Gian nan hành trình xử lý tài sản bảo đảm (Kỳ 2)
Ra mắt chuyên mục “Quyền xử lý tài sản bảo đảm của các TCTD” | |
Nhận thức đủ và đúng về xử lý tài sản bảo đảm | |
Gian nan hành trình xử lý tài sản bảo đảm (Kỳ 1) |
Kỳ 2: Pháp luật bảo vệ quyền chủ nợ, nhưng chỉ trên… lý thuyết
“Đụng” đâu vướng đó
Con bò đậu đỉnh cây tre/ Con chim chích chòe kéo cày khư khư/ Hòn đá ninh mật cho nhừ/ Khoai lang củ từ đem bắc cầu ao
Là câu vè nói về những chuyện ngược đời không bao giờ xảy ra. Nhưng cái sự ngược đời này lại xảy ra rất nhiều trong quá trình xử lý TSBĐ của các NH đối với khách hàng vay không trả được nợ. Có những khách hàng mặc dù còn nợ NH một khoản tương đối lớn nhưng vẫn đi xe sang, trụ sở đẹp nhất thành phố và… nhất định không trả nợ. Hay như có những khách hàng không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ, đến khi NH niêm phong căn hộ thu hồi nợ thì lại quay ra phản ứng, chây ì.
Một trong những biện pháp mạnh và hiệu quả được pháp luật trao cho các TCTD để thu hồi và xử lý nợ xấu là quyền được tổ chức thu giữ TSBĐ để thu hồi nợ. Quyền này thể hiện rõ trong quy định tại Khoản 1 Điều 63 của Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012).
Dù đã thực hiện đúng theo quy định, nhưng hiện công tác tổ chức thu giữ TSBĐ của các TCTD hầu như không tự thực hiện được bởi có xung đột pháp luật. Cụ thể, quyền thu giữ TSBĐ của TCTD chỉ được quy định tại một Nghị định của Chính phủ, trong khi đó chủ tài sản lại được “bảo vệ” tại nhiều quy định khác về quyền sở hữu tài sản, quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, quyền lợi của người tiêu dùng… trong Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Công chứng…
Vì thế, quy định cụ thể, rõ ràng tại đoạn 2, Khoản 4, Điều 58 về “Nguyên tắc xử lý TSBĐ” của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung) là: “Người xử lý tài sản căn cứ nội dung đã được thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm để tiến hành xử lý TSBĐ mà không cần phải có văn bản ủy quyền xử lý tài sản của bên bảo đảm” cũng gần như vô nghĩa trên thực tế.
Trên thực tế TCTD rất khó thực hiện quyền thu giữ TSBĐ do bên bảo đảm thường bất hợp tác |
Bên cạnh đó, theo quy định tại Khoản 5, Điều 63 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP: "Trong quá trình tiến hành thu giữ TSBĐ, nếu bên giữ TSBĐ có dấu hiệu chống đối, cản trở, gây mất an ninh, trật tự nơi công cộng hoặc có hành vi vi phạm pháp luật khác thì người xử lý TSBĐ có quyền yêu cầu UBND xã, phường, thị trấn và Cơ quan Công an nơi tiến hành thu giữ TSBĐ, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để giữ gìn an ninh, trật tự, bảo đảm cho người xử lý tài sản thực hiện quyền thu giữ TSBĐ".
Quy định là vậy nhưng trong thực tế, khi TCTD tiến hành việc thu giữ TSBĐ thì chủ tài sản, khách hàng thường chống đối rất quyết liệt. Nếu không được sự hỗ trợ, phối hợp của Cơ quan Công an và chính quyền địa phương nơi có TSBĐ thì việc thu giữ hầu như không thực hiện được. Chưa kể, nếu TCTD tiến hành không chặt chẽ về thủ tục, khéo léo trong quá trình thu giữ thì sẽ xảy ra nguy cơ có thể bị khép vào tội xâm phạm chỗ ở của công dân, cưỡng đoạt tài sản...
Mặt khác, theo quy định thì Cơ quan Công an chỉ có trách nhiệm giữ gìn an ninh, trật tự mà không có biện pháp hoặc chế tài để xử lý nếu bên giữ tài sản bất hợp tác, chây ì, trì hoãn không chuyển giao TSBĐ. Vì vậy, trên thực tế TCTD rất khó thực hiện quyền thu giữ TSBĐ do bên bảo đảm thường bất hợp tác.
Gần đây nhất, trong tháng 10/2016, Techcombank đã tiến hành thu giữ 1 TSBĐ tại Hà Nội. Đây là TSBĐ của khách hàng đã có nợ quá hạn hơn 2.000 ngày. Mặc dù NH đã làm đầy đủ các thủ tục để thu giữ TSBĐ (bao gồm cả việc gửi văn bản đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ), nhưng khi tiến hành thực hiện thu giữ, TCTD đã vấp phải sự chống đối quyết liệt từ chủ tài sản và không được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Ngay cả khi tài sản đã thu giữ thành công, bán đấu giá thành công, hợp đồng đấu giá đã công chứng… nhưng cơ quan chức năng ở một số UBND quận, huyện lại không đồng ý tiến hành thủ tục sang tên cho người trúng đấu giá.
Chậm xử lý TSBĐ: Lãng phí nguồn lực xã hội
Trong hoạt động xử lý TSBĐ, việc thu giữ, bán, sang tên, hạch toán thu nợ một số TSBĐ của Techcombank kéo dài hàng năm trời. Cá biệt có không ít trường hợp phiên đấu giá thành tài sản đã diễn ra từ năm 2013 nhưng đến nay tài sản vẫn chưa được sang tên cho bên trúng đấu giá. Hoạt động xử lý TSBĐ gặp khó khăn hơn do chính quyền địa phương không đồng thuận khiến hàng trăm TSBĐ nằm phơi sương mà TCTD không làm gì được.
Tại Vietcombank, theo Phó tổng giám đốc Phạm Mạnh Thắng, có những trường hợp tài sản bên thứ 3 không xử lý được, khoản nợ treo, tài sản để rất lãng phí, trong đó có những dự án xây dựng hàng nghìn tỷ. Một khi không giải quyết khối tài sản lớn trên DN cũng không hoạt động được, tài sản hao mòn dần, gây trì trệ rất lớn trong hoạt động kinh tế.
Hay như ACB, có những vụ án mà tài sản người vay mang thế chấp ngân hàng bị chủ cũ tranh chấp, yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp đồng mua bán nhà… với lý do là bên mua chưa trả hết tiền đã gây khó khăn cho NH.
Một khó khăn khác: Trong khi hầu hết các Tòa tuyên công nhận hợp đồng chuyển nhượng đất, mua bán nhà là hợp pháp do đã hoàn thành thủ tục công chứng và đăng ký, thì có một số Tòa lại tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng, mua bán; hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu đang thế chấp tại NH. Điều này là vô lý. Nhưng khi Tòa tuyên hủy hợp đồng đã khiến ACB mất quyền đối với TSBĐ của mình nên phải chuyển khoản vay từ thế chấp sang tín chấp, tăng nguy cơ rủi ro cho NH.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Hoàng Hưng, Phó giám đốc phụ trách Ban Quản lý và xử lý nợ có vấn đề SHB, không chỉ có TSBĐ bằng BĐS khó khăn mà thực tiễn xử lý các khoản nợ xấu có TSBĐ là động sản khác như xe ô tô, tàu biển… cũng khó khăn không kém. Cụ thể, đối với TSBĐ là tàu biển việc thu giữ rất hạn chế và các Tòa án thường rất ngại khi ban hành lệnh bắt giữ tàu biển. Bởi lẽ thủ tục phức tạp, chi phí thực hiện bảo đảm tài chính rất cao. Tàu biển hoạt động trong hải phận của Việt Nam và hải phận quốc tế nên việc bắt giữ rất phức tạp.
Thẩm phán Tòa án các cấp hầu như ít giải quyết các vụ việc bắt giữ tàu biển nên thường có tâm lý e ngại trong việc xử lý. Cũng vì thế, chấp hành viên thuộc Cơ quan thi hành án dân sự các cấp hiếm khi đề nghị Tòa án cấp có thẩm quyền tiến hành bắt giữ tàu biển để đảm bảo việc Thi hành án vì cho rằng đây là biện pháp có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro trong khi áp dụng.
Kỳ 3: Thi hành án: chuyện dở khóc dở cười