Xây dựng thể chế quản lý nợ công đủ mạnh
Tăng kỷ luật tài chính để đảm bảo an toàn nợ công | |
Cảnh báo với nợ quốc gia | |
Vay trước mắt, lo lâu dài |
Ngày 12/5/2016, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị nghiêm túc tăng cường công tác quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công, nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ chưa hoàn thành.
Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm quản lý chặt chẽ và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, gắn trách nhiệm của người ra quyết định đầu tư, sử dụng vốn với trách nhiệm trả nợ.
Thu - chi NSNN và nợ công giai đoạn 2011-2015 |
Nợ công đang ở thế lưỡng nan và trong vòng luẩn quẩn
Tình hình nợ công hiện nay là đáng lo ngại vì đã tiến sát đến trần nợ 60% GDP. Nhưng “nếu không bằng con đường gia tăng nợ công thì không thể bù đắp bội chi NSNN. Đây là vòng luẩn quẩn”, PGS.TS.Đặng Ngọc Đức – Viện trưởng Viện Ngân hàng Tài chính (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) nêu ý kiến.
Một điều đáng lo ngại nữa là nghĩa vụ trả nợ công đang tăng lên nhanh chóng. Do tốc độ tăng nghĩa vụ nợ rất nhanh, tỷ lệ nghĩa vụ nợ trên thu NSNN cũng tăng nhanh. Đây sẽ là áp lực rất lớn đối với chi NSNN, nếu phát hành TPCP không đạt mục tiêu đề ra.
Theo quy định của Luật Quản lý nợ, Chính phủ vay nợ trước tiên là để đầu tư phát triển, sau đó là bù đắp thiếu hụt tạm thời và các mục tiêu khác. Tuy nhiên, số liệu NSNN những năm gần đây cho thấy việc vay nợ nhằm bù đắp chi thường xuyên ngày càng tăng lên.
Tuy nợ nước ngoài của Việt Nam đang ở mức thấp hơn ngưỡng an toàn theo khuyến nghị của IMF-WB. Nhưng chỉ số giá trị nợ hiện tại trên thu NSNN năm 2013 đã là 260,5% so với ngưỡng 300% và chắc chắn sẽ nhanh chóng tiếp cận ngưỡng này trong những năm tới do giải ngân vốn ODA tăng lên và nhu cầu vay nợ nước ngoài cũng tăng lên. Nợ nước ngoài cũng đã hơn 50% tổng dư nợ Chính phủ.
“Điều này có thể là một rủi ro vì triển vọng điều chỉnh tỷ giá đã rõ ràng, chỉ còn là thời điểm nào”, theo ông Nguyễn Anh Dương, Phó Trưởng Ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).
Nợ công của Việt Nam so với GDP là khá cao và cao hơn nhiều so với nhiều nước trong khu vực, nên nợ nước ngoài của Việt Nam cũng được đánh giá có rủi ro cao hơn. Theo số liệu của ADB, phí bảo hiểm vỡ nợ trái phiếu quốc gia kỳ hạn 5 năm của Việt Nam cao hơn nhiều nước trong khu vực. Từ tháng 9/2015, phí bảo hiểm trung bình của trái phiếu Việt Nam tăng lên so với giai đoạn 2014-2015, có thể là một dấu hiệu về sự lắng của thị trường đối với khả năng trả nợ của Việt Nam.
Hơn nữa, khi mức thu nhập của Việt Nam tăng lên, vay ODA sẽ khó khăn hơn và Việt Nam sẽ phải vay thương mại với chi phí cao hơn. Trong hoàn cảnh đó, gánh nặng nợ sẽ tăng lên và rủi ro cũng sẽ tăng theo.
Pháp luật đầy đủ nhưng tuân thủ chưa nghiêm
“Nợ công tăng cao nhất khu vực, môi trường kinh doanh kém nhất khu vực. Điều quan ngại, là không thấy điểm dừng của bội chi ngân sách, không thấy biểu hiện tích cực giảm chi tiêu để ngân sách bền vững hơn trong dài hạn”, TS.Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM lên tiếng.
“Dù vẫn trong ngưỡng, nhưng nợ công đang có xu hướng xấu đi. Đảo ngược xu hướng này đòi hỏi những giải pháp quyết liệt”, theo ông Dương. Ông nhắc lại kiến nghị của CIEM là “cần chú trọng xây dựng thể chế quản lý nợ công đủ mạnh; linh hoạt sử dụng các công cụ nợ có kỳ hạn khác nhau, ở các thời điểm khác nhau để nâng cao hiệu quả nợ công; và thực hiện kiểm toán nợ công đầy đủ”.
Nợ công cứ xấu đi vì đầu tư công không hiệu quả, chi thường xuyên quá lớn, thu ngân sách khó khăn và vòng luẩn quẩn cứ lặp lại như PGS.Đặng Ngọc Đức đã chỉ ra. Theo ông, “Đầu tư công vẫn không hiệu quả vì cơ chế quản lý vẫn còn tính bao cấp, thiếu minh bạch, thiếu tự chủ và chịu trách nhiệm cá nhân. Và chi tiêu công ở Việt Nam có đầy đủ các nguyên nhân của sự kém hiệu quả: Đầu tư sai hướng, lựa chọn đối nghịch và tiêu cực trong quản lý sử dụng”.
Pháp luật về nợ công đã khá đầy đủ nhưng việc tuân thủ thì chưa nghiêm. Các mục tiêu phấn đấu về giảm bội chi cũng không đạt được. Chiến lược nợ công nêu định hướng bội chi năm 2015 là 4,5% đến năm 2020 giảm về 4%, nhưng bội chi ở năm 2015 là 6,2% và mục tiêu 4% khó đạt được do dự toán bội chi 2016 là 4,95%; tốc độ tăng chi vẫn cao trong khi thu NSNN/GDP có xu hướng giảm trong bối cảnh các nguồn thu từ dầu thô, thuế thu nhập DN và xuất nhập khẩu sẽ giảm trong ngắn hạn.
Với vòng luẩn quẩn của nợ công, ông Đức cho rằng, chỉ có một cách tháo gỡ duy nhất là tăng trần nợ công (Hoa Kỳ thường xuyên phải làm như vậy). Tuy nhiên đi kèm tăng trần nợ công thì phải tăng cường hiệu quả chi tiêu công để duy trì và giảm trần nợ công. Nếu chỉ tăng trần nợ công mà không siết chặt kỷ luật chi tiêu, đầu tư công thì không mấy chốc nợ lại tăng kịch trần nợ mới.
Ràng buộc NSNN lỏng lẻo là biểu hiện của tình trạng kỷ cương, kỷ luật tài khóa kém làm cho các quyết định chi tiêu hay vay nợ trở nên dễ bị tùy tiện và lạm dụng. “Thực trạng này đặt ra lo ngại rằng, Bộ Tài chính đã không thể quản lý, kiểm soát và thống kê đầy đủ, kịp thời các khoản nợ hiện đang nằm rải rác ở nhiều bộ ngành, địa phương và DNNN. Nợ của các DNNN là một rủi ro tiềm ẩn và thực tế Chính phủ đã phải gánh vác nhiều khoản nợ của DNNN trong giai đoạn vừa qua”, theo CIEM.