Vì nhân dân, vì doanh nghiệp
Niềm tin cho doanh nghiệp đã vững vàng | |
Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh | |
Thiếu động lực thúc doanh nghiệp tự lớn |
Năm 2016 đi qua đánh dấu chặng đường đầu tiên của Chính phủ mới với những quyết sách mới, hành động mới và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Thưa Phó Thủ tướng, đâu là những kết quả đáng kể nhất trong năm qua?
Thực hiện các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai toàn diện, đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2016, đồng thời tập trung ban hành các cơ chế, chính sách phát triển cho giai đoạn 2016 - 2020.
Trong năm, bên cạnh những thuận lợi, chúng ta đã đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tăng trưởng kinh tế, thương mại toàn cầu thấp hơn so với dự báo; giá nhiều hàng hóa cơ bản và giá dầu thô ở mức thấp. Thiên tai, rét đậm, rét hại ở phía Bắc, hạn hán kéo dài ở Nam Trung bộ, Tây Nguyên, xâm nhập mặn chưa từng có ở Đồng bằng sông Cửu Long, bão lũ và sự cố ô nhiễm môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung đã ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế - xã hội nước ta, nhất là sản xuất và đời sống của người dân.
Song với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội nước ta chuyển biến tích cực và đạt được kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực.
Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng. Tín dụng tiếp tục được mở rộng, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, mặt bằng lãi suất ổn định, dự trữ ngoại hối đạt mức cao kỷ lục.
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản từ chỗ tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm đã phục hồi, ổn định và đạt mức tăng trưởng 1,36% cho cả năm 2016. Khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo hồi phục mạnh, tăng 11,9%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,2%. Xuất khẩu tuy có khó khăn, nhưng vẫn tăng 8,6% và có xuất siêu, đã có chuyển biến tích cực về cơ cấu mặt hàng theo hướng nâng cao chất lượng. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tăng 9%, đạt mức cao nhất về giải ngân nguồn vốn này từ trước tới nay.
Năm 2016 cũng là năm lần đầu tiên nước ta vượt mức thu hút 10 triệu khách quốc tế/năm, với lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng 26%, tạo đà cho việc thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020.
Trong năm 2016, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt mức kỷ lục với 110.100 doanh nghiệp, tăng 16,2%, số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới cũng tăng 27,5% so với năm 2015 khi đạt mức 8,1 tỷ đồng/doanh nghiệp. Thành công này tạo ra tiền đề vững chắc để Chính phủ thực hiện mục tiêu phát triển ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020, gấp đôi số lượng doanh nghiệp vào cuối năm 2015.
Năm nay, Chính phủ đề cao tinh thần liêm chính, kiến tạo, phát triển, hành động vì nhân dân, vì doanh nghiệp, được cụ thể hóa bằng các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, vốn, thuế cho doanh nghiệp trong thời gian qua.
Chính phủ cũng luôn đề cao phương châm lời nói đi đôi với hành động; đã tổ chức Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2016, ban hành Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, Nghị quyết 60 về đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.
Thực hiện các giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý kịp thời hơn các kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Có chính sách đặc thù để tạo đột phá phát triển cho nhiều địa phương. Công tác xúc tiến đầu tư được triển khai hiệu quả hơn. Đã tạo được niềm tin và không khí phấn khởi của người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng đánh giá thế nào về công tác điều hành vĩ mô năm 2016 nói chung và đánh giá về sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ?
Năm 2016, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng linh hoạt, hiệu quả, phối hợp với chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách. Chúng ta đã giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo môi trường và động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được bảo đảm và khá ổn định; dự trữ ngoại hối và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng…
Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Các cân đối lớn của nền kinh tế chưa thật vững chắc; tiến độ thu ngân sách đạt thấp, nhất là thu ngân sách Trung ương; buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng chưa được xử lý dứt điểm; hoạt động của doanh nghiệp còn khó khăn; đời sống một bộ phận người dân ở các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng thiên tai, bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, vùng bị ô nhiễm môi trường, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn…
Chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã có sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả, qua đó giúp NSNN hoàn thành sớm kế hoạch phát hành 250.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ và điều chỉnh lần 2 về kế hoạch phát hành các loại trái phiếu Chính phủ năm 2016 tăng lên mức 281.000 tỷ đồng, với lãi suất giảm góp phần tiết kiệm chi phí huy động vốn cho NSNN.
Với chỉ đạo, điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chúng ta đã hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Quốc hội đề ra, làm tiền đề để nền kinh tế phát triển trong những năm tiếp theo.
Vậy còn hiệu quả trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong năm 2016 thì sao, thưa Phó Thủ tướng?
Nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 có đặt mục tiêu: “Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý. Điều hành tỷ giá phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính - tiền tệ trong và ngoài nước; thực hiện các biện pháp để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ cho doanh nghiệp; tăng dư nợ tín dụng phù hợp và bảo đảm chất lượng tín dụng, kiểm soát chặt chẽ đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro”.
Trong năm 2016, Chính phủ đã chỉ đạo ngành Ngân hàng triển khai nhiều giải pháp cụ thể và đạt một số kết quả tích cực như: (1) Điều hành cung tiền hợp lý, hỗ trợ ổn định tỷ giá và việc phát hành trái phiếu Chính phủ, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát lạm phát. (2) Thực hiện linh hoạt các giải pháp điều hành, mặt bằng lãi suất huy động được giữ ổn định, qua đó giảm sức ép lên lãi suất cho vay của các TCTD. (3) Điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt trên cơ sở bám sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước, phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ và thực hiện đồng bộ các công cụ để hỗ trợ tỷ giá khi cần thiết, thị trường ngoại tệ diễn biến tích cực, thị trường vàng diễn biến ổn định.
Chất lượng tín dụng được bảo đảm, tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu đề ra, góp phần quan trọng vào hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Chúng ta đã hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu kinh tế, xã hội mà Quốc hội đề ra, làm tiền đề để nền kinh tế phát triển trong những năm tiếp theo. |
Tái cơ cấu và xử lý nợ xấu hệ thống ngân hàng thời gian vừa qua đã có những cố gắng để bảo đảm hệ thống TCTD vẫn hoạt động ổn định, cung cấp vốn cho nền kinh tế; xử lý một số TCTD yếu kém… Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn còn một số vướng mắc. Chính phủ nhìn nhận các vấn đề này như thế nào?
Trong giai đoạn 2012-2016, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp xử lý nợ xấu như: Xây dựng và thực hiện Đề án cơ cấu lại các TCTD, xử lý nợ xấu của cả hệ thống và của từng TCTD; hoàn thiện cơ chế, chính sách về xử lý nợ xấu; theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu mới phát sinh.
Tại thời điểm 30/9/2012, tổng nợ xấu của các TCTD là 464.664 tỷ đồng, tương đương 17,21% tổng dư nợ tín dụng. Đến tháng 8/2016, nợ xấu nội bảng của các TCTD là 2,66%. Trong tổng nợ xấu đã được xử lý, các TCTD đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) trên 40%, còn lại tự xử lý bằng nhiều giải pháp như thu hồi nợ, đảo nợ, bán nợ, sử dụng dự phòng rủi ro...
Tuy nhiên công tác xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn, vướng mắc như: Khuôn khổ pháp lý, nhất là xử lý tài sản bảo đảm còn nhiều bất cập; năng lực của VAMC còn hạn chế; thị trường mua bán nợ chưa phát triển; nguồn lực để xử lý nợ xấu còn rất hạn hẹp... Vì vậy nợ xấu của toàn hệ thống TCTD (bao gồm số đã bán cho VAMC) còn cao, xử lý nợ xấu chưa thực chất.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng xong Đề án tái cơ cấu TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, trong thời gian tới, cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm như: Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý nợ xấu, nhất là về tài sản bảo đảm, thu hồi nợ, thu giữ tài sản, phát mại tài sản, định giá tài sản, trong đó chú trọng cải cách thủ tục tố tụng, xử lý các vụ án, giải quyết tranh chấp có liên quan đến tài sản bảo đảm; phát triển khung pháp lý cho thị trường mua bán nợ, thực hiện mua nợ xấu theo giá thị trường. Xây dựng, trình Quốc hội Luật Hỗ trợ tái cơ cấu TCTD và xử lý nợ xấu.
Cùng với đó là huy động, bố trí nguồn lực phù hợp cho tái cơ cấu TCTD và xử lý nợ xấu. Tăng cường tiềm lực tài chính và nguồn nhân lực cho VAMC; Nâng cao hiệu lực hiệu quả thanh tra, giám sát các TCTD, xử lý căn bản tình trạng sở hữu chéo. Yêu cầu các TCTD tập trung thực hiện các giải pháp tự xử lý nợ xấu theo đề án được duyệt, đồng thời nâng cao năng lực tài chính, hiệu quả hoạt động, bảo đảm công khai minh bạch theo quy định của pháp luật, từng bước tiếp cận chuẩn mực quốc tế.
Đối với các ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần yếu kém, mua lại 0 đồng, giám sát đặc biệt: Tiếp tục giám sát chặt chẽ hoạt động, đẩy mạnh cơ cấu lại; xây dựng phương án xử lý các NHTM đã mua lại 0 đồng và thực hiện giám sát đặc biệt, trình cấp có thẩm quyền để triển khai thực hiện theo nguyên tắc khẩn trương nhưng thận trọng, phù hợp với cơ chế và nguyên tắc thị trường, bảo đảm quyền lợi của cá nhân người gửi tiền và an toàn của hệ thống ngân hàng, TCTD.
Năm nay, Chính phủ đề cao tinh thần liêm chính, kiến tạo, phát triển, hành động vì nhân dân, vì doanh nghiệp |
Thưa Phó Thủ tướng, những năm qua chúng ta đã có nhiều giải pháp để khôi phục nền kinh tế, nhưng vì sao nền kinh tế vẫn ở trong tình trạng khó khăn, chưa đạt được mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững như hiện nay?
Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; thúc đẩy tăng trưởng. Tình hình kinh tế - xã hội nước ta chuyển biến tích cực và đạt được kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực.
Tuy nhiên, sản xuất kinh doanh còn không ít khó khăn. Triển khai kế hoạch vốn đầu tư công chậm. Một số dự án sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả thấp; nợ đọng xây dựng cơ bản lớn. Quản lý sử dụng tài sản công, chi tiêu công còn lãng phí. Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn. Nợ xấu còn cao, xử lý nợ xấu chưa đạt hiệu quả như mong muốn...
Tái cơ cấu nhiều ngành, lĩnh vực còn chậm. Xử lý nợ xấu và các NHTM yếu kém gặp nhiều khó khăn, kết quả thấp. Các thị trường vốn, chứng khoán, bất động sản phát triển chưa bền vững. Tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN, thoái vốn đầu tư ngoài ngành chưa đạt kế hoạch. Số lượng doanh nghiệp được cổ phần hóa lớn nhưng tỷ lệ vốn bán ra đạt thấp.
Một số DNNN hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, chưa công khai minh bạch kết quả sản xuất kinh doanh; nhiều dự án đầu tư lớn của các tập đoàn, tổng công ty chậm tiến độ, thua lỗ, lãng phí, phải dừng đầu tư, dừng hoạt động; công tác quản lý cán bộ còn nhiều bất cập, chưa kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm, có trường hợp để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.
Tái cơ cấu nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ ở nhiều địa phương triển khai còn lúng túng. Xây dựng nông thôn mới ở một số nơi chưa quan tâm đúng mức đến phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập của người dân; có địa phương còn lạm thu, kể cả đối với người nghèo, đối tượng chính sách; nợ xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương còn lớn. Phát triển công nghiệp hỗ trợ chậm. Quản lý du lịch còn nhiều bất cập. Sự cố môi trường biển nghiêm trọng tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh, du lịch, dịch vụ và an ninh trật tự, ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập, đời sống nhân dân ở một số tỉnh miền Trung.
Quản lý thị trường trong nước và thương mại biên giới có mặt còn bất cập. Buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp; mới giải quyết được bước đầu tình trạng vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng; diễn ra nhiều vụ lừa đảo bán hàng đa cấp, tín dụng đen, gây bức xúc xã hội.
Đời sống người dân còn khó khăn, nhất là vùng bị thiên tai, bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn và sự cố môi trường. Mất an toàn thực phẩm xảy ra ở nhiều nơi, gây bức xúc xã hội. Công tác khám, chữa bệnh và quản lý dịch vụ ở một số bệnh viện còn yếu kém. Chất lượng giáo dục, nhất là đại học, dạy nghề chuyển biến chậm, chưa thật sự gắn với nhu cầu xã hội. Ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển thị trường gặp nhiều khó khăn, số lượng doanh nghiệp ít, quy mô nhỏ.
Thiên tai, biến đổi khí hậu gây thiệt hại lớn. Tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra ở nhiều nơi, chất lượng môi trường bị xuống cấp, chậm được cải thiện. Công tác nắm tình hình, phát hiện, xử lý vi phạm về môi trường chưa kịp thời. Đánh giá tác động môi trường đối với nhiều dự án đầu tư còn hình thức; kiểm tra, giám sát việc thực thi còn yếu. Xảy ra nhiều vụ chặt phá rừng trái phép.
Kỷ luật kỷ cương trong bộ máy hành chính và trong xã hội còn chưa nghiêm. Năng lực, phẩm chất của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu. Sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế còn chậm. Phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương thiếu chặt chẽ. Một số quy định pháp luật còn sai sót, chưa bảo đảm tính khả thi.
Tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật còn nhiều yếu kém, bất cập. Việc xây dựng Chính phủ điện tử chậm; ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước chưa thật sự mạnh mẽ. Thanh tra, kiểm tra, giám sát và phản biện xã hội hiệu quả chưa cao. Tình trạng tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng.
Đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế còn nhiều khó khăn, thách thức. Công tác chuẩn bị, dự báo, đánh giá tác động và ứng phó với các thách thức trong hội nhập có mặt chưa chủ động.
Vì vậy, trong năm 2017 cũng như cả giai đoạn 2016 - 2020, chúng ta phải phấn đấu quyết liệt để thực hiện nhiệm vụ ”kép”, một mặt tập trung nỗ lực để khắc phục, xử lý các tồn tại, yếu kém của nền kinh tế; mặt khác phải đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của nền kinh tế để đạt mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững, nâng cao đời sống vật chất - tinh thần cho nhân dân.
Xin trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng!