Agribank tạo mọi thuận lợi để khách hàng vay vốn
Làm giàu nhờ nguồn vốn Agribank Agribank dành 3.000 tỷ đồng lãi suất ưu đãi chia sẻ khó khăn với lĩnh vực lâm, thủy sản |
Xóa bỏ rào cản tâm lý
Ra đời cách đây 10 năm, Công ty cổ phần TM & DV HTC đã từng có giai đoạn không quan tâm đến tín dụng ngân hàng bởi khi đó, quy mô sản xuất kinh doanh chưa "đủ lớn". Thế nhưng, vài năm gần đây, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19, nhu cầu của thị trường tăng cao, yêu cầu về nguồn vốn để đầu tư phát triển quy mô, mở rộng sản xuất cũng được đặt ra với doanh nghiệp. "Sau đại dịch, chúng tôi phát triển nhanh, doanh thu tăng gấp đôi. Khi đó chúng tôi mới kẹt về vốn, và tiếp cận dòng vốn vay từ các tổ chức tín dụng là giải pháp được doanh nghiệp tính đến", bà Lê Thị Hà - Tổng giám đốc TM & DV HTC nói.
Cũng theo chia sẻ của bà Hà, việc tiếp cận vốn của công ty rất thuận lợi: "Tôi thấy việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp rất dễ, tôi rất bất ngờ. Khi doanh nghiệp tôi đến Agribank không gặp khó khăn nào, cán bộ ngân hàng tạo mọi điều kiện thuận lợi".
Hiện dư nợ tại Agribank của doanh nghiệp lên tới 20 tỷ đồng, với lãi suất chỉ 9%/năm. Bà Hà đánh giá, mức lãi suất này phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Với tốc độ tăng trưởng và các hợp đồng đã ký với đối tác, bà Hà cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục làm việc với ngân hàng để được tăng dư nợ vay thêm 4 – 5 tỷ đồng.
Ngân hàng tạo mọi điều kiện để khách hàng vay vốn |
Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khách hàng
Trên thực tế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa – thành phần đóng góp vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, luôn là đối tượng khách hàng chiến lược và được Agribank ưu tiên dành một nguồn lực lớn để xây dựng các chính sách, sản phẩm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp. Đồng thời, tạo mọi điều kiện mở rộng vay vốn, sử dụng sản phẩm dịch vụ ngân hàng. Agribank cũng luôn luôn xem trọng lợi ích của doanh nghiệp vì doanh nghiệp phát triển thì ngân hàng mới phát triển.
Theo chia sẻ của bà Phùng Thị Bình - Phó tổng giám đốc Agribank, nhằm tăng cường sức hấp thụ vốn cho doanh nghiệp, Agribank đang triển khai các gói tín dụng hỗ trợ khách hàng như gói tín dụng 30.000 tỷ đồng theo chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ; chương trình tín dụng dành cho lĩnh vực lâm, thủy sản với quy mô dự kiến khoảng 3.000 tỷ đồng, giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất ổn định. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất và kinh doanh ra thị trường quốc tế, Agribank cũng triển khai Chương trình tín dụng ưu đãi khách hàng xuất, nhập khẩu năm 2023...
Bên cạnh đó, mặc dù phải cạnh tranh huy động vốn theo cơ chế thị trường, song mỗi năm, Agribank vẫn dành hàng nghìn tỷ đồng để hỗ trợ cho vay lãi suất thấp đối với các đối tượng khách hàng, cùng tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Chỉ riêng nửa đầu năm 2023, Agribank đã có 7 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay. Lãi suất các khoản cho vay thông thường phát sinh mới giảm từ 2-4%/năm so với đầu năm; Điều chỉnh giảm lãi suất tối đa 3% đối với khách hàng là pháp nhân vay vốn với mục đích kinh doanh bất động sản gặp khó khăn; Điều chỉnh giảm tối thiểu 0,5% lãi suất cho các khách hàng hiện có dư nợ trung dài hạn bằng VND tại Agribank.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Agribank đã có hơn 1.000 tỷ đồng giảm lãi suất cho vay, với 2,2 triệu khách hàng được hỗ trợ. Những hành động thiết thực, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và người dân càng thêm khẳng định uy tín, thương hiệu Agribank.
Riêng về tài sản đảm bảo - vốn được coi là rào cản lớn nhất trong việc tiếp cận vốn vay của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bà Bình cho biết, ngoài các trường hợp về cho vay không có tài sản đảm bảo quy định tại Nghị định 55, Agribank cho vay không cần tài sản đảm bảo đối với khách hàng được xếp hạng từ 2A trở lên, theo quy định của ngân hàng. Ngoài ra, để tạo thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, Agribank chấp nhận cho khách hàng thế chấp bằng tài sản hình thành từ vốn vay, hàng hóa và công nợ phải thu,...
Đặc biệt, Agribank thời gian qua đã tích cực đẩy mạnh các giải pháp nhằm cải tiến hồ sơ, thủ tục cho vay; áp dụng giải pháp không dùng tiền mặt trong hoạt động tín dụng (qua hệ thống thu nợ tự động Center cut). Bên cạnh đó, ngân hàng cũng đang trong quá trình hoàn thiện triển khai Đề án Ngân hàng điện tử (Internet Banking). Trong đó, áp dụng công nghệ và phương thức tự động hóa trong quy trình khởi tạo khoản vay, quản lý nợ có vấn đề, quản lý tài sản đảm bảo. Việc tạo thêm kênh cho vay điện tử cũng là một cách Agribank tạo thuận lợi cho khách hàng khi tiếp cận tín dụng.
Trong thời gian tới, lãnh đạo Agribank cho biết, ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai các Chương trình hỗ trợ tín dụng của Chính phủ, NHNN. Trong đó, ngân hàng sẽ tiếp tục điều hành lãi suất linh hoạt, nỗ lực tiết giảm chi phí, tiếp tục giảm lãi suất đầu vào để giảm lãi suất cho vay. Đẩy mạnh các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất dành cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu quy mô 25.000 tỷ đồng, doanh nghiệp vừa và nhỏ quy mô 20.000 tỷ đồng; đa dạng hóa sản phẩm tín dụng phù hợp với các phân khúc khách hàng, theo từng ngành nghề, lĩnh vực; theo từng địa bàn; chuẩn hóa quy trình, giảm thiểu thủ tục và thời gian xét duyệt khoản vay; đẩy mạnh các kênh truyền thông để các thông tin về các chương trình cho vay ưu đãi đến được với rộng khắp doanh nghiệp.