón, thuốc trừ sâu các loại ngày càng được nhập khẩu về nhiều để “chiều lòng” nhà nông.
Nhưng, những hạt gạo được đánh bóng “như gương” giờ kém ngọt. Và còn một nỗi niềm chất chứa nữa là ai cũng láng máng lo dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất... Giờ đây, từng thìa cháo bón cho đứa nhỏ ăn dặm rất có thể là từng thìa “thuốc độc”, bào mòn dần sức khỏe và trí tuệ của tương lai dân tộc?
Trên thực tế, hạt gạo Việt đang rất cần một “lối thoát” để qua khỏi tình hình hiện tại, bởi xu hướng suy thoái sản xuất đã có nhiều biểu hiện nghiêm trọng hơn trước. “Tình hình xuất khẩu gạo vẫn bế tắc do thiếu vắng nhu cầu nhập khẩu lớn”, báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề cập như một lời cảnh tỉnh.
Số liệu sụt giảm hiển hiện trên các thống kê. Cụ thể là khối lượng gạo xuất khẩu năm 2016 chỉ đạt khoảng 4,88 triệu tấn với kim ngạch khoảng 2,2 tỷ USD, giảm 25,8% về khối lượng và giảm 21,2% về giá trị so với năm 2015.
“Nhìn lại cả năm 2016, năm qua được xem là một năm u ám đối với ngành lúa gạo Việt Nam, với xuất khẩu gạo trì trệ kéo theo giá lúa, gạo giảm...”. Có cảm giác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang trĩu nặng tâm tư khi đưa ra nhận xét nêu trên. Nhưng triển vọng các vụ tới có thể còn khó khăn hơn nữa.
Thật chua chát, ở vị thế là một trong những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, nhưng chỉ mới đây thôi, một địa phương thuộc khu vực vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long đã phải cử đoàn công tác sang Campuchia - quốc gia đi sau rất nhiều so với Việt Nam về xuất khẩu gạo - để học tập kinh nghiệm làm lúa gạo chất lượng cao!?
3. Giống, kỹ thuật trồng cấy, hay chăm bón thực sự không phải là những điều mà mỗi bà vợ Việt mỗi lúc vo gạo, chắt cặn, lấy nước cho vừa với gạo mới, gạo cũ có thể cảm nhận được. Hạt gạo đặt trong tổng thể nền nông nghiệp Việt Nam còn liên quan đến câu chuyện quy hoạch.
Cuối năm ngoái, tôi có dịp lên Cao Phong (tỉnh Hòa Bình) công tác. Gặp đúng mùa cam đặc sản của vùng đất này, bữa ăn nào cũng nhẩn nha mỗi người một quả tráng miệng, rồi quà bánh mang về cũng đầy cốp xe toàn cam.
Chỉ là một thị trấn nhỏ vùng cao nhưng từ một sản vật ngon nức tiếng mà Cao Phong đã sản sinh ra nhiều tỷ phú trẻ. Đó là Bùi Cảnh Hưng từng qua những năm chăn bò thuê, bán mía thâm tay ở Minh Khai (Hà Nội) để rồi sau vài năm khai phá đất đồi mà làm nên cơ nghiệp, với nhà 4 tầng giữa trung tâm thị trấn và ô tô con mới sắm. Ông chủ của hơn 9ha cam ở Cao Phong, trong đó một nửa diện tích cho thu hoạch này vào năm ngoái thu hơn 6 tỷ đồng tiền bán cam, lãi ròng cũng tiền tỷ.
Sang đến mùa này, cam Cao Phong đã thành thương hiệu bán khắp các thành phố lớn, đi vào tận miền Trung, miền Nam rồi. Nhìn từng trái cam ngọt và thơm tôi lại nhớ đến nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình, ông Bùi Hải Quang, trong lần về làm việc cách đây mấy năm đã từng trăn trở, cây cam Cao Phong giá trị cao là thế, tỉnh cũng hỗ trợ làm chỉ dẫn địa lý để nâng tầm cho thương hiệu đặc sản này, nhưng còn “kẹt” quy hoạch đất lúa nên chưa phát triển mạnh được…
Mong muốn chuyển đổi cây trồng không chỉ có ở trường hợp của Cao Phong, mà là của nhiều địa phương khác. Tại một số tỉnh phía Bắc, diện tích gieo trồng đang có dấu hiệu giảm sút, năng suất lúa cũng kém hơn trước kéo theo sản lượng thấp xuống. Trong khi đó ở các tỉnh phía Nam, hạn hán và xâm nhập mặn đang đe dọa sự bền vững của toàn ngành trồng trọt, trong đó lúa gạo bắt đầu chịu tác động chuyển vụ và giảm diện tích trồng...
Thảng hoặc trong những cuộc trò chuyện với các chuyên gia ngành quy hoạch, vẫn thấy những trăn trở như thế. Những câu chuyện về từng diện tích đất lúa không còn khả năng nuôi sống người nông dân, nhưng chuyển đổi cây trồng lại khó khăn. Đó là vấn đề rất lớn đối với nhiều miền quê hiện nay.
Giống “chất” không theo kịp, đành cạnh tranh giá rẻ bằng năng suất cao với hạt gạo cứng và nhạt. Nhưng thị trường tiêu dùng không có chỗ cho chất lượng gạo thấp, khi mà cuộc chơi “low cap” (ăn ít tinh bột) đang trải dài theo khắp Việt Nam. Người ta giờ đây cần gạo trắng, cơm ngon hơn là giá rẻ và số lượng dễ kiếm. Thị trường xuất khẩu cũng đã bắt đầu “kén chọn” hạt gạo hơn.
4. Hôm rồi về quê đi đám, dọc con đường ra đồng giờ đã thảm bê tông nên chẳng còn phải lội ruộng. Mấy bạn đồng niên với tôi kể lại chuyện chạy đồng chơi năm cũ, nhớ những sản vật từ nếp thơm quê mình như bánh phu thê Đình Bảng, bánh khúc làng Diềm, bánh tro Đình Tổ chỉ được ăn sau mỗi mùa gạo mới; hay như bánh tẻ làng Chờ từng nóng môi buổi về Hội Lim mà xao xuyến mãi.