Xử lý nợ xấu: Không có vùng cấm cho các sai phạm
Xử lý nợ xấu, chắc chắn lãi suất sẽ giảm | |
Việc ban hành Nghị quyết về XLNX bảo đảm tính hợp Hiến | |
Xử lý nợ xấu: Không ai muốn ốm để được uống sữa! |
Ngân hàng cũng muốn được "giải cứu"
Một chuyên gia đã đặt vấn đề như vậy khi mổ xẻ về các giải pháp để xử lý nợ xấu. Vì thực tế hiện cả nền kinh tế đều trông chờ vốn đầu tư từ hệ thống NH. Nhất là khi nguồn vốn vay từ nước ngoài để đầu tư ngày càng trở nên đắt đỏ hơn thì cầu vốn càng đổ dồn về phía NH từ tín dụng thương mại, tín dụng ưu đãi, chính sách…
Đơn cử, tại Nghị quyết 46/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2017 vừa được ban hành, người đứng đầu Chính phủ đã lưu ý ngành NH phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm 2017 vượt mức kế hoạch 18% mà NHNN đưa ra từ đầu năm. Và cứ khi nào DN, người dân gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh là lại có ý kiến đề nghị các NH tham gia "giải cứu".
Việc cần xử lý nhanh nợ xấu không phải cho riêng NH mà đằng sau đó là cả nền kinh tế |
Cho đến thời điểm này theo tính toán của các chuyên gia NH, vốn NH chiếm 50% vốn cấp cho nền kinh tế. Thực tế này đặt ra câu hỏi, liệu có hay chăng NH đang bị nền kinh tế “phong tỏa”. Mới đây, một đại biểu quốc hội còn cho rằng, một số NH đang là con tin của các tập đoàn lớn. Đây là một vấn nạn hiện nay. Đối với hoạt động tín dụng, TS. Nguyễn Trí Hiếu khẳng định, càng cho vay nhiều, khả năng nợ xấu phát sinh lại càng tăng. Nếu muốn làm ăn có lãi mà không có nợ xấu, theo TS. Hiếu các NH cũng có thể thực hiện được bằng cách tự "giải thoát" mình khi siết lại tín dụng, chỉ cho vay các đối tượng rủi ro gần như không có như cho vay cầm cố sổ tiết kiệm, hoặc là cho Chính phủ vay... Còn không chúng ta phải chấp nhận rủi ro tín dụng.
Thậm chí, có vị lãnh đạo NH còn quả quyết nếu chỉ cấp vốn ngắn hạn cho nền kinh tế, chắc chắn NH kiểm soát hoàn toàn nợ xấu ở mức thấp nhất. Tuy nhiên, đặc thù mô hình vốn nền kinh tế dựa phần lớn vào vốn NH thì các NH không có nhiều sự lựa chọn. Vì thế, việc cần xử lý nhanh nợ xấu không phải cho riêng NH mà đằng sau đó là cả nền kinh tế. Giải phóng một lượng vốn lớn tồn đọng ở nợ xấu, sẽ có một nguồn vốn lớn kịp thời cung ứng cho nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng GDP. Nếu không một lượng vốn lớn không sinh lời sẽ bị đọng lại, DN tiếp cận vốn khó khăn do cung vốn hạn chế. Nợ xấu tăng các NH sẽ phải tăng cường trích lập dự phòng theo đó chi phí hoạt động tăng phải bù đắp bằng lãi suất cho vay.
Nếu như vậy, việc cả hệ thống chính trị vào cuộc chung tay xử lý nợ xấu cùng với hệ thống NH có phải là đòi hỏi quá hay không? Lãnh đạo một NH khẳng định không có bất kỳ một ưu ái nào đối với hệ thống NH. Các tổ chức, cá nhân vi phạm, thao túng gây hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật. Thực tế, không phải đến khi đưa ra Dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu, những vụ án hình sự liên quan đến hoạt động NH mới cho thấy không có vùng cấm đối với các sai phạm NH.
Công bằng, nghiêm minh
Đồng quan điểm không có vùng cấm đối với những người cố tình gây ra nợ xấu, một CEO nhận định, trên thế giới cũng đang thực hiện như quy định tại Dự thảo Nghị quyết thậm chí còn có chính sách quyết liệt hơn. Ở đó, dù con nợ là bất kỳ ai nhưng đã vay nợ thì phải trả. Tại Việt Nam cũng không ngoại lệ. Nhưng hiện tại quy định pháp luật chưa phát triển kịp với thực tế diễn ra nên cần phải điều chỉnh để khắc phục những bất cập, thực hiện tính nghiêm minh của luật pháp chứ không có một ưu ái đặc quyền nào. Nếu so với thông lệ quốc tế, những quy định đó chỉ tương đương chứ không vượt quá thông lệ bình thường chỉ phản ánh đúng bản chất vay nợ.
Đang có sự hiểu lầm rất lớn khi cho rằng Nghị quyết xử lý nợ xấu chỉ để giải cứu các NH và gây thiệt hại cho nền kinh tế. Thực tế thì ngược lại, chính các NH đang chịu thiệt hại khi “được” xử lý nợ xấu, đó là băn khoăn của TS. Nguyễn Trí Hiếu khi bàn đến các giải pháp xử lý nợ xấu. Vị chuyên gia lý giải thêm: đến thời điểm này, giá trị thực của các món nợ đang giữ tại NH cũng như đã bán sang VAMC đều giảm, có nhiều khoản xuống giá mạnh. Vì thế, khi xử lý các khoản nợ này, người chịu thiệt hại đầu tiên chính là các NH chứ không ai khác.
Từ kinh nghiệm thực tế trên thế giới, phải khẳng định rằng bất kỳ quá trình ứng phó, xử lý các vấn đề lớn liên quan đến nhiều bên, đến dòng tiền lớn… mà chúng ta lại muốn làm quyết liệt, giảm thiểu phí tổn không cần thiết cho nền kinh tế mà đòi hỏi sự hoàn hảo là rất khó. Nhất là mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chủ yếu dựa vào nguồn vốn cung ứng của NH.
Cũng bởi vậy, theo quan điểm của một thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ phải đặt lợi ích chung lên cao nhất, gắn với sự ổn định, phân bổ hiệu quả nguồn lực và tăng cường khả năng chống đỡ các cú sốc của cả nền kinh tế, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững. Theo nghĩa đấy việc thông qua một Nghị quyết riêng về xử lý nợ xấu không phải là sự ưu ái cho NH, mà là sự “ưu ái” cần thiết cho cả nền kinh tế. Nguyên tắc ở đây là quyền hạn, cách làm quyết liệt hơn đi đôi với giải trình, giám sát minh bạch. Những người gây ra tội phải chịu trách nhiệm trước pháp luật một cách tường minh, bảo vệ những người kinh doanh NH chân chính chứ không có sự bao che hay dung túng bất kỳ ai ở đây.
Trước cam kết giám sát chặt chẽ minh bạch quá trình xử lý nợ xấu, một số chuyên gia, lãnh đạo NH và cả đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ hy vọng Quốc hội xem xét thông qua phương án về phạm vi xử lý nợ xấu tức là cho phép xử lý các khoản nợ trước 31/12/2016 lẫn nợ phát sinh mới trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực.
Đại biểu Quốc hội đoàn Quảng Trị Đỗ Văn Sinh chia sẻ, nếu Quốc hội chỉ cho phép nợ xấu xử lý đến 31/12/2016 thì giá trị và hiệu quả của Nghị quyết sẽ bị hạn chế. Mục tiêu tỷ lệ nợ xấu về dưới 3% là rất khó khả thi. Bởi vì, theo đà tăng trưởng tín dụng hàng năm khoảng 15 -18%. Trung bình nợ xấu phát sinh 1,3%/năm thì trong khoảng 5 năm tới tỷ lệ nợ xấu sẽ khoảng 7,15%. Số nợ xấu đó không được là đối tượng điều chỉnh tại Nghị quyết mà lại áp dụng như các quy định hiện hành thì đến tháng 7/2022 sẽ lại xuất hiện một đống nợ xấu to hơn hiện nay. Vì vậy, ông Sinh cho rằng, việc cho phép xử lý các khoản nợ xấu đã và sẽ xảy ra đến hết thời hạn hiệu lực của Nghị quyết trong vòng 5 năm là cần thiết.