Agribank tích cực hỗ trợ khách hàng vượt qua đại dịch
Agribank tích cực gỡ khó cho khách hàng vượt qua đại dịch | |
Agribank dành 5.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi khách hàng doanh nghiệp FDI |
Agribank tiếp tục hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch |
Hàng nghìn khách hàng được hỗ trợ
Trong 8 tháng đầu năm 2020, Agribank đã ban hành nhiều cơ chế chính sách quan trọng liên quan đến việc tháo gỡ kháo khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Cụ thể, Agribank đã ban hành và triển khai quy định nội bộ hướng dẫn Thông tư 01/2020/TT-NHNN của NHNN; Ban hành chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất với quy mô 100.000 tỷ đồng, mức lãi suất hỗ trợ lên đến 2,5%/năm nhằm mở rộng tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, chương trình chính sách đặc biệt là cho vay để duy trì và khôi phục các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Tính đến cuối tháng 8/2020, dư nợ bị ảnh hưởng bởi Covid-19 tại Agribank là 177.962 tỷ đồng, trong đó ngân hàng thực hiện cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi, phí theo Thông tư 01 là 52.263 tỷ đồng với 17.268 khách hàng. Ngoài ra, Agribank thực hiện cho vay mới đối với các khách hàng ảnh hưởng dịch Covid-19 với doanh số hơn 75.000 tỷ đồng, với gần 22.000 khách hàng; trong đó thực hiện cho vay mới theo chương trình ưu đãi lãi suất là 40.700 tỷ đồng. Agribank thực hiện hạ lãi suất cho hơn 17.000 khách hàng bị ảnh hưởng với dư nợ được hạ là hơn 30.000 tỷ đồng.
Các khách hàng mà Agribank đã thực hiện cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ tập trung nhiều nhất tại khu vực Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Số lượng khách hàng được cơ cấu lại nợ tập trung ở các khu vực Tây Nguyên (3.513 khách hàng); Trung du Bắc bộ (2.688 khách hàng) và Tây Nam bộ (2.575 khách hàng). Các khách hàng được miễn giảm lãi tập trung nhiều nhất ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, khu vực miền núi cao biên giới, Khu 4 cũ; trong đó số lượng khách hàng miễn giảm lãi cao tại các khu vực Khu 4 cũ (296 khách hàng), Tây Nguyên (263 khách hàng), Trung du Bắc bộ (219 khách hàng).
Những hỗ trợ hiệu quả đó đã giúp khách hàng cầm cự, giảm bớt khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, song lại khiến thu nhập của ngân hàng giảm mạnh. Theo chia sẻ của lãnh đạo Agribank, khách hàng vay mới không nhiều bằng số khách hàng mong được giảm lãi suất cho các khoản vay hiện hữu. Agribank có đặc điểm là 2/3 dư nợ tập trung ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, nên tác động bởi Covid-19 không nặng nề bằng một số ngân hàng khác, song nhu cầu tín dụng của khách hàng cũng giảm mạnh do xuất khẩu giảm, tiêu dùng giảm.
“Thực tế, có những doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn, nhưng cũng không chứng minh được phương án sử dụng vốn, không có hợp đồng bán hàng, nếu không đáp ứng được điều kiện này ngân hàng cũng không dám cho vay”, lãnh đạo Agribank cho biết thêm.
Theo quy luật thông thường và yếu tố mùa vụ của lĩnh vực tam nông thì cuối năm nhu cầu tín dụng sẽ tăng, nhưng với tình hình dịch bệnh hiện nay, rất khó dự báo chính xác. Năm 2020, lãnh đạo Agribank cho biết, ngân hàng đã cắt giảm tối đa các chi phí, tuyển dụng lao động cũng rất hạn chế để không tăng quỹ tiền lương song khả năng hoàn thành mục tiêu kép trong năm nay - lợi nhuận tối thiểu 12.200 tỷ đồng để được giữ lại 3.500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ - là thách thức rất lớn. Thực tế, không chỉ Agribank hay các ngân hàng lớn ở Việt Nam, mà các ngân hàng lớn trên thế giới đều lâm vào tình cảnh này, hoạt động khó khăn, lợi nhuận sụt giảm... Nói chung, khi nền kinh tế khó khăn, thì tập trung chống đỡ, đảm bảo an toàn hệ thống là nhiệm vụ hàng đầu.
Chủ động tiếp tục ứng phó với dịch bệnh
Theo nhận định và dự báo của các tổ chức và chuyên gia y tế, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm, bùng phát và có khả năng tiếp tục kéo dài, tác động tiêu cực đến nhiều mặt kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Agribank xác định những tháng cuối năm là giai đoạn nước rút để thực hiện các mục tiêu còn lại của năm 2020 và Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ cấu giai đoạn 2016 - 2020.
Theo đó, Agribank tiếp tục chủ động nắm bắt, cập nhật kịp thời các thông tin chính thức về diễn biến mới của dịch Covid-19 và chỉ đạo của các cấp, các ngành, các địa phương để thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch; chủ động áp dụng các biện pháp ứng phó, bảo đảm hoạt động an toàn, thông suốt, không bị gián đoạn trong mọi trường hợp.
Về hoạt động tín dụng, Agribank tiếp tục tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp mở rộng tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực ưu tiên và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân theo quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN sau khi NHNN ban hành. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện của tất cả các chi nhánh trong hệ thống để đảm bảo việc thực hiện đúng quy định và hiệu quả; chủ động cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản.
Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và NHNN về tiết giảm chi phí hoạt động, giảm lương thưởng, lợi nhuận để tiếp tục giảm lãi suất cho vay thực chất đối với các khoản vay hiện hữu và các khoản vay mới; tiếp tục hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch.
Trong những tháng cuối năm, Agribank tiếp tục ưu tiên cho vay các đối tượng ưu tiên đặc biệt là DNNVV, cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn; triển khai các gói tín dụng ưu đãi lãi suất tập trung vào đối tượng khách hàng DNNVV, cho vay theo chuỗi liên kết… đồng thời đẩy mạnh phương thức đầu tư cho nông nghiệp nông thôn thông qua tổ vay vốn, vận hành hiệu quả mô hình ngân hàng lưu động, chủ động đầu tư vào nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao, góp phần bảo vệ an toàn người tiêu dùng và nâng cao uy tín, thương hiệu nông sản Việt Nam.
Chủ động, ứng phó trong mọi tình huống, Agribank tập trung tối đa mọi nguồn lực để khắc phục khó khăn, đồng thời luôn sẵn sàng, chủ động nguồn vốn để nhiều đối tượng khách hàng, doanh nghiệp, các mô hình sản xuất nông nghiệp… trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh kéo dài vẫn được tiếp cận và vay vốn từ Agribank để phục hồi và sản xuất, kinh doanh hiệu quả, là những giải pháp mà ngân hàng sẽ triển khai quyết liệt trong thời gian tới.
Ghi nhận trong thời gian qua, các NHTM đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng, tuy nhiên trong thời gian tới, lãnh đạo NHNN yêu cầu các TCTD trong đó có Agribank đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, chú trọng vào các lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là các dự án hiệu quả, có khả năng phục hồi sau dịch.
Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng; Tích cực triển khai các chương trình tín dụng đối với ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như: nông nghiệp nông thôn, DNNVV, nhà ở xã hội, công nghiệp hỗ trợ, các dự án trọng điểm, chương trình mục tiêu quốc gia; Kịp thời phối hợp các bộ, ngành liên quan xử lý khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện; Tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01 của NHNN...