37 dự án vào Chung kết cuộc thi Dự án Khởi nghiệp xanh lần thứ 9
Trước đó, cuộc thi Dự án Khởi nghiệp xanh lần thứ 9 đã diễn ra vòng Bán kết ở 3 khu vực: Bến Tre (chọn được 10 dự án), TP.HCM (chọn được 15 dự án) và Hà Nội (tìm ra 12 dự án).
37 dự án vào vòng Chung kết cuộc thi Dự án Khởi nghiệp xanh lần thứ 9 năm 2023 với nhiều dự án tận dụng tài nguyên bản địa |
Cuộc thi Dự án Khởi nghiệp xanh lần thứ 9 năm 2023 do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức với sự phối hợp của Quỹ Hỗ trợ phát triển Thanh niên và các doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao.
Trước đó, từ giữa tháng 5/2023, kể từ khi thông báo đăng ký cho đến cuối tháng 7, Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được sự quan tâm đăng ký từ 179 cá nhân và tập thể gửi dự án tham gia, đại diện cho 36 tỉnh, thành. Sau giai đoạn chấm Sơ khảo, Ban giám khảo đã chọn ra 108 dự án của 33 tỉnh thành tham dự vào vòng Bán kết, trong đó có 51 dự án nhóm (3 người/nhóm), 57 dự án cá nhân.
Để hỗ trợ cho các dự án tham gia cuộc thi, từ đầu năm, Trung tâm BSA đã tổ chức hơn 10 lớp tập huấn tại các tỉnh: An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, TP.HCM, Hà Nội, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Nam Định, Nghệ An, Cao Bằng và Ninh Thuận. Những lớp tập huấn này đã tạo điều kiện để các doanh nông trẻ nâng cao thêm kiến thức và hỗ trợ cho các dự án tham gia cuộc thi được trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết để thực hiện thành công các dự án. Chương trình đã lan tỏa thông điệp về khởi nghiệp xanh trong lĩnh vực nông nghiệp, du lịch canh nông, đổi mới sáng tạo phát huy tài nguyên bản địa.
Các dự án đưa đến cuộc thi đa phần là dựa trên lợi thế sẵn có, tài nguyên bản địa của địa phương để phát triển dòng sản phẩm, dự án của mình. Như dự án Bảo tồn và phát triển trà hoa vàng Cúc Phương; Phát triển làng nghề nuôi trai nước ngọt lấy ngọc; Đẩy mạnh du lịch cộng đồng, bảo tồn và phát huy cảnh sắc, văn hóa, truyền thống địa phương; Sản xuất rượu gạo men lá thủ công; Chăn nuôi, sản xuất kinh doanh, chế biến các sản phẩm từ ốc nhồi; Sản xuất bánh canh rau củ - bánh hỏi rau củ (Bình Định); Phát triển lạp xưởng cá lóc (Đồng Tháp); Phát triển cây sâm bố chính gắn liền với văn hóa - ẩm thực - du lịch tại vùng núi nghèo khó (Thừa Thiên - Huế); Sản xuất Atiso bền vững (Lâm Đồng)…
Theo Ban tổ chức cuộc thi, nhiều dự án có hàm lượng đầu tư về khoa học công nghệ để nâng cao hiệu suất nông nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Có thể liệt kê một số dự án nổi bật như: Ứng dụng công nghệ sinh học xây dựng mô hình nuôi trồng nấm hương; Ứng dụng công nghệ vi sinh, công nghệ tưới tiết kiệm, nhà màng nhà lưới trong sản xuất nông nghiệp an toàn và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm; Nâng cấp giá trị của cây sen bằng công nghệ vi sinh trong sản xuất và chế biến sau khi thu hoạch; Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sản phẩm nem thính…