Ví điện tử: Trăm người bán…
“Không tiền mặt” lợi gì? | |
Người tiêu dùng cần gì ở ví điện tử? |
Ví điện tử xuất hiện ngày càng nhiều nên sức ép cạnh tranh rất lớn |
Hiện NHNN đã cấp phép cho 26 tổ chức không phải là ngân hàng được cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Tính đến 31/12/2018, các tổ chức trung gian thanh toán đã cung ứng 4,24 triệu ví đã được xác thực, có sự liên kết với tài khoản ngân hàng/gần 9 triệu ví đăng ký. Hiện cả nước có 10.000 đơn vị chấp nhận thanh toán ví điện tử. Năm 2018 hệ thống các công ty trung gian thanh toán đã xử lý 214 triệu món, tăng 14,66% so với 2017 với giá trị 91.000 tỷ đồng.
Các ví điện tử liên tục ra đời như “nấm sau mưa”, nổi bật lên một số ví như MoMo, ZaloPay, GrabPay by Moca, Viettel Pay, AirPay… là những ví điện tử đã phần nào khẳng định được vị thế trên thị trường nhưng cũng không ngừng tung ra chiêu thức nhằm thu hút khách hàng.
Ví MoMo thuộc Công ty cổ phần dịch vụ Di động Trực tuyến (M_Service) “lấy lòng” người dùng bằng việc tặng thẻ điện thoại, thanh toán các dịch vụ tiện ích… trị giá lên tới 500 nghìn đồng đối với người dùng liên kết tài khoản ngân hàng lần đầu tiên tại MoMo. Nếu giới thiệu 3 người trở lên sử dụng MoMo khách hàng được nhận ngay 100 nghìn đồng vào ví MoMo. Ngoài ra, người dùng còn được hưởng một loạt ưu đãi như tặng 5% nạp tiền điện thoại và khuyến mãi cho thẻ nạp game, mua vé xem phim chọn chỗ ngồi đẹp trước ba ngày… Đặc biệt MoMo có chức năng chuyển tiền, khách hàng chỉ cần nhớ số di động khi thực hiện đồng bộ danh bạ trên ví MoMo.
Ví điện tử AirPay - sản phẩm của Công ty cổ phần Phát triển Thể thao Điện tử Việt Nam (Vietnam Esports) lại tận dụng ưu thế khi trở thành kênh đặt hàng và thanh toán chính thức của Foody cùng dịch vụ giao đồ ăn Now. Ngoài các tiện ích như các ví điện tử khác, AirPay còn hỗ trợ nhiều dịch vụ thanh toán trực tuyến, hướng tới người dùng trẻ và game thủ, thu hút các game thủ với mức chiết khấu và ưu đãi cao do đơn vị chủ quản là nhà phát hành game online lớn tại Việt Nam.
Chiến lược thanh toán trực tuyến ngay trên giao diện trò chuyện giữa hai người dùng Zalo được ZaloPay tung ra đầu tháng 11/2018 với tên gọi "Đại chiến xâu tiền - Giành liền 100 triệu đồng". Cụ thể, người dùng ZaloPay có thể chuyển tiền, thanh toán, lì xì cho nhau ngay trên khung chat Zalo. Ví Moca trên ứng dụng Grab là hình thức ví thanh toán điện tử mới nhất được thiết kế cho người sử dụng Grab tại Việt Nam tung ra ưu đãi hoàn ngay 30.000 đồng khi thực hiện giao dịch từ 100.000 đồng, đồng thời ưu đãi lên tới 50% đối với khách hàng sử dụng dịch vụ Grap và GrapFood.
Bên cạnh đó nhiều ví điện tử đang tận dụng triệt để nền tảng về hệ sinh thái sẵn có để bứt phá trong cuộc đua này. Trong khi ví MoMo có thế mạnh đối tác đông đảo thì Viettel Pay đang tận dụng hệ thống phân phối rộng lớn. AirPay có khách hàng chủ lực đến từ hệ thống phòng game của Garena còn GrabPay by Moca lại khai thác lượng người dùng khổng lồ từ ứng dụng Grab. Riêng ZaloPay lại sở hữu một cộng đồng người dùng Zalo sẵn có trên 100 triệu thành viên trên toàn cầu. Nhờ vậy, những ví điện tử này trở thành các “ông lớn” trong cuộc đua khốc liệt trên thị trường thanh toán điện tử.
TS-LS. Bùi Quang Tín - Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng: “Cạnh tranh giữa ví điện tử sẽ là một cuộc đua rất gay gắt từ giờ đến năm sau. Rõ ràng để chiếm lấy thị phần, các ví điện tử cần đẩy mạnh truyền thông về các tiện ích, an toàn, bảo mật cho người dân để tạo niềm tin với khách hàng”.
Trong cuộc cạnh tranh giữa các ví, người dùng sẽ được hưởng lợi nhất. Đầu tiên là phí dịch vụ sẽ giảm trong khi các tiện ích ngày càng đa dạng. Anh Phạm Văn Bình (23 tuổi, nhân viên văn phòng) cho biết: Mình đang sử dụng hai ví điện tử là ví MoMo và Viettel Pay. Có rất nhiều tiện ích ở ví điện tử như mình có thể nạp thẻ điện thoại và được chiết khấu phần trăm, nạp thẻ game, thanh toán các hóa đơn ăn uống, vé xem phim và luôn được ưu đãi đi kèm. Mình thấy khá hài lòng khi sử dụng các ví điện tử này, chưa xảy ra lỗi nào khi sử dụng…
Có thể nói, trong giai đoạn hiện nay khi ngành Ngân hàng đang đẩy mạnh triển khai Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 - 2020 thì sự ra đời và phát triển của các ví điện tử là tất yếu. Tuy nhiên, với tâm lý người dân còn e ngại về độ an toàn của các dịch vụ thanh toán trực tuyến, đồng thời thói quen sử dụng tiền mặt từ lâu thì bên cạnh việc gia tăng tiện ích, các ví phải đặc biệt chú trọng đến bảo đảm an toàn, bảo mật cho khách hàng mới có thể phát triển nhanh, bền vững được.
Theo khảo sát của PwC, Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2018 với tỷ lệ người tiêu dùng sử dụng di động để thanh toán hàng hóa dịch vụ đã tăng từ 37% lên 61%. Trong khi theo Vụ Thanh toán (NHNN), thanh toán qua Mobile quý I/2019 tăng 232% về giá trị và 98% về số lượng so với quý I/2018. Những con số này cho thấy mảnh đất dành cho các phương tiện thanh toán điện tử đang trở nên sôi động hơn bao giờ hết. |