VPBank là ngân hàng nhận uỷ thác từ Quỹ Phát triển SME
VPBank báo lãi hơn 1.900 tỷ đồng quý I/2017 | |
VPBank được sửa vốn điều lệ lên hơn 10.765 tỷ đồng |
Tham dự buổi lễ có ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiêm Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ SMEDF; bà Hoàng Thị Hồng, Giám đốc Quỹ SMEDF. Về phía VPBank có sự tham dự của ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank; ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank.
Tổng Giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh (bên phải) ký Thoả thuận khung về uỷ thác cho vay với đại diện Quỹ SMEDF |
Theo thoả thuận khung được ký kết, VPBank sẽ nhận uỷ thác của SMEDF trong việc giải ngân nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ dành cho SME với lãi suất ưu đãi trong suốt thời hạn vay vốn từ 5,5% - 7%/năm. Trước khi lập hồ sơ đề nghị nhận vốn uỷ thác từ SMEDF, VPBank thẩm định đối tượng cho vay, điều kiện cho vay, mức vốn cho vay, thời hạn cho vay, đảm bảo tiền vay và các nội dung khác có liên quan đến việc cho vay trên cơ sở tuân thủ theo đúng quy chế uỷ thác cho vay do SMEDF ban hành và quy chế cho vay đối với khách hàng của VPBank đang áp dụng tại thời điểm cấp tín dụng bằng tiền uỷ thác từ Thoả thuận khung này.
VPBank là NH thứ 4 được SMEDF lựa chọn là ngân hàng nhận uỷ thác kể từ khi quỹ này ra mắt vào tháng 4/2016. Với thoả thuận này, các doanh nghiệp SME muốn vay vốn ưu đãi có thế tiếp cận qua VPBank hoặc trực tiếp qua quỹ SMEDF.
Phát biểu tại Lễ ký kết, ông Đặng Huy Đông cho rằng, việc ký thoả thuận giữa VPBank và SMEDF là hành động thực thi chính sách thiết thực để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp SME vượt qua khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều biến động. Đồng thời tiếp tục thể hiện quyết tâm chính trị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói riêng và của Chính phủ nói chung trong việc tạo động lực cho khu vực kinh tế tư nhân phát huy tối đa tiềm năng, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt với doanh nghiệp SME khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp SME tham gia chuỗi giá trị...
Trong năm 2017, SMEDF và các ngân hàng nhận uỷ thác dự kiến sẽ triển khai nhiều chương trình hỗ trợ tài chính với các doanh nghiệp SME, với tổng hạn mức khoảng 560 tỷ đồng. Trong đó đối tượng ưu tiên sẽ là những doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xử lý rác, nước thải.
Tính đến tháng 4/2017 đã có hơn 1.000 lượt doanh nghiệp SME tiếp cận, tìm hiểu thông tin về các chương trình hỗ trợ qua các kênh như hội thảo, truyền thông và Call Center. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy rất nhiều doanh nghiệp đang quan tâm tới nguồn vốn hỗ trợ của Quỹ.
Thực tế, VPBank đã có nhiều nỗ lực nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp SME tại Việt Nam thông qua quan hệ hợp tác với các hiệp hội thương mại, các cơ quan Chính phủ và các tổ chức quốc tế như IFC, WorldBank. Năm ngoái, tạp chí International Banker (UK) đã vinh danh VPBank với giải thưởng “Ngân hàng dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tốt nhất”.
Báo cáo thường niên năm 2016 của VPBank cũng cho thấy dư nợ cho vay khối khách hàng SME của ngân hàng năm 2016 tăng 30% so với năm 2015. VPBank cũng là một trong những ngân hàng tiên phong trong việc cấp vốn vay tín chấp tới các doanh nghiệp vi mô. Số lượng khách hàng SME của VPBank tính đến cuối năm ngoái vào khoảng 50.000 doanh nghiệp. Những con số đó đã thể hiện mức độ đóng góp rất lớn của VPBank vào sự phát triển của các doanh nghiệp SME trên cả nước nói chung.