Chế biến, xuất khẩu dăm gỗ: Cần cái nhìn khách quan
Chiến lược phát triển lâm nghiệp quốc gia đến năm 2020 có đặt mục tiêu giảm dần chế biến dăm giấy XK. Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cũng yêu cầu các địa phương không cấp phép thành lập mới các cơ sở, DN chế biến dăm gỗ.
Các DN ngành gỗ đang tạo việc làm và thu nhập cho hàng vạn lao động |
Có đóng góp nhất định
Trong báo cáo xuất khẩu dăm gỗ của Việt Nam giai đoạn 2012 – 2014, TS. Tô Xuân Phúc (tổ chức Forest Trends) cho biết, ngành chế biến và XK dăm gỗ ở Việt Nam đạt được con số phát triển vô cùng ấn tượng trong khoảng một thập kỷ qua. Kể từ năm 2011, Việt Nam đã trở thành quốc gia có lượng dăm gỗ XK lớn nhất thế giới. Năm 2014, kim ngạch XK dăm gỗ đạt 958 triệu USD với sản lượng 6,97 triệu tấn dăm khô, tương đương 13,9 triệu m3 gỗ nguyên liệu.
Tuy nhiên, đã xuất hiện sự phát triển quá nóng của ngành dăm, trong khi chế biến gỗ đang thiếu trầm trọng nguyên liệu đầu vào, vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu. Cả nước hiện có 130 cơ sở chế biến XK dăm đang vận hành, tăng 16% so với con số 112 nhà máy của năm 2012. Với tổng công suất thiết kế của các nhà máy trên 8 triệu tấn dăm khô/năm, các nhà máy hoạt động hết công suất sẽ đòi hỏi lượng gỗ nguyên liệu đầu vào tương đương trên 16 triệu m3, hầu hết từ nguồn rừng trồng.
Thêm vào đó, có ý kiến cho rằng, XK dăm thực chất là hình thức xuất khẩu nguyên liệu thô, không tạo được giá trị gia tăng lớn trong sản phẩm, không nâng cao giá trị thu nhập từ trồng rừng vì chu kỳ khai thác chỉ từ 5 - 6 năm, trong khi nếu kéo dài chu kỳ lên 10 - 12 năm thì có thể cung cấp gỗ lớn cho chế biến.
Phản hồi quan điểm trên, các DN ngành dăm cho rằng, hiện nay nhiều hộ gia đình không có đủ các điều kiện cần thiết để trồng rừng gỗ lớn do thiếu vốn đầu tư, luôn phải chịu sức ép khai thác rừng trồng sớm để trang trải cho cuộc sống và tái đầu tư. Vì vậy, việc phát triển ngành dăm còn góp phần thúc đẩy nghề trồng rừng phát triển, từ đó nâng cao độ che phủ rừng.
“Nhiều người đang gán cho ngành dăm gỗ một thứ tội là XK nguyên liệu thô, làm cạn kiệt tài nguyên, nguồn lợi quốc gia. Nhưng trong khi nhiều cánh rừng đang bị xâm hại và cạn kiệt thì ngành dăm gỗ đã góp phần phát triển những cánh rừng trồng mới thông qua việc tiêu thụ sản phẩm và xuất khẩu. Tuy là xuất khẩu nguyên liệu thô nhưng nó được trồng trên những vùng đất xa xôi, cằn cỗi và được tái tạo liên tục. Giá trị rừng khi thu hoạch hiện nay đang thỏa mãn lợi ích cho người trồng rừng…”, ông Lê Công Cẩn, Giám đốc Công ty TNHH Cát Phú (Bà Rịa - Vũng Tàu), DN chuyên sản xuất dăm gỗ XK nói.
Cần đánh giá khách quan hơn
Nhiều thông tin trái chiều đó đã đặt cơ quan quản lý vào những khó khăn nhất định trong việc xác định ưu tiên phát triển cho các ngành có sử dụng nguồn gỗ rừng trồng làm nguyên liệu đầu vào. Cũng xin nhắc lại là Chiến lược phát triển lâm nghiệp quốc gia đến năm 2020 và Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp đặt ra mục tiêu điều chỉnh cơ cấu sản phẩm gỗ, nhất là các sản phẩm XK theo hướng tăng tỷ trọng giá trị lâm sản sử dụng nguồn nguyên liệu được gây trồng trong nước, hạn chế tối đa XK sản phẩm thô (bao gồm cả dăm gỗ).
Tháng 2/2015, Bộ NN&PTNT ra quyết định phê duyệt kế hoạch triển khai phương án quản lý sản xuất dăm gỗ giai đoạn 2014 - 2020, trong đó nhấn mạnh: rà soát, sắp xếp các cơ sở sản xuất dăm gỗ gắn với vùng nguyên liệu nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả trong sản xuất dăm. Đồng thời, kiến nghị tăng thuế XK dăm gỗ và giảm thuế XK đối với sản phẩm gỗ tinh chế.
Về vấn đề này, ông Võ Đình Tuyên, Vụ Quản lý ngành (Văn phòng Chính phủ) cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam đã và sắp ký hàng loạt các hiệp định thương mại, việc sử dụng chính sách thuế đối với DN là không phù hợp, đi ngược với xu thế phát triển chung.
TS. Tô Xuân Phúc cũng bày tỏ quan ngại, “Nếu điều này xảy ra, tác động tiêu cực của việc áp dụng thuế XK dăm là rất lớn bởi hàng trăm nghìn hộ gia đình miền núi, bao gồm nhiều hộ nghèo, hiện cung cấp nguyên liệu cho ngành dăm phải gánh chịu mức thuế này”, ông Phúc nói.
TS. Tô Xuân Phúc đề xuất: Trước khi áp dụng thuế XK dăm cần phải có đánh giá chi tiết và khách quan về thực trạng của ngành, đặc biệt về nguồn cung nguyên liệu và động lực đầu tư sản xuất gỗ rừng trồng của hộ gia đình.
Bên cạnh đó, cần có nghiên cứu sát thực về mối quan hệ tương tác giữa ngành dăm và các ngành khác có sử dụng nguồn nguyên liệu từ rừng trồng, từ đó giúp cho việc hình thành các chính sách, bao gồm cả chính sách thuế được ban hành và áp dụng hiệu quả hơn.