Xây dựng chính phủ điện tử tại NHNN – Giải pháp đổi mới hoạt động ngân hàng
Trong nhiều năm qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã định hướng, chỉ đạo các đơn vị trong toàn Ngành chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và xác định đây là một trụ cột quan trọng trong chiến lược cải cách, đổi mới hoạt động ngân hàng.
Những kết quả trong lĩnh vực ứng dụng và phát triển CNTT của NHNN là tiền đề quan trọng, tạo đà vững chắc để tổ chức triển khai thành công Chính phủ điện tử tại NHNN.
Đồng chí Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN cho biết: "Hiện đại hóa ngân hàng trong thời gian tới tiếp tục được NHNN xác định là một trong những nội dung, giải pháp thuộc chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2015-2020, nhằm đưa hệ thống ngân hàng Việt Nam phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, phát huy tối đa vai trò huyết mạch của nền kinh tế, đóng góp đắc lực vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Với mục tiêu cụ thể, đó là tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong hệ thống ngân hàng, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế. Chú trọng việc ứng dụng các phương thức, phương tiện thanh toán, dịch vụ và tiện ích ngân hàng hiện đại, dễ sử dụng và phù hợp với các điều kiện ở Việt Nam. Để đạt các mục tiêu đó bằng nhiều chính sách, cơ chế và giải pháp sẽ được đặt ra phù hợp trong từng giai đoạn trên nền tảng một ý chí, quyết tâm chính trị của toàn ngành, một sự tập trung đầu tư nguồn lực con người và tài chính một cách thỏa đáng và hiệu quả".
Bắt nhịp cùng với xu hướng phát triển của ngân hàng trên thế giới, ngành Ngân hàng đã chủ động xác định chiến lược hiện đại hóa trong các lĩnh vực hoạt động và đã đạt được những thành tựu quan trọng có ý nghĩa to lớn đối với hoạt động của nền kinh tế.
Tiêu biểu trong số những kết quả đạt được có thể kể đến, đó là Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân đã kết nối rộng khắp hệ thống các TCTD trên phạm vi cả nước và được vận hành liên tục, đáp ứng yêu cầu thanh, quyết toán tức thời, xử lý giao dịch chính xác, an toàn và bảo mật và nhu cầu giao dịch thanh toán ngày càng tăng của nền kinh tế.
Các dịch vụ, tiện ích ngân hàng trên nền tảng ứng dụng công nghệ hiện đại, theo tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế không ngừng nâng cao cả về số lượng, chất lượng tương đương với trình độ trên thế giới.
Bên cạnh đó, để phục vụ cho hoạt động quản lý, điều hành đảm bảo tính kịp thời, liên tục, các hệ thống điện tử tin học đã đưa vào sử dụng đồng bộ, hiệu quả trong toàn hệ thống NHNN, như: hệ thống hội nghị trực tuyến, hệ thống quản lý văn bản, hệ thống thư điện tử. Đây chính là tiền đề quan trọng tạo điều kiện cho NHNN sớm hoàn thành mục tiêu, kế hoạch triển khai Chính phủ điện tử.
Thực tiễn ứng dụng CNTT tại NHNN
Trong những năm qua, Đảng và Chính phủ luôn quan tâm, đầu tư phát triển ứng dụng CNTT, đặc biệt là ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước. Hàng loạt các chủ trương, chính sách chỉ đạo về CNTT như Chỉ thị 58/CT-TW ngày 17/10/2010 về đẩy mạnh ứng dụng CNTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và gần đây nhất là Nghị quyết 36/NQ-BCT ngày 01/7/2014 về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế là những quyết sách đúng đắn và kịp thời, là nhân tố quyết định cho CNTT của Việt Nam phát triển bền vững.
Hòa chung với sự phát triển của đất nước và thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, sau hơn 20 năm đổi mới, hệ thống ngân hàng của Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, bám sát mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong từng thời kỳ. Đạt được thành công đó, phải kể đến việc ứng dụng CNTT mạnh mẽ và toàn diện trong hoạt động ngân hàng.
Từ nhiều năm qua, xác định CNTT vừa là yêu cầu, vừa là giải pháp quan trọng để hiện thực hóa các mục tiêu, nội dung của tiến trình cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa ngân hàng vừa là công cụ hỗ trợ đắc lực để cải cách, đổi mới hoạt động ngân hàng, NHNN luôn tập trung vào cải thiện hạ tầng CNTT, qua đó nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, thực hiện tốt vai trò trung tâm thanh toán của nền kinh tế. Trong hoạt động nghiệp vụ, hệ thống dữ liệu đã được tin học hóa kết nối với toàn hệ thống ngân hàng, làm cơ sở hoạch định và thực thi các chính sách quản lý.
Năm 2012, NHNN đã ban hành Kế hoạch ứng dụng CNTT của ngành Ngân hàng giai đoạn 2011-2015 để đẩy mạnh phát triển và ứng dụng dịch vụ ngân hàng điện tử, nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng, thúc đẩy giao dịch thanh toán qua ngân hàng, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.
Đặc biệt, việc ứng dụng và phát triển CNTT trong lĩnh vực ngân hàng được tăng cường hơn bao giờ hết với việc NHNN ban hành kế hoạch ứng dụng CNTT ngành ngân hàng giai đoạn 2013-2015 đã tạo môi trường thuận lợi ứng dụng toàn diện CNTT vào các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng.
CNTT đã được ứng dụng rộng rãi trong hoạt động quản lý, điều hành nội bộ, thực hiện dịch vụ công của NHNN. Từ nhiều năm nay, các đơn vị của NHNN đã sử dụng linh hoạt Hệ thống quản lý văn bản điện tử thay thế gần như toàn bộ văn bản giấy đối với các giao dịch hành chính trong nội bộ NHNN.
Bên cạnh đó, các hệ thống thư điện tử, điện thoại, hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đã được sử dụng thường xuyên, tạo thành kênh liên lạc kết nối giữa NHNN và các đơn vị trực thuộc một cách hiệu quả.
Việc áp dụng các phần mềm quản lý văn bản đã tiết kiệm nhiều chi phí hành chính, góp phần rút ngắn thời gian luân chuyển văn bản, tạo điều kiện chia sẻ dữ liệu, tăng tính bảo mật, rút ngắn được thời gian xử lý công việc, nâng cao hiệu quả công tác.
Hiệu quả ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý, điều hành đã nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ CCHC, đồng thời giúp công chức, viên chức nắm bắt, tìm hiểu về chủ trương, nhiệm vụ, kết quả và các nghiệp vụ trong công tác CCHC của Ngành.
Quan trọng hơn, ứng dụng CNTT tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp có thể tiếp cận nhanh nhất những văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và NHNN qua Cổng thông tin điện tử của NHNN, góp phần cải cách TTHC, hiện đại hóa nền hành chính, tiến tới nền hành chính điện tử.
Ứng dụng CNTT đáp ứng yêu cầu giải quyết TTHC và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội
Đóng góp vào những thành tựu của sự phát triển kinh tế đất nước nói chung và của hệ thống ngân hàng nói riêng trong suốt thời gian qua, không thể không kể đến vai trò của việc ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực hoạt động của ngành Ngân hàng.
Hiện nay, quá trình phát triển ứng dụng CNTT trong hệ thống ngân hàng tại Việt Nam đang diễn ra một cách mạnh mẽ. Hệ thống các NHTM từng ngày đang tích cực ứng dụng các tiến bộ CNTT vào hoạt động quản lý kinh doanh, đặc biệt là trong hoạt động thanh toán và mở rộng nhiều dịch vụ ngân hàng với mục tiêu cung ứng vốn, các sản phẩm, dịch vụ mới phục vụ cho nền kinh tế.
Các dịch vụ ngân hàng điện tử được các NHTM ứng dụng và triển khai mạnh mẽ, đây được xem là cuộc cách mạng trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Nó không chỉ mở ra cơ hội phát triển cho ngành tài chính ngân hàng mà còn cho các ngành khác như công nghệ thông tin, du lịch, sản phẩm và dịch vụ tiêu dùng...
Ngân hàng điện tử là một phần của thương mại điện tử và tiến trình toàn cầu hoá, đưa nền kinh tế của Việt Nam hội nhập và phát triển ngang bằng với thế giới.
Trong vòng 10 năm qua, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã đưa dịch vụ ngân hàng điện tử phát triển mạnh mẽ và đạt được những thành tích đáng kể. Ngân hàng điện tử thúc đẩy nhanh chóng quá trình cải tổ làm thay đổi hệ thống ngân hàng Việt Nam nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung.
Bên cạnh đó, ứng dụng CNTT góp phần phát triển hệ thống thanh toán quốc gia, tạo được lòng tin của dân chúng đối với hoạt động tiền tệ-ngân hàng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nhìn một cách tổng quát, việc ứng dụng CNTT giúp các ngân hàng đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa hệ thống thanh toán, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ cung cấp cho doanh nghiệp và người dân, làm thay đổi bộ mặt hệ thống ngân hàng Việt Nam, nâng cao uy tín của ngành Ngân hàng và của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với thế giới.
Đưa CNTT thành nền tảng phát triển Chính phủ điện tử tại NHNN
Trong xu thế hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa hiện nay, phát triển Chính phủ điện tử là xu hướng tất yếu, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp. Vừa qua NHNN đã ban hành kế hoạch triển khai Chính phủ điện tử theo Nghị quyết 36a của Chính phủ (Quyết định 1a/QĐ-NHNN ngày 4/1/2016).
Mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử tại NHNN đó là hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 1819/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đảm bảo tính đồng bộ, gắn kết chặt chẽ và phát huy hiệu quả các chương trình, kế hoạch CCHC của NHNN góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao tính cạnh tranh của hệ thống các TCTD trong nước, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Phát triển Chính phủ điện tử tại NHNN là quá trình lâu dài và liên tục, nhận thức được điều đó, NHNN đã tích cực đẩy mạnh sử dụng CNTT và truyền thông để tự động hóa, số hóa các thủ tục, giấy tờ, dịch vụ hành chính, ứng dụng CNTT để trao đổi thông tin, thực hiện việc chỉ đạo, điều hành trong nội bộ, để nâng cao hiệu quả hoạt động, hiệu quả quản lý, cải cách thủ tục hành chính trong giao dịch với người dân và doanh nghiệp.
Trong Kế hoạch triển khai Chính phủ điện tử, ứng dụng CNTT được coi là bước đột phá trong công tác cải cách và hiện đại hóa ngành ngành Ngân hàng, là tầm nhìn chiến lược của Ngành, là nền tảng quan trọng để cải cách trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng.
Triển khai Chính phủ điện tử phải đáp ứng yêu cầu làm thay đổi cơ bản phương thức quản lý, điều hành và cung cấp dịch vụ trong ngành Ngân hàng theo hướng hiện đại, hiệu quả, gắn với thực hiện mục tiêu tiết giảm chi phí hành chính, sử dụng có hiệu quả ngân sách nhà nước và phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong hoạt động công vụ và giải quyết TTHC; đồng thời từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ hành chính công, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu quản trị nội bộ, hoạt động hành chính trong từng đơn vị thuộc NHNN.
Để xây dựng hiệu quả Chính phủ điện tử tại NHNN phải dựa trên quy trình cải cách hành chính hợp lý. Mục tiêu trước mắt của NHNN là tập trung ứng dụng CNTT nhằm từng bước chuyển thói quen làm việc của cán bộ, công chức từ văn bản giấy sang phong cách làm việc bằng văn bản điện tử trên môi trường mạng, tiếp tục đổi mới cách thức quản lý, nâng cao năng lực quản lý điều hành.
Nội dung quan trọng xuyên suốt trong kế hoạch triển khai Chính phủ điện tử, NHNN sẽ tập trung ứng dụng CNTT để đổi mới phương thức cung cấp thông tin và dịch vụ hành chính công cho người dân và doanh nghiệp, xây dựng môi trường làm việc điện tử giữa NHNN với các cơ quan nhà nước trên phạm vi toàn quốc. Phấn đấu đến năm 2020, cung cấp hầu hết các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đạt sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ hành chính công của NHNN tỷ lên trên 80%.
Bên cạnh đó, để áp dụng quản lý nhà nước bằng CNTT, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử thì việc đảm bảo an toàn, bí mật thông tin là nhiệm vụ rất quan trọng. Để thực hiện chính phủ điện tử an toàn tại NHNN, song song với việc áp dụng CNTT vào quản lý nhà nước, NHNN sẽ tập trung xây dựng các thiết chế đảm bảo an toàn thông tin.
Mỗi thời kỳ, giai đoạn luôn đặt ra những cơ hội và thách thức riêng đối với sự phát triển của hệ thống ngân hàng , tuy nhiên, với sự quyết liệt trong việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT như hiện nay sẽ là tiền đề có ý nghĩa quan trọng để NHNN đạt được các mục tiêu, yêu cầu đặt ra, hướng tới xây dựng thành công chính phủ điện tử tại NHNN, đem lại những giá trị tiện ích cho người dân, doanh nghiệp và đối với nền kinh tế đất nước.