Ý nghĩa đồng vốn chính sách
Ảnh minh họa |
Đồng vốn như giúp cho họ cái cần để câu cá. Đồng vốn đã giúp nhiều hộ gia đình mở rộng sản xuất kinh doanh, tự tạo được thêm nhiều việc làm mới, từng bước cải thiện đời sống.
Khi nói về ý nghĩa của nguồn tín dụng giải quyết việc làm, ông Nguyễn Tử Ân, Giám đốc VBSP Đăk Lăk chia sẻ, nguồn vốn này được triển khai theo Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (hiện đã được sửa đổi, bổ sung bằng Quyết định 15/2008/QĐ-TTg) được bắt đầu triển khai từ năm 2005.
Từ đó đến nay, hệ thống VBSP Đăk Lăk, giải ngân cho vay khoảng 170 tỷ đồng, với số lượt hộ được vay vốn khoảng 11.280 hộ, dư nợ bình quân chỉ khoảng 15 triệu đồng/hộ vay. Ông Ân khẳng định, có thể nói đây là số vốn quá nhỏ so với nhu cầu thực tế khi đầu tư khởi nghiệp, tự tạo việc làm hoặc mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh của người dân.
Tuy nhiên, theo khẳng định của ông Ân, thực tế tại Đăk Lăk có nhiều hộ gia đình bắt đầu từ nguồn vốn ít ỏi, song nhiều hộ nghèo trên địa bàn đã vươn lên mở rộng sản xuất kinh doanh, đến nay không những thoát nghèo mà còn trở thành những gương điển hình về sản xuất giỏi của địa phương.
Đơn cử như, trước đây, kinh tế gia đình chị H’Ban Byă phụ thuộc hoàn toàn vào 1,5ha đất trồng lúa, sắn. Nhiều đất sản xuất nhưng do không có vốn đầu tư nên năng suất cây trồng thấp, thu nhập bấp bênh.
Từ năm 2007 đến nay, chị H’Ban được VBSP cho vay vốn nuôi bò để làm vốn phát triển kinh tế. Cặp bò dần sinh sôi, có thời điểm lên đến 6 con, giúp chị H’Ban Byă có nguồn thu nhập, tích lũy được vốn để mua sắm xe công nông và máy móc đầu tư vào sản xuất. Chị H’Ban Byă chia sẻ, nếu không nhờ nguồn vốn vay của VBPS, cuộc sống của gia đình không thể khá lên được như ngày hôm nay.
Ông Ân chia sẻ thêm, thực tế trên địa bàn có nhiều hộ gia đình tự tạo được việc làm, đầu tư mở rộng sản xuất, vươn lên chỉ sau một thời gian ngắn được vay vốn từ nguồn tín dụng giải quyết việc làm. Có hộ chỉ vay từ 10-15 triệu đồng để mua một, hai con bò sinh sản, sau vài năm chăm sóc, số bò có được đã tăng gấp đôi hoặc nhiều hơn.
Có thể nói, tín dụng giải quyết việc làm đã thực sự phát huy kết quả, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân. Đặc biệt là các hộ sống ở vùng sâu, vùng xa, người đồng bào dân tộc thiểu số.
Khi có vốn, cộng với công tác khuyến nông, khuyến lâm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng được chính quyền địa phương chú trọng đã giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần tích cực vào việc nâng cao đời sống của người dân; đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn vùng biên.