VietinBank: Động lực thúc đẩy doanh nghiệp hội nhập
Đa dạng và tối ưu các sản phẩm
Tại diễn đàn của các hội nghị, lãnh đạo VietinBank khẳng định: VietinBank là NHTM đầu tiên của Việt Nam thực hiện xử lý tập trung nghiệp vụ TTQT&TTTM. Hoạt động này đã đem đến lợi thế cạnh tranh lớn cho DN nhờ tiết giảm tối đa chi phí, tính chuyên môn hóa cao, từ đó giảm thiểu rủi ro, giúp DN có thêm năng lực để thâm nhập sâu vào thị trường trong nước và quốc tế.
Ông Lê Đức Thọ - Tổng giám đốc VietinBank phát biểu tại hội nghị |
Hiện nay, VietinBank đã đáp ứng yêu cầu xử lý tập trung hoạt động TTQT&TTTM với các sản phẩm truyền thống như: Thư tín dụng, nhờ thu, bảo lãnh, chuyển ngoại tệ… Không dừng ở đó, Trung tâm TTTM VietinBank còn không ngừng nghiên cứu, phát triển các sản phẩm TTQT&TTTM mới.
Đặc biệt, ngân hàng cũng chủ động khai thác quan hệ hợp tác với các ngân hàng quốc tế, từ đó có các giải pháp tốt nhất cho khách hàng. Theo đó, VietinBank luôn tích cực và tiên phong thực hiện thành công các cấu trúc giao dịch huy động vốn quốc tế mới cho hoạt động TTTM, thực hiện thành công nhiều chương trình, giao dịch lớn với các định chế tài chính hàng đầu thế giới.
Bên cạnh đó, VietinBank còn hợp tác chặt chẽ với đối tác chiến lược là Bank of Tokyo - Mitsubishi UFJ (BTMU) để triển khai các loại hình sản phẩm, dịch vụ; triển khai các chương trình đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu cho cán bộ VietinBank về TTQT&TTTM.
Song song với sự hợp tác này, hai bên còn phối hợp tổ chức các chương trình Kết nối khách hàng DN (Business Matching) giữa các DN Việt Nam, Nhật Bản và Thái Lan để tạo cầu nối cho các DN có nhu cầu gặp gỡ, trao đổi, thúc đẩy quan hệ hợp tác đầu tư. Với nỗ lực của VietinBank cùng sự hợp tác tích cực từ BTMU, hoạt động TTQT&TTTM đang đi đúng hướng và khẳng định năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của khách hàng ở cả thị trường trong và ngoài nước.
Các diễn giả giải đáp thắc mắc của các vị đại biểu, khách mời tại hội nghị |
Chia sẻ từ những định chế tài chính hàng đầu
Cũng tại các diễn đàn, ông Kaushik Mukherjee - Giám đốc Dịch vụ TTTM, Khu vực Nam và Đông Nam Á, châu Úc, Ngân hàng Wells Fargo dự báo: Kim ngạch thương mại toàn cầu năm 2015 đạt 42 nghìn tỷ USD, dự kiến năm 2020 đạt 50 nghìn tỷ USD. Châu Á sẽ trở thành trung tâm thương mại toàn cầu trước năm 2020. Trong đó, Cộng đồng kinh tế ASEAN nổi lên như nền kinh tế hội nhập và thống nhất cao.
Chia sẻ về chủ đề “Rủi ro/gian lận trong TTQT”, ông George Lynn - Giám đốc Dịch vụ TTQT, Khu vực Đông Nam Á, Ngân hàng Wells Fargo đưa ra những “nguyên tắc vàng” cần lưu ý để tránh rủi ro, gian lận trong TTQT: Thứ nhất, đối với lãnh đạo và nhân viên nội bộ, cần yêu cầu nhân viên trong công ty kiểm tra lại các yêu cầu thanh toán nhận được từ email;
Thứ hai, đối với đối tác cần thống nhất về nguyên tắc không thay đổi chỉ dẫn thanh toán (thay đổi số tài khoản) qua email; Thứ ba, cần bảo vệ tài khoản email, chỉ cung cấp địa chỉ cho những người đã biết, không để lại email tự động đăng nhập và ghi nhớ mật khẩu;
Thứ tư, cần kiểm tra lại thông tin bằng hình thức khác; Thứ năm, kiểm tra lại địa chỉ email của người gửi thay vì chỉ kiểm tra tên; Thứ sáu, chỉ sử dụng số điện thoại liên lạc đã có;
Thứ bảy, thận trọng với mọi dấu hiệu khác biệt đáng nghi trong các yêu cầu thanh toán hoặc sửa đổi thanh toán; và cuối cùng, cần kiểm soát hoạt động của tài khoản công ty tại ngân hàng hàng ngày.
Cùng với những cảnh báo từ các chuyên gia, đại diện VietinBank khẳng định: VietinBank đang cung cấp nhiều giải pháp để khách hàng phòng ngừa rủi ro trong các giao dịch quốc tế. Hiện VietinBank làm tốt vai trò kết nối, hỗ trợ về vốn, cung ứng các dịch vụ trung gian như thanh toán, tài trợ, bảo lãnh, phòng ngừa rủi ro... mang đến cho khách hàng sản phẩm, dịch vụ TTQT&TTTM có chất lượng cao, đa dạng, hiện đại và tiện ích vượt trội.