Vì sao lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh?
Lãi suất liên ngân hàng thấp nhất trong lịch sử | |
Lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm, NHNN hút ròng qua kênh tín phiếu | |
Lãi suất liên ngân hàng tiếp tục đứng ở mức thấp, NHNN hút ròng |
Ông Nguyễn Đình Tùng |
Trong những ngày qua, lãi suất VND trên thị trường liên NH giảm mạnh và đang ở mức thấp nhất trong lịch sử. Vì sao lãi suất liên NH lại giảm mạnh như vậy?
Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho rằng, mấy năm gần đây, thị trường liên NH hoạt động rất đơn thuần chỉ là cho vay đảm bảo thanh khoản, chứ không có những công cụ chuyển nhượng mua bán trên thị trường.
Lý do các NH đang thừa vốn cũng do hai nguyên nhân, một phần có thể do tăng trưởng tín dụng chậm lại và các NH đang phải đảm bảo tỷ lệ thanh khoản của NHNN (LDR). Theo quy định NHNN, các NH đảm bảo tỷ lệ LDR ở mức 80%.
Ví như, nếu OCB huy động được khoảng xấp xỉ 40 nghìn tỷ đồng, thì sẽ phải để ra khoảng 8.000 tỷ đồng không cho vay. Giả sử NH chưa dùng đến số tiền này thì sẽ mang ra thị trường liên NH giao dịch.
Đấy là OCB với quy mô tài sản không lớn cũng đã có khoảng 8.000 tỷ đồng trên thị trường này. Còn với những NH lớn khác huy động được tới 200 nghìn tỷ đồng, thì 20% số tiền này sẽ có tới 40 nghìn tỷ đồng đưa ra thị trường liên NH hoặc mua TPCP. Cung càng lớn, cầu ít thì lãi suất thị trường sẽ giảm.
Tóm lại, nếu mà các NH đảm bảo tỷ lệ LDR của NHNN kiểu gì hiện tượng dư thanh khoản cũng xuất hiện trên thị trường liên NH.
Lãi suất liên NH giảm mạnh có là cơ hội để các NH điều chỉnh giảm lãi suất trên thị trường 1 không, thưa ông?
Không. Bởi NH không dùng vốn này để cho vay mà chỉ là vốn dư thừa tạm thời của NH đảm bảo thanh khoản. Nên khả năng giảm lãi suất cho vay càng thấp. Vì sao lại khó giảm? Vì NH huy động 10 đồng phải để dư 2 đồng. Mà 2 đồng này NH huy động ở trên thị trường 1. Trong khi lãi suất trên thị trường liên NH lại thấp như vậy thì chi phí vốn NH phải bù đắp cao hơn. Do đó, càng khó để giảm lãi suất cho vay trên thị trường.
Vậy từ nay đến cuối năm, có còn cơ hội nào để giảm lãi suất không?
Phải khẳng định rằng, ở một số ngành, lĩnh vực mà NHNN không khuyến khích như BĐS, BOT, BT giao thông… sẽ khó giảm lãi suất. Không chỉ NHNN kiểm soát chặt, mà bản thân các NH cũng không muốn cho vay trung dài hạn nhiều. Bởi hiện tại tỷ lệ dư nợ trung dài hạn nói chung trên thị trường cao và NH nào cũng đang muốn giảm bớt đi.
Theo đó, xuất hiện tình trạng cung ít hơn cầu. Cung ít hơn cầu thì chắc chắn lãi suất sẽ khó có thể giảm thêm. Ngược lại lãi suất cho vay ngắn hạn có thể giảm vì NH đang khuyến khích cho vay ngắn hạn. Thực tế tiền ngắn hạn thừa nhiều. Các NH “thừa” tiền nên thà cho vay lãi suất thấp hơn một chút còn hơn để trên thị trường liên NH.
Mặt khác, mức độ cạnh tranh khách hàng ngày càng cao, nhất là những lĩnh vực ưu tiên dù không muốn giảm các NH cũng phải giảm nếu không muốn “đuổi” khách đi. Tất nhiên muốn giảm lãi suất thêm hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố nữa như lạm phát, tốc độ xử lý nợ xấu nhanh hay chậm…
Được biết, thời gian qua, tốc độ xử lý nợ xấu của OCB khá tích cực. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của NH?
Cách đây 3 - 4 năm, sau khi xác định nhiệm vụ trọng tâm xử lý nợ xấu, NH đã triển khai một loạt các biện pháp. Trong đó, NH đã triển khai khung kiểm soát rủi ro mới theo hướng vẫn tạo điều kiện cho khách hàng hoạt động kinh doanh nhưng kiểm soát rủi ro. Vì thế nợ xấu mới phát sinh của NH giảm. Thứ hai, khung xử lý nợ cũng thực hiện bài bản với sự tư vấn của Công ty KPMG về cơ chế, phương pháp xử lý. Nhất là chúng tôi đã thành lập trung tâm xử lý nợ, đầu tư bài bản chuyên nghiệp. Cán bộ xử lý nợ phân công một cách cụ thể.
Khi phát sinh nợ xấu hay có vấn đề bất thường hệ thống kiểm soát có biện pháp xử lý kịp thời. Thậm chí có khoản nợ chưa đến thời hạn chuyển nợ xấu nhưng NH đã có biện pháp xử lý sớm. Qua trung tâm này, hoạt động xử lý nợ được theo dõi, xử lý rất nghiêm túc. Từ khâu cán bộ NH tiếp xúc làm việc với khách hàng, báo cáo tiến độ triển khai và đưa các phương án xử lý nợ, đến khâu đôn đốc thu hồi nợ, khởi kiện ra làm sao để có giải pháp xử lý…
NH số hóa toàn bộ hệ thống này. Ngay khi cán bộ tiếp xúc với khách hàng về phải có biên bản nội dung đưa vào hệ thống. Giám đốc trung tâm quản lý nợ toàn quốc biết chi tiết từng cán bộ làm việc thế nào, tiến độ ra làm sao.
Thường 1 tháng/lần trung tâm họp với cán bộ kinh doanh để xử lý vấn đề liên quan nợ xấu, tìm ra phương pháp, biện pháp xử lý nợ xấu đối với khoản nợ khó. Quá trình xử lý nợ được đôn đốc liên tục, nên trong hai năm vừa qua, OCB có những kết quả rất tốt về xử lý nợ xấu.
Xin cảm ơn ông!