Hôm nay, Quốc hội thảo luận về Dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi)
Đến 15/10, bội chi NSNN khoảng 94,7 nghìn tỷ đồng, mới bằng 53% dự toán | |
Nợ công năm 2017 là 62,6% GDP, năm 2018 là 63,9% GDP | |
Tăng nợ trong nước, giảm dần phụ thuộc |
Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV |
Cụ thể, chiều nay Quốc hội sẽ nghe Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi).
Sau đó, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Theo báo cáo Báo cáo tình hình nợ công năm 2016, ước thực hiện năm 2017 và kế hoạch 2018 của Chính phủ gửi các Đại biểu Quốc hội, tính đến cuối năm 2016, nợ công là 2.863.868,9 tỷ đồng (bằng 63,6% GDP), nợ Chính phủ là 2.368.209 tỷ đồng (bằng 52,6% GDP), nợ được Chính phủ bảo lãnh là 461.616 tỷ đồng (bằng 10,25% GDP), nợ chính quyền địa phương là 34.043 tỷ đồng (bằng 0,76% GDP).
Dự kiến cuối năm 2017 dư nợ công khoảng 62,6% GDP; dư nợ Chính phủ khoảng 51,8% GDP và dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 45,2% GDP. Tất cả đều nằm trong giới hạn cho phép.
Theo kế hoạch vay và trả nợ của Chính phủ, nhiệm vụ huy động vốn vay của Chính phủ cho cân đối ngân sách Trung ương năm 2017 là 316.300 tỷ đồng. Tổng mức vay của Chính phủ 9 tháng đầu năm đạt 254.831 tỷ đồng (bằng 75% kế hoạch), trong đó vay để bù đắp bội chi ngân sách Nhà nước (NSNN) là 119.000 tỷ đồng (bằng 69% kế hoạch), vay để trả nợ gốc là 125.065 tỷ đồng (bằng 86,9% kế hoạch) và vay về cho vay lại là 10.766 tỷ đồng (bằng 42% kế hoạch). Chính phủ cho biết, đến cuối năm sẽ hoàn thành kế hoạch huy động vốn.
Nghĩa vụ nợ của Chính phủ trong năm 2017 khoảng 260.150 tỷ đồng, bao gồm trả nợ trong nước là 214.878 tỷ đồng, trả nợ nước ngoài trực tiếp là 28.022 tỷ đồng; trả nợ của các dự án vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ trong năm 2017 ở mức khoảng 17.250 tỷ đồng.
Căn cứ dự toán NSNN năm 2017 được Quốc hội phê duyệt, dự kiến nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ (gồm cả trong nước và nước ngoài) được tính trong cân đối Ngân sách trung ương là 242.900 tỷ đồng. Trong đó trả gốc: 144.000 tỷ đồng, trả lãi: 98.900 tỷ đồng, quỹ Tích lũy trả nợ và các đơn vị nhận vay lại trực tiếp thực hiện trả nợ đối với các khoản vay về cho vay lại khoảng 17.250 tỷ đồng.
Tổng mức trả nợ 9 tháng đầu năm là 213.316 tỷ đồng (bằng 82% kế hoạch); trong đó trả nợ được bố trí trong dự toán chi ngân sách trung ương là 200.417 tỷ đồng (gốc là 125.065 tỷ đồng, lãi là 75.352 tỷ đồng), trả nợ vay về cho vay lại là 12.899 tỷ đồng. “Công tác trả nợ của Chính phủ năm 2017 được thực hiện chặt chẽ, trả nợ đúng hạn đầy đủ theo đúng các cam kết của Chính phủ với nhà tài trợ”, Báo cáo nêu rõ.
Báo cáo về kế hoạch vay và trả nợ năm 2018, Chính phủ dự kiến nhu cầu vay bù đắp bội chi Ngân sách trung ương là 195.000 tỷ đồng, vay mới để trả nợ gốc là 146.770 tỷ đồng và vay nước ngoài về cho vay lại khoảng 40.000 tỷ đồng.
Ước tính đến cuối năm 2018, dư nợ công khoảng 63,9% GDP, dư nợ Chính phủ ở mức khoảng 52,5% GDP và dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 47,6% GDP, nằm trong giới hạn cho phép.
Tuy nhiên Chính phủ cho biết, việc huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công còn một số điểm cần tiếp tục giám sát chặt chẽ và lưu ý. Bởi nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia tiếp tục tăng lên.
Bên cạnh đó, dù Chính phủ vẫn đảm bảo thanh toán trả nợ nhưng hệ số thanh toán trả nợ khá cao, nghĩa vụ trả nợ năm 2016 bằng 14% tổng thu NSNN, tính cả đảo nợ là 20,6% tổng thu NSNN. Chính phủ lo ngại với cơ chế huy động vốn vay ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài theo nhu cầu đề xuất của các Bộ, ngành và địa phương như hiện nay, khả năng kiểm soát tổng mức vay vốn nước ngoài ở mức tối đa 300.000 tỷ đồng như kế hoạch đầu tư công trung hạn sẽ khó khăn, như tạo sức ép lên trần nợ và nghĩa vụ trả nợ của NSNN.
Ngoài ra lãi suất vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài tăng lên (thậm chí có khoản vay có lãi suất lên tới 4,5%/năm), làm tăng chi phí huy động vốn và nghĩa vụ trả nợ…
Theo chương trình làm việc, sang nay Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Sau đó, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài. Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Trong chiều nay, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Cuối cùng sẽ là nội dung về Dự án luật Quản lý nợ công (sửa đổi).