Xử lý nợ xấu: Phải đảm bảo quyền xử lý TSBĐ cho ngân hàng
Gian nan hành trình xử lý tài sản bảo đảm (Kỳ 2) | |
Quyền xử lý TSBĐ của các TCTD dưới góc nhìn của pháp luật | |
Cần nâng cao trách nhiệm của người vay nợ |
Để xử lý nợ xấu (XLNX) nhanh và bền vững hơn phải xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) hiệu quả. Vì 90% khoản nợ xấu có TSBĐ. Nhưng, hiện nay quyền xử lý TSBĐ của các TCTD đang bị hạn chế. Đâu là nguyên nhân cản trở các TCTD trong việc thực hiện quyền hợp pháp của mình.
Phóng viên Thời báo Ngân hàng đã có cuộc trao đổi với ông Hà Sỹ Vịnh – Phó giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và Quản lý rủi ro Agribank để rõ hơn những vướng mắc mà các NH đang gặp phải khi xử lý TSBĐ.
Vì sao NH gặp nhiều vướng mắc khi xử lý TSBĐ như vậy, thưa ông?
Quyền xử lý tài sản của TCTD nhiều khi không được bảo vệ, thậm chí đang bị vi phạm một cách nghiêm trọng và đang diễn ra phổ biến. Có 3 vấn đề bất cập gây khó khăn cho NH khi thực hiện quyền này. Thứ nhất, là quyền thu giữ tài sản. Theo điều 63 Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm, Điều 9 Thông tư liên tịch số 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN ngày 06/6/2014 hướng dẫn một số vấn đề về xử lý tài sản có quy định: Người giữ TSBĐ phải giao tài sản đó cho người xử lý tài sản, hết thời hạn theo thông báo bên giữ tài sản không giao tài sản, người xử lý tài sản có quyền thu giữ TSBĐ. Người xử lý tài sản có quyền yêu cầu UBND cấp xã và cơ quan công an áp dụng các biện pháp để thực hiện quyền thu giữ.
Việc ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy định về xử lý tài sản và chế tài đối với vi phạm trong xử lý TSBĐ, sẽ cởi nút thắt trong xử lý nợ xấu của các TCTD hiện nay |
Quy định là như vậy, nhưng trên thực tế phần lớn TCTD không thực hiện được quyền trên khi bên bảo đảm không hợp tác. Nhiều trường hợp giao lại cho bên bảo đảm khai thác và sử dụng TSBĐ khi đấu giá tài sản thành công, bên giữ tài sản chống đối, cản trở không bàn giao TSBĐ.
Đặc biệt, tới đây khi Luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực với quy định mới tại Điều 301: Người đang giữ TSBĐ có nghĩa vụ giao TSBĐ cho bên nhận bảo đảm để xử lý khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 299 của Bộ luật này. Trường hợp người đang giữ tài sản không giao tài sản thì bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác...
Như vậy, kể từ ngày 01/01/2017, TCTD khi xử lý TSBĐ không được thực hiện thu giữ tài sản mà phải yêu cầu Tòa án giải quyết. Với quy định trên, việc thu giữ TSBĐ lại quay về con số 0. Không thu giữ được tài sản tức là không xử lý được tài sản trực tiếp mà phải qua con đường tố tụng. Mà qua con đường này thì như bạn biết vô vàn khó khăn.
Thứ hai, là giá tài sản, NH cũng không được quyền quyết định giá khi xử lý tài sản. Theo quy định nếu không thỏa thuận được với khách hàng, NH phải thuê cơ quan thẩm định giá. Nhưng việc chọn cơ quan thẩm định giá cũng chưa có quy định rõ ràng, tính chính xác, độ tin cậy hiệu quả không cao.
Ví dụ về thẩm định giá, đã từng có vụ cơ quan thẩm định giá tài sản 174 tỷ đồng nhưng sau 3 năm đấu giá thu được 14 tỷ đồng vì định giá bán quá cao. Ngược lại, có những trường hợp thẩm định giá quá thấp để NH thiệt hại trong xử lý tài sản. Có thể nói, quy định và quá trình thực hiện có nhiều kẽ hở để việc định giá bán không sát thị trường, gây thiệt hại cho TCTD.
Thứ ba, là thủ tục chuyển nhượng. Theo quy định thủ tục chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng TSBÐ cho bên mua được thực hiện ngay cả khi bên bảo đảm không hợp tác. Cụ thể Ðiều 70 Nghị định 163/2006/NÐ-CP, Ðiều 12 Thông tư liên tịch số 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN quy định trường hợp bên bảo đảm không tự nguyện ký hợp đồng, giấy tờ, tài liệu chứng minh việc chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản thì bên nhận bảo đảm được quyền ký hợp đồng, giấy tờ, tài liệu đó nhưng trong hồ sơ chuyển quyền phải bổ sung 01 bản chính hợp đồng bảo đảm đã được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật. Trong thực tế các cơ quan nhà nước có thẩm quyền không thực hiện nếu không có sự hợp tác của bên bảo đảm ký hợp đồng chuyển nhượng.
Nguyên nhân nào tác động đến quyền xử lý TSBĐ của các NH?
Mặc dù những năm gần đây đã có nhiều cố gắng nhưng các quy định về xử lý tài sản nói chung và quy định về quyền xử lý TSBĐ của TCTD còn nhiều hạn chế vừa thiếu, vừa yếu, còn chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn lẫn nhau. Theo quy định tại Nghị định 163/2006/NĐ-CP, Thông tư liên tịch số 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN, TCTD được quyền thực hiện chuyển nhượng kể cả khi bên bảo đảm không hợp tác. Tuy nhiên, các quy định khác có liên quan như về chuyển quyền sử dụng đất quy định phải có chữ ký của chủ tài sản nên các cơ quan có thẩm quyền không thực hiện theo quy định tại Nghị định 163, Thông tư liên tịch số 16.
Chính vì những quy định pháp luật có liên quan đến xử lý TSBĐ còn thiếu, yếu nên có hiện tượng trì hoãn việc xử lý TSBĐ. Ví dụ, một TSBĐ chờ xử lý nhưng đang cho thuê mỗi tháng hàng tỷ đồng, NH không quản lý tiền thuê đó. Người đi vay cố tình kéo dài thời gian xử lý để hưởng lợi từ tiền đó. Trong khi NH không thể làm gì được.
Vấn đề nữa, phải công bằng mà nói, có nguyên nhân chủ quan từ phía bên xử lý tài sản. Đó là nội dung của hợp đồng bảo đảm dù rất quan trọng, nhưng lại thường được thể hiện rất sơ sài, chung chung, không cụ thể, nên dễ xảy ra tranh chấp. Ví dụ: Phải có nội dung thỏa thuận thu giữ tài sản như thế nào, việc xác định giá bán/giá khởi điểm như thế nào; việc thuê tổ chức thẩm định giá/đấu giá tài sản; việc bàn giao tài sản... Hợp đồng càng chi tiết, càng cụ thể sẽ hạn chế tranh chấp, nếu có tranh chấp TCTD sẽ có đủ căn cứ để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình...
TCTD chưa mạnh dạn trong việc nhận tài sản để thay thế nghĩa vụ trả nợ. Nắm giữ TSBĐ để thay thế nghĩa vụ trả nợ sẽ tăng quyền chủ động xử lý tài sản và xử lý tài sản có hiệu quả, tuy nhiên phương thức này còn ít được sử dụng.
Vậy theo ông cần có giải pháp nào để đảm bảo quyền xử lý TSBĐ cho các TCTD nhằm đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu?
Việc ban hành, sửa đổi, bổ sung quy định về xử lý tài sản và quy định về chế tài đối với vi phạm trong xử lý TSBĐ sẽ cởi nút thắt trong xử lý nợ xấu của các TCTD hiện nay. Cụ thể, theo tôi, cần phải ban hành luật riêng về xử lý nợ, trong đó có xử lý TSBĐ trong một giai đoạn nhất định. Trong khi chưa ban hành luật có thể ban hành Nghị định hoặc Thông tư về xử lý kịp thời các vấn đề vướng mắc với nguyên tắc đảm bảo tính tự nguyện, thỏa thuận và đảm bảo sự công bằng trong quan hệ vay mượn, xử lý tài sản.
Ví như, các NH đang gặp khó với quy định tại Điều 301 Bộ luật Dân sự 2015 như tôi đã nói ở trên. Nếu chưa có bộ luật riêng về vấn đề này thì có thể vận dụng quy định khác để giải quyết khó khăn vướng mắc của các NH trong thực hiện quyền xử lý TSBĐ.
Xin cảm ơn ông!