Việc ban hành Nghị quyết về XLNX bảo đảm tính hợp Hiến
Xử lý nợ xấu: Không ai muốn ốm để được uống sữa! | |
Kỳ vọng xây dựng hệ thống TCTD lành mạnh | |
Xử lý nợ xấu phải đồng thời với ngăn ngừa nợ xấu phát sinh |
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết trước phiên thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, về tính pháp lý của dự thảo Nghị quyết, một số ý kiến đề nghị làm rõ tính pháp lý của Nghị quyết vì có một số quy định khác với các luật hiện hành cũng mới được Quốc hội thông qua gần đây như Bộ luật Dân sự 2015, Luật Thi hành án dân sự...
Ảnh minh họa |
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo: Việc XLNX thời gian qua gặp nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao do vướng mắc về pháp lý, có những vấn đề pháp luật chưa có quy định hoặc đã có quy định nhưng chưa đủ mạnh để giải quyết nợ xấu. Khoản 2 Điều 15 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định Nghị quyết được ban hành để thí điểm các chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành. Như vậy, việc ban hành Nghị quyết là có cơ sở pháp lý, bảo đảm tính hợp hiến.
Về những nội dung quan trọng trong dự thảo Nghị quyết, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, về phương thức bán nợ xấu theo giá thị trường (Điều 5), một số ý kiến đề nghị việc bán nợ xấu thấp hơn giá trị ghi sổ của khoản nợ nên thực hiện theo phương thức đấu giá để bảo đảm công khai minh bạch.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu và cho rằng: Khoản 1 Điều 306 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có quyền thỏa thuận về giá tài sản bảo đảm; trường hợp không có thỏa thuận thì tài sản được định giá thông qua tổ chức định giá tài sản. Như vậy, việc cho phép áp dụng các phương thức khác nhau trong xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của Bộ luật Dân sự và các quy định khác (như Luật Đấu giá tài sản) sẽ bảo đảm hiệu quả xử lý nợ xấu nhanh với chi phí xử lý phù hợp. Do vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về bảo đảm công khai, minh bạch, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin chỉnh lý Điều 5 dự thảo Nghị quyết như sau: “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được quyền bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật; giá bán phù hợp với giá thị trường, có thể cao hơn hoặc thấp hơn giá trị ghi sổ của khoản nợ”.
Đối với việc thu giữ tài sản bảo đảm trong trường hợp có tranh chấp (Điều 7), trong phiên thảo luận ngày 7/6 đã nhận được khá nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội. Một số ý kiến đề nghị cần quy định chặt chẽ để việc thu giữ tài sản bảo đảm không ảnh hưởng đến quy định của Hiến pháp về quyền công dân, quyền nhà ở của công dân; công khai minh bạch thông tin về thu giữ tài sản, kéo dài thời gian thông báo về việc thu giữ, quy định phù hợp về thẩm quyền của UBND và Công an cấp xã.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo: Điều 22 Hiến pháp quy định “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý. Việc khám xét chỗ ở do luật định”.
Theo quy định tại Nghị quyết, việc thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận tự nguyện đã có tại hợp đồng bảo đảm giữa các bên. Như vậy, việc TCTD thu giữ tài sản bảo đảm là nhà ở của người bảo đảm hoặc người giữ tài sản bảo đảm (chủ nhà) về nguyên tắc đã được người bảo đảm hoặc người giữ tài sản bảo đảm (chủ nhà) đồng ý theo thỏa thuận thu giữ tại hợp đồng bảo đảm đã ký. Do vậy, việc thực hiện các quyền này không xâm phạm đến quyền con người, quyền công dân, quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở theo quy định tại Hiến pháp.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý Điều 7 theo hướng minh bạch thông tin việc thu giữ, đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu. Đồng thời, quy định phù hợp hơn về thẩm quyền của UBND cấp xã, cơ quan Công an, kéo dài thời gian thông báo để người có tài sản bị thu giữ có thêm thời gian sắp xếp việc chuyển giao tài sản bảo đảm và sắp xếp chỗ ở cho những người liên quan nếu thu giữ tài sản bảo đảm là nhà ở.
Về xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản (Điều 10), một số ý kiến cho rằng dự án bất động sản chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì không được thế chấp, chỉ nên cho phép bán dự án bất động sản đủ điều kiện. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Pháp luật hiện hành cho phép thế chấp, nhận thế chấp tài sản hình thành trong tương lai. Theo quy định tại Điều 148 của Luật Nhà ở năm 2015, VAMC và TCTD được nhận thế chấp dự án bất động sản khi chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi khách hàng không trả được nợ, về nguyên tắc, VAMC và TCTD được quyền xử lý tài sản bảo đảm đã nhận thế chấp hợp pháp. Việc chuyển nhượng các dự án bất động sản sẽ góp phần mang lại hiệu quả cho nền kinh tế. Do vậy, nếu yêu cầu VAMC, TCTD đáp ứng đầy đủ điều kiện chuyển nhượng dự án bất động sản theo khoản 1 và khoản 2 Điều 49 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 thì VAMC và TCTD không thể xử lý, chuyển nhượng nhiều khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là dự án bất động sản hoặc tài sản hình thành trong tương lai chưa hoàn thành “công trình hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ ghi trong dự án đã được phê duyệt” hoặc chủ đầu tư chưa có Giấy chứng nhận “quyền sử dụng đất đối với toàn bộ hoặc phần dự án chuyển nhượng”.
Việc quy định như dự thảo Nghị quyết là phù hợp và cần thiết để tăng hiệu quả xử lý nợ xấu, góp phần thu hồi tối đa giá trị tài sản bảo đảm, xử lý tình trạng dự án treo, bảo đảm quyền lợi của các bên liên quan, đặc biệt là người mua nhà tại dự án bất động sản.