Thiếu động lực thúc doanh nghiệp tự lớn
Giảm thời gian tiếp cận điện năng: Bước đột phá để cải thiện môi trường kinh doanh | |
Cải thiện môi trường đầu tư: Nghẽn mạch từ tiểu tiết | |
Tạo môi trường kinh doanh thông thoáng |
Chính phủ xác định đưa DN tư nhân trở thành động lực chính trong phát triển kinh tế, và đặt mục tiêu đến năm 2020, lực lượng DN cả nước sẽ vượt con số 1 triệu. Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định, để nền kinh tế Việt Nam phát triển vững mạnh, không thể không có một khu vực kinh tế tư nhân trong nước tăng trưởng hiệu quả, lớn mạnh.
Chính phủ đã hành động
Tại Diễn đàn DN Việt Nam 2016, Thủ tướng nhắc đến một lực lượng đông đảo hơn 3,5 triệu hộ kinh doanh cá thể trên cả nước - đây là lực lượng quan trọng và có ảnh hưởng sâu sắc đến việc thực hiện mục tiêu có trên 1 triệu DN vào năm 2020. Thủ tướng lưu ý, trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2016-2020, Đại hội lần thứ 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định “Tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh DN Việt Nam, nhất là DN tư nhân, làm động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế”.
Nhiều DN không muốn lớn để khỏi phải phiền phức |
Chính phủ đã có những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy phát triển DN, xây dựng một Chính phủ kiến tạo với các quan điểm dứt khoát và chương trình hành động rõ ràng nêu trong các Nghị quyết, tiến tới xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi, thuộc nhóm 4 nước đứng đầu ASEAN, và 1 triệu DN hoạt động có hiệu quả vào năm 2020.
Hàng loạt giải pháp cụ thể đã được Chính phủ thực hiện như trình Quốc hội sửa đổi nhiều luật liên quan đến đầu tư và kinh doanh như Luật Hỗ trợ DNNVV, Luật Đầu tư, tập trung vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
“Chính phủ và các bộ ngành đã dành nhiều thời gian, ưu tiên cho công tác xây dựng thể chế, sửa đổi, ban hành pháp luật. Và cũng ít có thời điểm nào Chính phủ dành rất nhiều thời gian lắng nghe và đối thoại với các DN như những tháng qua”, TS.Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ghi nhận.
Đặc biệt, Chính phủ trong thời gian vừa qua đã đảm bảo được những quy định đổi mới của Luật Đầu tư và Luật DN 2014 được thực hiện nghiêm túc, hàng nghìn điều kiện kinh doanh được bãi bỏ, tiến hành rà soát nghiêm túc các điều kiện kinh doanh và ban hành gần 50 nghị định thay thế. Một khối lượng lớn công việc đã được thực hiện trong thời gian rất ngắn. Các chương trình hành động này đang bước đầu được thực thi có hiệu quả, mang lại niềm tin cho cộng đồng DN.
Nút thắt cần cởi bỏ
Nhìn lại lực lượng DN những năm gần đây, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế (VCCI) cho biết, trong số DNNVV Việt Nam đang hoạt động hiện nay, có 77% là các DN siêu nhỏ và 69% DN nhỏ phát triển từ hộ kinh doanh. Đối với nhóm DN quy mô vừa, số DN trước đó từng là hộ kinh doanh chiếm 55%. Gần 60% chủ DNNVV tốt nghiệp đại học, không ít kỹ sư, cử nhân ra trường đã khởi sự kinh doanh hiệu quả từ quy mô cửa hàng nhỏ lẻ… Những số liệu này cho thấy tiềm năng của DN nhỏ, siêu nhỏ không hề yếu.
Thế nhưng, ông Tuấn cũng bày tỏ: “Tuy nhiên, về tổng thể, DN tư nhân của Việt Nam vẫn đáng ngại, bởi quy mô của DN đang ngày càng nhỏ đi, hoạt động thì không hiệu quả…”.
Và thực tế là, một tỷ lệ không nhỏ số DN nhỏ tỏ ý không muốn thành DN lớn hơn, hộ cá thể dù hoạt động với quy mô và chuyên nghiệp như một DN vẫn không muốn chính danh trở thành DN, và vẫn chấp nhận thuộc diện “kinh doanh không chính thức”. Vì sao?
Một phần câu trả lời, có lẽ có trong ý kiến TS.Vũ Tiến Lộc: vẫn còn một khoảng cách khá xa về chỉ số môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh và số lượng DN của nước ta so với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Nhiều chính sách kinh tế của ta còn bất cập, thanh tra kiểm tra còn chồng chéo, thủ tục hành chính còn phiền hà, thực thi chưa nhất quán, môi trường kinh doanh thiếu sự minh bạch cần thiết và chi phí không chính thức còn cao… Và đó đang là những mối quan ngại lớn của cộng đồng DN.
Một phần nữa có trong kết quả khảo sát của VCCI mà ông Đậu Anh Tuấn cho biết, đó là DN càng lớn, thủ tục hành chính gặp phải càng nhiều, càng hay bị kiểm tra, thanh tra. Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Hưng Yên thẳng thắn phát biểu rằng “nhiều DN không muốn lớn để khỏi phải phiền phức, một số khác thì tìm cách lách để không bị nhũng nhiễu”. Không ít hộ kinh doanh bày tỏ, các chính sách dường như chỉ “dành cho DN lớn, DN nhỏ không tiếp cận được”.
Năm 2017 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn đối với cộng đồng DN. TPP đang trắc trở, xu hướng chống toàn cầu hóa đang gia tăng, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể tăng lãi suất và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang ập tới… Những nhân tố đó có thể dẫn tới sự đảo chiều của thương mại và đầu tư quốc tế, và sẽ có ảnh hưởng lớn đến các nền kinh tế mới nổi, có độ mở cao, coi xuất khẩu và đầu tư nước ngoài là những động lực tăng trưởng chính như Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, yêu cầu đẩy mạnh cải cách thể chế, khơi dậy nội lực, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân trong nước và kết nối được khu vực này với các chuỗi giá trị toàn cầu, với các FDI chính là chìa khóa của sự phát triển bền vững.
“Nếu không có các DN nhỏ thì sao có các DN lớn. Chưa kể các DN lớn vì không có ai cạnh tranh nên cũng không chịu đổi mới, phát triển”, ông Tuấn phát biểu.
Về phần mình, ông Lộc kiến nghị Chính phủ xây dựng ngay Chương trình hành động hỗ trợ chuyển đổi các hộ kinh doanh thành DN, sửa đổi những yêu cầu về thủ tục hành chính, và một số chính sách liên quan để khuyến khích và thúc đẩy quá trình phát triển của DN và quá trình chuyển thành DN. Theo ông Lộc, chính sách ban ra cần phải “hiểu được những gì DNNVV cần, đưa ra những hỗ trợ cụ thể, thiết thực để người chưa thành lập DN muốn thành lập, người đang có DN thấy được tương lai tươi sáng”.