Tiếp tục "cởi trói" cho hạt gạo
Bãi bỏ Quy hoạch Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo | |
Đẩy mạnh chuỗi sản xuất lúa gạo bền vững ở Việt Nam | |
Đẩy mạnh thu mua, tiêu thụ lúa gạo |
Ảnh minh họa |
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, trong bối cảnh xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp khó khăn, sức cạnh tranh yếu, sản lượng sụt giảm, việc xóa bỏ những thủ tục gây khó cho doanh nghiệp là việc không thể không làm. Đồng thời còn nhằm tạo cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp giúp họ tiếp cận thị trường tốt hơn.
Theo quyết định này Ban soạn thảo sẽ do Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh làm Trưởng ban soạn thảo; Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương làm Thường trực Ban soạn thảo. Thành viên của Ban soạn thảo sẽ gồm lãnh đạo các Vụ/cục thuộc Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Kế hoạch và Đầu Tư, Tài chính, Tư Pháp, Ngân hàng Nhà nước, lãnh đạo các đơn vị trong Bộ Công Thương có liên quan… Bên cạnh đó, lãnh đạo của Hiệp hội Lương thực Việt nam và đại diện của 19 tỉnh thành trong đó có TP HCM, Thái Bình, bác Liệu, An Giang, Sóc Trăng… cùng tham gia Ban soạn thảo này. |
Việc sửa đổi nghị định sẽ được tiến hành khẩn trương quyết liệt để báo cáo Chính phủ trong Quý II/2017.
Bộ Công Thương cho biết, dự kiến trong dự thảo sửa đổi sẽ có điều chỉnh về khung pháp lý và thể chế nhằm tạo điều kiện giúp doanh nghiệp hội nhập sâu và hiệu quả với thị trường thế giới đặc biệt trong bối cảnh thị trường gạo thế giới đang ngày càng khó khăn, thị trường do người mua quyết định cũng như tình trạng mất cân đối cung - cầu bắt buộc phải tính toán để giải phóng lực lượng sản xuất nhất là các doanh nghiệp tham gia kinh doanh trên thị trường thế giới.
Thêm vào đó, các ngành chức năng sẽ có những đánh giá lại thị trường để tìm ra những điểm mạnh và hạn chế trong việc cạnh tranh với các đối thủ xuất khẩu gạo khác, từ đó có những định hướng về thị trường tốt hơn, nghiên cứu các giải pháp để hình thành các chuỗi và có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa người nông dân với doanh nghiệp chể biến và doanh nghiệp cung ứng xuất khẩu.
Được biết năm 2016, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã không đạt được mục tiêu đề ra. Giá trị và lượng xuất khẩu mặt hàng này giảm khá mạnh so với cùng kỳ. Chiều đi xuống vẫn là xu thế ám ảnh đối với hạt gạo của Việt Nam.
Theo Tổng cục Thống kê, tính đến hết ngày 15/12/2016, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt 4,68 triệu tấn, kim ngạch đạt 2,1 tỷ USD. Lượng và giá trị gạo xuất khẩu giảm khoảng 1,62 triệu tấn và 600 triệu USD so với cùng kỳ năm 2015.
Điều đáng buồn là xuất khẩu gạo của Việt Nam ngày càng có xu hướng giảm về giá trị, thu hẹp về thị trường. Có nhiều nguyên nhân khiến xuất khẩu gạo giảm nhưng trong đó đáng chú ý là nhiều thị trường nhập khẩu chính đã từ bỏ nhập khẩu diện Nghị định thư như Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Banglades do đó xuất khẩu gạo chỉ phụ thuộc vào các doanh nghiệp đầu mới và thương nhân (diện tiểu ngạch).
Thêm vào đó, trên thị trường xuất khẩu gạo vẫn còn thiếu vắng các liên kết ngang giữa các công ty (ví dụ như trong việc đàm phán giá lúa gạo xuất khẩu) và liên kết dọc với các công ty cung ứng đầu vào cho sản xuất. Xu hướng xây dựng vùng nguyên liệu hiện được thực hiện rất “gượng ép” do các doanh nghiệp chủ yếu dựa vào nguồn cung sẵn có trên thị trường, sản phẩm xuất khẩu không có sự khác biệt lớn, rủi ro về lợi nhuận cao do thị trường đầu ra không ổn định.
Trong những năm vừa qua, một loạt các chính sách được ban hành tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới hành vi của các chủ thể trên thị trường lúa gạo. Tuy nhiên, các chính sách được thiết kế cũng bộc lộ nhiều bất cập và không đạt được kết quả như kỳ vọng.
Bởi vậy, cần tiếp tục tạo thuận lợi cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh xuất khẩu gạo, góp phần thúc đẩy xuất khẩu gạo và tăng cường tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa cho người nông dân.