Xuất khẩu dăm gỗ gặp khó vì thuế tăng
Xuất khẩu gỗ lo rủi ro với nguồn nhập khẩu | |
Đồ gỗ trước cửa vào EU, Hoa Kỳ | |
Chế biến, xuất khẩu dăm gỗ: Cần cái nhìn khách quan |
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, lượng dăm gỗ xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2015 đã tăng cao lên trên 8 triệu tấn, với kim ngạch đạt trên 1,2 tỷ USD và Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu dăm gỗ lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2016, lượng dăm xuất khẩu giảm mạnh chỉ đạt gần 1,9 triệu tấn, với giá trị xuất khẩu ở mức 248 triệu USD. Đặc biệt, giá dăm xuất khẩu giảm mạnh xuống 125 USD/tấn khô và dự báo kim ngạch xuất khẩu dăm sẽ chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ.
Theo ông Ngô Sỹ Hoài, Phó tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, sở dĩ có tình trạng sụt giảm nhanh như vậy bởi ngành dăm gỗ xuất khẩu đang gặp phải hai vấn đề khó khăn lớn, gây cản trở, sụt giảm kim ngạch xuất khẩu. Cụ thể, việc Chính phủ áp thuế 2% đối với mặt hàng dăm gỗ xuất khẩu ngay đúng vào thời điểm lượng cung trên thế giới dư thừa khiến cho các DN xuất khẩu dăm gỗ trong nước không thể đẩy hàng đi.
Ngoài ra, còn phải kể đến nguyên nhân nữa là do một số vùng trồng, cung cấp nguyên liệu chính ở Nghệ An, Thanh Hóa... bị đóng cửa hoặc diễn ra tình trạng bảo hộ độc quyền cho một số DN lớn khai thác.
Xét từ hoạt động sản xuất trực tiếp, một phó giám đốc Công ty chế biến xuất khẩu dăm gỗ tại tỉnh Bình Dương phân tích, việc áp thuế 2% không chỉ làm tăng chi phí sản xuất gần 3 USD/đơn vị sản phẩm, đẩy giá thành lên cao, lợi nhuận DN sụt giảm. Mà nhìn sâu rộng hơn, chính những người nông dân lao động trồng rừng mới phải gánh chịu thiệt thòi nặng nhất khi giá thu mua nguyên liệu buộc phải giảm theo.
Như vậy, rõ ràng việc tăng 2% thuế xuất khẩu dăm gỗ đã bị đẩy về phía nông dân trồng rừng, do các DN chế biến phải hạ giá thu mua nguyên liệu khoảng 20 - 30% để cân đối giá thành đầu ra. Điều này cũng lý giải cho thực trạng tại sao người nông dân thời gian qua lại thu hẹp diện tích trồng rừng do vất vả ươm trồng, chăm sóc nhiều năm trời nhưng khi thu hoạch thì giá thành chẳng được là bao, mà chỉ chủ yếu lấy công làm lãi...
Chưa hết, trong nước tình trạng các DN xuất khẩu cạnh tranh thiếu lành mạnh, chào giá thấp với đối tác, nhà nhập khẩu cũng khiến hoạt động của các DN cùng ngành càng gặp nhiều khó khăn.
Vấn đề này cũng đã được Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cảnh báo khi gần đây nhiều nhà xuất khẩu dăm gỗ trên thế giới như Úc, New Zealand... cho rằng Việt Nam đang phá giá thị trường. Và nếu như tình trạng này kéo dài họ sẽ có những động thái thích hợp, thậm chí là kiện chống bán phá giá.
Bên cạnh đó, còn phải kể đến việc Việt Nam quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, xuất khẩu trên 40% vào thị trường này cũng khiến cho các DN dăm gỗ trong ngành dễ bị tổn thương khi có sự thay đổi, không hấp thụ nguồn hàng.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước có 130 cơ sở chế biến xuất khẩu dăm trực tiếp thu mua nguyên liệu của hàng triệu hộ gia đình trồng rừng cung cấp dăm cho ngành công nghiệp sản xuất chế biến gỗ. Nên việc tăng thuế cần tính tác động sâu rộng đến những đối tượng này chứ không chỉ đơn thuần là nhắm đến đối tượng là các DN. Một chuyên gia của ngành nông - lâm nghiệp nhận định, rõ ràng chính sách đưa ra nhằm hạn chế khai thác và chế biến xuất khẩu thô nguyên liệu gỗ.
Đồng thời hướng ngành xuất khẩu gỗ chú trọng phát triển theo chiều sâu, tạo ra nhiều giá trị gia tăng chứ không nhằm gây khó cho bất kỳ một lĩnh vực, ngành nghề nào. Việc đóng góp của dăm gỗ trong duy trì tăng trưởng xuất khẩu của ngành hàng nông - lâm sản là không thể phủ nhận nhưng nếu chỉ chú trọng xuất thô thì ngay cả đến ngành sản xuất đồ gỗ nội thất, thủ công mỹ nghệ trong nước cũng thiếu nguyên liệu chứ chưa nói gì đến những hệ lụy chặt phá rừng, tác động môi trường, công ăn việc làm...
Vì vậy, DN xuất khẩu dăm gỗ cần nhìn nhận, đánh giá từ cái nhìn vĩ mô, lâu dài chứ không vì lợi ích trước mắt mà kêu khó hoặc mạnh tay hạ giá thu mua, cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các DN với nhau khiến ngành gỗ xuất khẩu chịu thiệt hại.