Xóa đói, giảm nghèo nơi đảo xa
Những ngày đầu tháng 7, bầu trời huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) như bừng sáng sau những cơn mưa vừa dứt. Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Nguyễn Hiếu Trung chất phác, cười xòa nói với chúng tôi, dù điều kiện kinh tế đảo còn nhiều khó khăn nhưng với sự đoàn kết, đồng lòng, cán bộ đơn vị không chỉ thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao mà mỗi năm còn giúp hàng chục, hàng trăm gia đình thoát nghèo bền vững…
Người dân đến vay vốn tại một điểm giao dịch của NHCSXH Phú Quốc |
Huyện Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang, nằm ở phía Tây Nam của Tổ quốc, nằm trong Vịnh Thái Lan. Huyện Phú Quốc là một quần đảo gồm 26 đảo lớn nhỏ, có diện tích tự nhiên là 593 km2 trải dài trên một vùng biển rộng 6.000 km2, trong đó đảo lớn nhất là trung tâm Phú Quốc có dạng hình thoi nằm theo hướng Bắc Nam.
Gắn với đảo lớn còn có 12 đảo nhỏ khác, trong đó lớn nhất là Hòn Thơm với diện tích 5 km2. Diện tích đảo Phú Quốc khoảng 561 km2, chiều dài từ Bắc xuống Nam khoảng 52 km, nơi rộng nhất là 52 km, nơi hẹp nhất là 01 km.
Đảo Phú Quốc cách thành phố Rạch Giá khoảng 120 km, cách thị xã Hà Tiên 46 km, cách đường lãnh hải Campuchia - Việt Nam 4,5 km. Tính đường hàng không, khoảng cách từ Phú Quốc đi TP. Hồ Chí Minh khoảng 500 km, đi Phnôm Pênh (Campuchia) khoảng 400km, đi Băng Cốc (Thái Lan) khoảng 800km.
Huyện Phú Quốc có 10 đơn vị hành chính, trong đó có 2 xã đảo, với 51 ấp, khu phố. Dân số toàn huyện khoảng 98 nghìn người, chủ yếu là 3 dân tộc Kinh, Hoa và Khơme. Tổng số hộ dân của huyện là 25.698 hộ, trong đó 499 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 1,94%, hộ cận nghèo 634 hộ chiếm 0,64%. Phú Quốc có địa hình chủ yếu là rừng, biển và đồng bằng.
Anh Trung, với vẻ mặt hiền hậu, dáng người cao to và làn da ngăm đen thấm đẫm sự mặn mòi của biển cả, là người tiên phong thực hiện nhiệm vụ phát triển Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phú Quốc cho biết, phòng được thành lập theo Quyết định số 407/QĐ-HĐQT ngày 10/5/2003 của Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH, và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 11/2003.
Những ngày đầu mới thành lập, anh em gặp rất nhiều khó khăn. Trụ sở làm việc phải thuê nhà của dân; về cán bộ bước đầu tại Phòng giao dịch chỉ có 3 người vừa phải thực hiện 2 nhiệm vụ là hình thành ngay hệ thống tổ chức và phải triển khai các hoạt động trên địa bàn không để ngưng trệ. Song, với quyết tâm, sáng tạo và sự nhiệt huyết của tuổi trẻ cùng với sự hỗ trợ của lãnh đạo ngành và địa phương, đến nay trụ sở đã được xây dựng khá khang trang, hỗ trợ tốt cho nhiệm vụ hoạt động của ngành và người dân.
Bên cạnh đó nguồn vốn hoạt động rất hạn chế, dư nợ chỉ có hơn 4 tỷ đồng nhận bàn giao từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Kho bạc Nhà nước, trong đó nợ quá hạn trên 32%. Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương; sự chỉ đạo trực tiếp của Ban đại diện HĐQT huyện cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của các ban ngành, đoàn thể và sự phấn đấu nỗ lực của tập thể cán bộ công nhân viên đã đưa hoạt động của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phú Quốc đi vào ổn định và từng bước phát triển, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Cán bộ tín dụng thăm vườn tiêu của một hộ gia đình |
Từ khi thành lập năm 2003 đến nay, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phú Quốc đã tích cực phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương tổ chức thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm và ổn định xã hội, tổng hợp được các nguồn lực của xã hội góp phần thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội tại địa phương.
Đến hết năm 2016, tổng dư nợ đạt 126.869 triệu đồng, tăng 11.424 triệu đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng 9,89%, đạt 99,6% kế hoạch năm, với trên 7 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đang vay vốn. Trong năm 2016, đã có trên 4 ngàn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH huyện.
Vốn tín dụng đã góp phần đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi và buôn bán nhỏ của 1.927 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo; hỗ trợ tạo việc làm cho 186 lao động; giúp các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn vay vốn chi phí học tập cho 370 học sinh sinh viên; nâng cấp sửa chữa 1.553 công trình nước sạch và 1.528 công trình vệ sinh môi trường.
Hiện nay, Phòng giao dịch NHCSXH huyện đã cho vay 9 chương trình trên địa bàn: hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay giải quyết việc làm, cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cho vay đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167, và cho vay hộ dân tộc thiểu số nghèo đời sống khó khăn theo Quyết định 74/TTg-CP của Thủ tướng Chính phủ.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, Phòng giao dịch NHCSXH huyện đã tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách về tín dụng của Nhà nước, các quyết định, văn bản chỉ đạo của NHCSXH Việt Nam, UBND tỉnh... Ngay từ đầu năm, Phòng giao dịch đã tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, trong đó trọng tâm là kịp thời tổ chức thực hiện chỉ tiêu kế hoạch tín dụng năm 2017, tham mưu Trưởng ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện phân bổ kịp thời nguồn vốn cho vay được tỉnh cấp mới là 10.000 triệu đồng.
Nhờ đó, tổng dư nợ đạt 134.519 triệu đồng, tăng 7.658 triệu đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng 6,04%, đạt 98,94% kế hoạch, với trên 10.046 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đang vay vốn. Trong 6 tháng đầu năm 2017, đã có 2.142 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH huyện.
Vốn tín dụng tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất vào các lĩnh vực chăn nuôi và buôn bán nhỏ của 1.096 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, hỗ trợ tạo việc làm cho 255 lao động; giúp các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn vay vốn chi phí học tập cho 675 học sinh sinh viên; nâng cấp sửa chữa 5.729 công trình nước sạch và công trình vệ sinh môi trường.
Hoạt động của phòng giao dịch không chỉ góp phần giúp cho các hộ gia đình vay vốn có công việc ổn định, an tâm sản xuất mà còn góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; đưa tổng giá trị sản xuất toàn huyện 6 tháng đầu năm 2017 tăng 33,09% so cùng kỳ. Các ngành, các lĩnh vực đều tăng khá, một số ngành đạt kế hoạch ở mức cao như: Thương mại - du lịch và dịch vụ đạt doanh thu 16.609 tỷ đồng, tăng 16,23% so cùng kỳ, đạt 49,34% so kế hoạch.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, huyện đã thu hút 987.940 lượt khách du lịch, tăng trên 44% so cùng kỳ, đạt 54,28% so kế hoạch. Tổng sản lượng thủy sản ước đạt gần 100.000 tấn, tăng 27,47% so cùng kỳ. Sản lượng tiêu thu hoạch đạt 1.245 tấn, tăng 2,05% so cùng kỳ. Thu ngân sách đạt hơn 1.760 tỷ đồng.
Kinh tế - xã hội phát triển cũng đã giúp cho Phú Quốc thu hút thêm được nhiều dự án đầu tư mới. Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc, từ đầu năm đến nay có 16 dự án mới được chấp thuận chủ trương đầu tư trên địa bàn huyện với diện tích 467 ha; cấp mới 9 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với diện tích 64,38 ha, tổng số vốn đầu tư 2.634 tỷ đồng.
Lũy kế đến nay, huyện có 265 dự án đầu tư còn hiệu lực trong các khu quy hoạch, với diện tích trên 10.500 ha. Những đóng góp của tập thế cán bộ NHCSHX trên địa bàn Phú Quốc đã được ngành Ngân hàng và chính quyền địa phương các cấp ghi nhận với nhiều bằng khen và giấy khen…
Chia tay Phú Quốc trong cái bắt tay nắm chặt, ông Nguyễn Hiếu Trung nói với chúng tôi rằng, dù Phòng giao dịch có quân số ít, chỉ 9 cán bộ trong đó có 7 biên chế và 2 hợp đồng, kinh tế xã hội trên địa bàn huyện còn gặp nhiều khó khăn khi đa phần người dân sống bằng nghề đánh bắt hải sản, thu nhập còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn nhiều… nhưng với quyết tâm và nhiệt huyết của tuổi trẻ, cùng với sự đoàn kết một lòng, tập thể cán bộ đơn vị sẽ nỗ lực phấn đấu phục vụ để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.