Xử lý nợ xấu: Không ai muốn ốm để được uống sữa!
Kỳ vọng xây dựng hệ thống TCTD lành mạnh | |
Xử lý nợ xấu phải đồng thời với ngăn ngừa nợ xấu phát sinh | |
Nghị quyết Xử lý nợ xấu: Giải tỏa ách tắc dòng chảy vốn | |
Nên sớm ban hành Nghị quyết xử lý nợ xấu |
Tuần qua, Quốc hội đã sôi động với phiên thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD và Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu (XLNX) của các TCTD. Sự sôi động được thể hiện ở nhiều góc độ: các ý kiến phát biểu thể hiện sự nghiên cứu kỹ và am hiểu về tác động của nợ xấu tới nền kinh tế; số lượng đại biểu đăng ký phát biểu lên tới 42 người, trong khi thời gian có hạn nên chỉ 25 đại biểu được “đăng đàn”; nhiều phát biểu ấn tượng về XLNX...
Đặc biệt, mặc dù chương trình phiên họp đưa ra 2 nội dung để các đại biểu phát biểu thảo luận, nhưng có lẽ do Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD vẫn còn tiếp tục thảo luận ở kỳ họp thứ 4 tới, và do nhận thấy vấn đề nợ xấu đang rất cấp bách, nên đa số ý kiến thảo luận ưu tiên cho Dự thảo Nghị quyết về XLNX của các TCTD.
Ảnh minh họa |
Tựu chung lại, các ý kiến đại biểu Quốc hội đều cho rằng việc ban hành Nghị quyết về XLNX là rất cần thiết. Đơn cử, đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng, vấn đề nợ xấu của các TCTD là một phần rủi ro trong hoạt động tín dụng và trong quá trình phát triển kinh tế. Nhưng ông cũng cho rằng, nợ xấu hiện nay không chỉ là của riêng hệ thống ngân hàng mà của cả nền kinh tế. Giải quyết nợ xấu cần sự vào cuộc của cả khách hàng, hệ thống ngân hàng và hệ thống chính trị.
“Tôi đồng tình cao với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, và theo tôi đây cũng là thời điểm hết sức cần thiết để Quốc hội ban hành Nghị quyết về XLNX của các TCTD”, ông Sơn chia sẻ.
Cùng dòng suy nghĩ này, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (TP. Hà Nội) cũng bày tỏ sự tán thành cũng như ủng hộ với chủ trương sớm ban hành Nghị quyết về XLNX nhằm góp phần làm lành mạnh hóa hệ thống tín dụng, hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế. Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) dẫn lại câu ví von của nhiều chuyên gia kinh tế rằng nợ xấu như "cục máu đông", rất nguy hiểm. Hệ lụy có thể một là đột quỵ, hai là tính mạng bị đe dọa.
“Tôi không những đồng tình mà đồng tình cao với việc ban hành Nghị quyết về XLNX. Đây là giải pháp tốt nhất để thực hiện chủ trương của Đảng, của Quốc hội, của Chính phủ trong việc XLNX”, đại biểu Phương thể hiện sự ủng hộ.
Một số đại biểu cũng chia sẻ với hệ thống ngân hàng khi gặp phải không ít khó khăn trong XLXN và đồng tình việc ban hành Nghị quyết về XLNX là việc “chẳng đặng đừng”. Bởi vì, nguyên nhân sâu xa không phải ai muốn gây ra nợ để rồi phải đi xử lý, mà do nhiều yếu tố tác động từ khách quan đến chủ quan của nền kinh tế.
Đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) khẳng định, trên thực tế nợ xấu không phải vấn đề cá biệt của riêng quốc gia nào. Ngược lại, nợ xấu mang tính chất thường xuyên xảy ra đối với hoạt động tín dụng, trong cơ chế thị trường. Nói cách khác, không một hoạt động tín dụng nào loại trừ được khả năng phát sinh nợ xấu.
Cũng có chung nhận định nợ xấu phát sinh do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, liên quan đến nhiều chủ thể, đại biểu Nguyễn Ngọc Hải (Hà Giang) cho rằng chủ thể đó bao gồm: ngân hàng, khách hàng vay vốn, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan bảo vệ pháp luật, môi trường sản xuất kinh doanh, cơ chế chính sách, nguồn lực tài chính. “Nợ xấu luôn là phạm trù không muốn có trong hoạt động của ngành Ngân hàng. Tôi cho rằng không ai muốn ốm để được uống sữa”, ông Hải ví von.
Tổng hợp lại các phiên thảo luận vừa qua, các ý kiến đại biểu Quốc hội dù là đồng ý hay phản biện, đều có đóng góp thêm cho Dự thảo Nghị quyết về XLNX để cho chính sách được hoàn thiện hơn, và mong muốn việc XLNX được thực hiện tốt trong thời gian tới. Như lời LS. Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh): Cử tri rất mong muốn Nghị quyết minh thị và minh bạch, đọc lên cử tri nghe thấy tán thành và hài lòng, họ sẽ tham gia giám sát và ủng hộ việc thi hành Nghị quyết này...