Vietcombank: Phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông
Thanh toán học phí nhanh hơn với dịch vụ của Vietcombank | |
Vietcombank và VCLI chi trả hơn 800 triệu đồng quyền lợi bảo hiểm cho KH | |
Vietcombank triển khai thu hộ tiền điện tại Hà Tĩnh |
Báo cáo tại Đại hội về kết quả kinh doanh năm 2015 cho thấy tổng tài sản của Vietcombank đã đạt 674.395 tỷ đồng, tăng 16,9% so với thời điểm đầu năm. Huy động vốn từ nền kinh tế đạt 503.007 tỷ đồng, tăng 18,52% so với năm 2014.
Tiếp tục dịch chuyển thu hút nguồn vốn giá rẻ với kết quả khả quan; huy động vốn không kỳ hạn tăng 26,28% so với năm 2014, chiếm tỷ trọng 29,13%. Dư nợ tín dụng dụng đạt 387.152 tỷ đồng, tăng 19,74% so với năm 2014. Nợ xấu ở mức 1,84%, giảm 0,47 điểm % so với năm 2014, thấp hơn mức khống chế kế hoạch (2,5%).
Hệ số an toàn vốn tối thiếu (CAR) khoảng 11,04%. Tỷ lệ quỹ dự phòng rủi ro/nợ xấu được duy trì ở mức cao khoảng 121%. Hiệu suất sinh lời trên tổng tài sản và hiệu suất sinh lời của vốn chủ sở hữu bình quân đạt tương ứng là 0,85% và 12,03%; tỷ lệ chi phí quản lý/tổng thu nhập khoảng 39,18%; tỷ trọng thu ngoài lãi trên tổng thu nhập khoảng 27,11%; tỷ lệ thu nhập lãi thuần cải thiện so với năm 2014 và duy trì ở mức 2,58%. Chi trả cổ tức theo kế hoạch 10%.
Lợi nhuận trước thuế trước dự phòng năm 2015 của Vietcombank đạt 12.896 tỷ đồng, tăng 23,6% so với 2014. Vietcombank đã trích dự phòng rủi ro ở mức 6.068 tỷ đồng, tăng 32,16%. Lợi nhuận trước thuế sau dự phòng năm 2015 đạt 6.827 tỷ đồng, tăng 16,83% so với năm 2014. Thu nhập thuần từ lãi tăng 28,68%, thu nhập ròng về dịch vụ tăng 23,45%.
Theo ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, năm 2016 ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ bằng việc phát hành cổ phiếu thưởng và phát hành cổ phiếu riêng lẻ.
Theo đó, Vietcombank sẽ phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 35% cho cổ đông hiện hữu. Số vốn điều lệ tăng thêm là 9.327 tỷ đồng. Đồng thời, ngân hàng sẽ phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ tối đa 10% vốn điều lệ Vietcombank tại thời điểm chào bán.
Vietcombank dự kiến sẽ phát hành cho tối đa 10 nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, trong đó có thể bao gồm một hoặc một số cổ đông hiện hữu của Vietcombank.
Trong trường hợp chào bán tất cả 10% vốn cho một nhà đầu tư hay một nhóm nhà đầu tư có liên quan, Vietcombank sẽ trình Đại hội đồng cổ đông thông qua việc chào bán. Sau khi tăng vốn lên gần 40 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước sẽ giảm từ 77% xuống còn 70%, Cổ đông chiến lược nước ngoài (Mizuho Bank) sẽ giảm từ 15% xuống còn hơn 13%.
Trả lời câu hỏi của các nhà đầu tư về việc có kế hoạch sáp nhập với ngân hàng khác không, đại diện Vietcombank cho rằng Ngân hàng đã trình Đại hội đồng cổ đông thông qua việc tìm kiếm 1 TCTD sáp nhập và TCTD này phải bổ trợ sức mạnh cho Vietcombank. Hiện nay, Vietcombank vẫn đang trong quá trình tìm kiếm đối tác để tiến hành sáp nhập. Do đó, khi nào thống nhất được đối tác, HĐQT sẽ trình Đại hội cổ đông thông qua.
Đại diện Vietcombank cũng cho rằng sẽ xem xét để thoái vốn ở các tổ chức tín dụng khác theo quy định của NHNN.
“Vừa qua chúng tôi cũng đã xin ý kiến của Ngân hàng Nhà nước cho phép giữ lại tỷ lệ sở hữu đối với Ngân hàng Quân đội. Trước mắt, NHNN cũng đã cho phép chúng tôi duy trì giữ tỷ lệ như trên tại Ngân hàng Quân đội, vì đây là ngân hàng có hoạt động hiệu quả. Quan điểm của chúng tôi cũng sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại các TCTD khác. Dự kiến chúng tôi sẽ chỉ nắm cổ phần tại 2 ngân hàng, còn giảm cổ phần tại ngân hàng nào sẽ xem xét dựa trên tín hiệu của thị trường và chính các tín hiệu từ các tổ chức tín dụng đó để có những định hướng phù hợp” – ông Thành nói
Tại Đại hội, lãnh đạo Vietcombank cũng thông báo lộ trình thực hiện, kế hoạch sử dụng vốn điều lệ tăng thêm. Theo đó, Vietcombank dành 1.000 tỷ đồng đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ (xây dựng trụ sở làm việc, mở rộng mạng lưới hoạt động, đầu tư công nghệ và tài sản cố định).
Vietcombank sẽ chi 500 tỷ đồng để đầu tư thành lập một số công ty con đã được Đại hội đồng cổ đông phê duyệt chủ trương và tăng vốn góp vào một số đơn vị hiện có, tìm kiếm cơ hội tham gia góp vốn vào các dự án đầu tư góp vốn hiệu quả. Đáng chú ý, Vietcombank dành 11.430 tỷ đồng để mở rộng hoạt động tín dụng, kinh doanh vốn và các hoạt động kinh doanh khác của Vietcombank. Ngoài ra, Vietcombank tăng vốn điều lệ để chuẩn bị cho khả năng M&A khi điều kiện cho phép.
Trong năm 2016, Vietcombank đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 765.438 tỷ đồng, tăng trưởng 13,5% so với năm trước. Dư nợ khách hàng đạt 452.967 tỷ đồng, tăng 17%. Tiền gửi của khách hàng đạt 578.458 tỷ đồng, tăng 15%. Lợi nhuận trước thuế đạt 7.500 tỷ đồng, tăng 10% so với kết quả thực hiện năm 2015. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới mức 2,5%. Mức chi trả cổ tức tối đa 10%.
Ngân hàng cũng sẽ đổi mới mạnh mẽ công tác khách hàng - nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt; tăng trưởng tín dụng đảm bảo an toàn và hiệu quả; tiếp tục chuyển dịch cơ cấu huy động vốn; đẩy mạnh hoạt động kinh doanh vốn, ngoại tệ và tài trợ thương mại; tăng cường hiệu quả hoạt động đầu tư.
Đặc biệt, nâng cao năng lực tài chính với việc thực hiện giải pháp tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài…