Xây dựng nông thôn mới: Cho cần câu hơn là con cá
Phát triển nông nghiệp sạch, an toàn, bền vững | |
Mạnh tay đưa vốn đến doanh nghiệp | |
Lâm Đồng: Đẩy mạnh triển khai tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn |
Là huyện đầu tiên đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới (NTM) của TP. Hà Nội, Phó chủ tịch UBND huyện Đan Phượng ông Nguyễn Thạc Hùng không khỏi hào hứng “khoe”: Trước đây Đan Phượng chỉ trồng lúa, ngô nhưng sau đó huyện đã có quyết định chuyển đổi cơ cấu sang trồng rau màu, hoa và kinh tế trang trại. Khi bắt đầu xây dựng NTM năm 2011, cả huyện có 400 ha đến nay phát triển lên 1.100 ha trồng cây rau màu, riêng hoa là 400 ha.
Nhiều trang trại, vườn trại nuôi lợn với quy mô từ 60 - 70 con lợn nái, trừ chi phí, thu nhập hàng tỷ đồng/năm. Kinh nghiệm thành công trong xây dựng NTM của Đan Phượng theo chia sẻ của ông Hùng, lãnh đạo huyện xác định huy động sức dân là chính, nhưng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế hiệu quả như trên, vai trò bà đỡ của Agribank rất quan trọng.
Vốn NH giúp các địa phương chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cải thiện sinh kế và thu nhập người dân, xây dựng NTM bền vững |
Theo tính toán của lãnh đạo huyện, một hộ trồng hoa ly trên diện tích 3 ha phải mất 2,7 tỷ đồng mua giống hoa. Một nông hộ khó có thể xoay xở nổi số tiền đầu tư lớn này. Nhờ có nguồn vốn từ Agribank mà nhiều hộ dân, nhiều trang trại đã có vốn mở rộng quy mô sản xuất, đời sống của người dân ngày một cải thiện.
Minh chứng rõ nét thu nhập bình quân của huyện Đan Phượng đạt 45 triệu đồng/người/năm trong khi giai đoạn trước đó chỉ 13 triệu đồng. “Nếu không có sự hỗ trợ của Agribank thì nông dân không thể có tiền để chuyển đổi sang mô hình làm ăn lớn như vậy được. Agribank có vai trò rất lớn trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở Đan Phượng”, ông Hùng khẳng định.
Từng là một trong những xã nghèo nhất của huyện, cũng không vì xuất phát điểm thấp đó mà ngăn cản bước đi làm giàu của bà con xã Trung Châu – huyện Đan Phượng. Ông Đỗ Văn Đang, Bí thư Đảng ủy xã Trung Châu, huyện Đan Phượng kể về hành trình “lột xác” của Trung Châu từ xã nghèo trở thành “đại gia” nhờ nuôi lợn. Hộ gia đình ông Trần Nho Thanh là một ví dụ.
Hơn 20 năm có quan hệ tín dụng với Agribank, nhờ sự động viên, tiếp sức của Agribank chi nhánh Đan Phượng, quy mô chăn nuôi ngày càng mở rộng. Từ mức vài triệu đồng, đến nay dư nợ của gia đình ông tại Agribank là 2 tỷ đồng. Mỗi năm cung cấp ra thị trường 1.200 tấn thịt thương phẩm, trừ chi phí, lãi ròng năm 2016 khoảng 1 tỷ đồng, tỷ lệ lợi nhuận khoảng 25%.
Mặc dù không phải là xã thuần nông, nhưng Trung Châu xác định muốn có bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội địa phương thì vẫn phải đi lên từ nông nghiệp, đặc biệt chăn nuôi là trọng yếu. Khó khăn lớn nhất của người dân khi chăn nuôi quy mô lớn là nguồn vốn. Trong giai đoạn khởi đầu vạn sự khó khăn đó, Agribank đã kịp thời hỗ trợ vốn nên bà con mạnh dạn mở rộng phát triển kinh tế.
Chính nhờ có vốn NH tiếp sức nên số đàn lợn và vườn trại của xã tăng lên nhanh chóng. Hiện toàn xã có 48 vườn trại có từ 50 con nái trở lên. Sau khi trừ chi phí, mỗi vườn trại còn lãi hơn 1 tỷ đồng/năm. Đến nay, dư nợ toàn xã đạt 67 tỷ đồng. Nhờ NH, Trung Châu phát triển mạnh cả chất lượng lẫn số lượng về kinh tế. Ông Đang cho biết thu nhập bình quân đầu người của xã đã là 35 triệu đồng/năm, cũng khá gần với bình quân chung của cả huyện. “Nếu không có Agribank quan tâm, chắc chắn, Trung Châu không thể có được kết quả như ngày hôm nay”, ông Đang bày tỏ.
Là huyện thứ hai của TP. Hà Nội đạt chuẩn NTM, nhưng không vì thế mà kinh tế trên địa bàn kém phần “phấn khởi”. Đến xã Tiên Dương huyện Đông Anh, không ai không biết đến gia đình ông Trần Văn Hiệu cũng là Giám đốc CTCP Đầu tư phát triển chăn nuôi Hòa Phát với mô hình trang trại chăn nuôi gà, lợn quy mô lớn hiện đại nhất trên địa bàn này.
Ông Trần Văn Hiệu là khách hàng truyền thống của Agribank chi nhánh Đông Anh từ những ngày đầu khởi nghiệp. Lúc đầu số vốn vay chỉ vẻn vẹn là 2,3 triệu đồng, nhưng nhờ “hợp đất”, mát tay, nên đàn lợn gà cứ sinh sôi nảy nở. Sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm, từ chỗ sản xuất nhỏ lẻ, được sự động viên của cán bộ tín dụng Agribank, ông Hiệu đã vay vốn phát triển mô hình trang trại chăn nuôi quy mô lớn.
Hiện nay, doanh thu từ trang trại chăn nuôi của ông Hiệu khoảng 60 tỷ đồng/năm. Ý nghĩa hơn nữa là trang trại đã tạo công ăn việc làm trung bình 35-40 lao động địa phương, thu nhập hàng tháng 4,5-5,5 triệu đồng/người. Với 12 tỷ đồng dư nợ tại Agribank chi nhánh Đông Anh sẽ là “điểm tựa” vững chắc cho kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất hiện đại hơn trong thời gian tới của nông hộ này.
Một tỷ phú khác ở xã Tiên Dương là ông Nguyễn Đăng Bảy với mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp gà, lợn, cá trên diện tích gần 7 ha. Theo ước tính của ông Bảy, trong năm 2016 này, sau khi trừ hết chi phí, hơn 3 vạn gà sẽ đưa về cho gia đình ông số lãi 3-4 tỷ đồng; ao cá mang lại 1-1,2 tỷ đồng; còn 400 lợn nái (trong đó có 100 nái đẻ) ít nhất cũng được 5-6 tỷ đồng nữa. Tính sơ sơ, lợi nhuận cũng được hơn chục tỷ đồng.
Ông Bảy cũng chẳng ngại ngần chia sẻ với phóng viên, nếu không có trợ lực vốn của Agribank chi nhánh Đông Anh thì tôi không có cơ ngơi như ngày hôm nay. Hộ ông Trần Văn Hiệu hay ông Nguyễn Đăng Bảy chỉ là một trong rất nhiều hộ phát triển mô hình trang trại thành công của huyện Đông Anh được hình thành từ nguồn vốn vay Agribank.
Chủ tịch UBND xã Tiên Dương ông Trần Văn Sáng cho biết, toàn xã Tiên Dương có tới 34 trang trại lớn, trong đó có 14 trang trại đã được công nhận chính thức. Hầu hết các trang trại lớn này đều được hình thành và phát triển nhờ nguồn vốn vay Agribank. Ông Sáng cũng không ngần ngại cho biết, Agribank chi nhánh Đông Anh là một trong những NH mà bà con nông dân tại địa phương yêu quý và rất tin tưởng. Từ vay vài triệu đồng đến vài chục tỷ đồng đều được NH tạo điều kiện tốt nhất, thủ tục nhanh gọn để bà con có thể tiếp cận được vốn kịp thời.
Nhờ nguồn vốn vay Agribank, ông Sáng cho biết, bà con mạnh dạn và chủ động làm kinh tế. Vốn đầu tư của Agribank là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của xây dựng NTM, mà điểm nhấn là thay đổi cơ cấu sản xuất, nâng cao đời sống của người dân. Thu nhập bình quân đầu người hiện tại của Đông Anh đạt 47 triệu/năm, tăng 9 triệu đồng/năm so với cách đây 5 năm.
Giám đốc Agribank chi nhánh Đông Anh Nguyễn Hữu Hòa chia sẻ, quan điểm của NH, muốn xây dựng NTM bền vững, phải tập trung tạo ra việc làm ổn định, thu nhập ổn định, đời sống nhân dân được cải thiện và năm sau cao hơn năm trước… Và dòng vốn tín dụng NH đóng vai trò rất lớn để thực hiện mục tiêu chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cải thiện sinh kế và thu nhập người dân.
Với sự tiếp sức từ Agribank, trong kế hoạch xây dựng NTM giai đoạn 2016 – 2020, lãnh đạo các huyện kỳ vọng sẽ có chính sách tạo đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội. Như huyện Đan Phượng, ông Hùng cho biết, sẽ xây dựng hai cụm nông nghiệp “điểm” tại xã Liên Hà và Liên Trung với quy mô 20ha, tổng vốn đầu tư 500-600 tỷ đồng. Trong đó, dự kiến vốn vay từ Agribank sẽ chiếm 60%...
Bí thư xã Trung Châu Đỗ Văn Đang tiết lộ: xã đang quy hoạch 32ha trang trại kết hợp vườn - ao - chuồng, trồng nhãn muộn, bưởi Diễn, trong đó, riêng quy hoạch khu chăn nuôi tập trung xa dân cư rộng 10,86 ha nên nhu cầu vay vốn của người dân còn khá lớn, rất mong phía NH tạo điều kiện để người dân tiếp tục được tiếp cận nguồn vốn thuận lợi.
Từ 11 xã được chọn thí điểm mô hình NTM, với dư nợ ban đầu 336 tỷ đồng và 8.293 khách hàng vào năm 2011, sau 5 năm triển khai, Agribank đã cho vay xây dựng NTM đến 8.985 xã trên tổng số 9.001 xã trong cả nước. Dư nợ cho vay gần 280.000 tỷ đồng, với trên 2,5 triệu khách hàng. Qua đó, khẳng định vị thế hàng đầu hệ thống TCTD trong việc triển khai chương trình này. |