Tăng kỷ luật tài chính để đảm bảo an toàn nợ công
Cảnh báo với nợ quốc gia | |
Vay trước mắt, lo lâu dài | |
Sẽ “thắt lưng buộc bụng” để hóa giải nợ công? |
Ông Bùi Đức Thụ |
Mục tiêu giảm bội chi, nợ công liên tục được Quốc hội đặt ra, nhưng đến cuối khóa, kết quả lại vẫn tăng hơn so với Nghị quyết của Quốc hội, vì sao, theo ông?
Bội chi NSNN và giảm nợ công là yêu cầu thực tiễn, quản lý, điều hành nền tài chính công.
Trên thực tiễn điều hành từ đầu nhiệm kỳ đến nay, bội chi liên tục tăng so với Nghị quyết của Quốc hội và ở mức cao, kéo theo nợ công tăng cao. Nợ công năm sau so với năm trước tăng từ 17-18% là rất cao.
Số liệu báo cáo của Chính phủ - tính theo đúng Luật Quản lý nợ công cho biết, dư nợ công cuối 2015 đánh giá theo số GDP thực đã tăng lên 62,2% GDP, khoảng gần 81% dư nợ công, trong đó, dư nợ Chính phủ, dư nợ Chính phủ bảo lãnh trên dưới 18%, còn dư nợ của chính quyền địa phương khoảng 1,4 đến 1,5% GDP.
Vậy, phải làm gì để đảm bảo con số bội chi, nợ công ở mức cho phép, thưa ông?
Nhiệm vụ giảm nợ công, giảm bội chi là quá bức xúc, không làm điều này thì an ninh tài chính quốc gia, ổn định kinh tế vĩ mô bị đe dọa và nếu để vượt trần thì nguy cơ vỡ nợ quốc gia là nhãn tiền. Do đó, mục tiêu đã được Quốc hội xác định từ đầu nhiệm kỳ này và nhiệm kỳ tới là cần phải coi đó là mục tiêu trọng yếu để điều hành quyết liệt hơn, phải chặt tay hơn, kỷ luật tài chính phải được tăng cường theo đúng quy định pháp luật.
Tất cả đã được thể chế hóa trong Luật NSNN sửa đổi và các văn bản hướng dẫn thi hành. Vấn đề còn lại là phải giám sát, làm rõ trách nhiệm với tổ chức, cá nhân, đặc biệt với người đứng đầu trong quá trình điều hành NSNN trong những năm tới, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của từng người để có cơ chế giám sát chặt chẽ. Lúc đó kỷ luật tài chính mới kịp thời, bài toán nợ công, an ninh tài chính, bội chi mới được đảm bảo.
Trong những năm qua, rõ ràng bội chi tăng lên so với nghị quyết của Quốc hội thì nguyên nhân gì và trách nhiệm thuộc về ai?
Theo tôi, nguyên nhân bội chi tăng cần xem xét trên 2 phía thu và chi NSNN. Kinh tế thế giới suy thoái, kinh tế trong nước khó khăn, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh nên cũng ảnh hưởng lớn đến nguồn thu. Đã vậy để hỗ trợ sản xuất kinh doanh vượt khó và hỗ trợ tăng trưởng, chúng ta phải điều chỉnh các sắc thuế theo hướng giảm tỷ lệ động viên GDP vào NSNN. Nếu như trong giai đoạn trước, tỷ lệ động viên GDP vào NSNN chiếm từ 26-27% GDP thì đến nay chỉ chiếm trên 21% GDP, trong đó động viên từ thuế và phí khoảng 20,5% GDP.
Thêm vào đó thị trường thế giới diễn biến không ổn định, giá dầu thô giảm mạnh dẫn đến nguồn thu NSNN từ dầu thô từ chỗ chiếm trên 10% tổng thu NSNN giờ tụt còn gần 5% tổng thu NSNN. Không chỉ giảm thu từ dầu thô, chúng ta còn giảm thu từ thuế xuất nhập khẩu xăng dầu. Như vậy, thu NSNN chịu đòn kép từ giảm giá dầu thô, khiến thu NSNN giảm dẫn đến khó khăn cho cân đối NSNN.
Trong khi đó chi NSNN luôn có áp lực thực hiện các chính sách chi đã được ban hành, như giảm nghèo, tăng lương theo lộ trình, an sinh xã hội, ưu tiên giáo dục đào tạo… Ngoài ra phải kể đến áp lực với nhu cầu chi đầu tư phát triển.
Áp lực chi đầu tư xây dựng hạ tầng cũng rất lớn, nếu không đầu tư thì môi trường kinh doanh khó khăn, nút thắt nền kinh tế càng tắc. Để giải phóng các lực lượng sản xuất thì cần tập trung xử lý các nút thắt, trong đó nút thắt quan trọng là đầu tư xây dựng hạ tầng. Đây là nhiệm vụ của Nhà nước nên áp lực chi rất lớn trong điều kiện cân đối hết sức khó khăn. Trong khi, thu của chúng ta chỉ đảm bảo chi thường xuyên và một phần trả nợ, còn phần lớn vốn đầu tư phụ thuộc vào vốn vay.
Xin cảm ơn ông!